Sau phiên giải trình của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi lưu ý một loạt vấn đề đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Ông Thi cho biết Ủy ban lúc đầu rất "sợ" 2 phương án sau trong 3 phương án Bộ đưa ra. "Đúng là tiến tới thi theo bài thi nâng cao năng lực nhưng phải sau ngày triển khai chương trình SGK mới. Học sinh học gì thi đó. Đang học môn học lại thi tích hợp, năng lực thì quá khó, yêu cầu quá cao" - ông Thi nhận xét.

Đa số đại biểu cho rằng tổ chức kỳ thi quốc gia là cần thiết, nếu thực hiện tốt góp phần giảm tải áp lực, tốn kém, là một bước thực hiện Nghị quyết (NQ) 29. Tuy nhiên, theo ông Thi, NQ 29 không nói đến tổ chức một kỳ thi với hai mục đích. "Vì vậy, kỳ thi quốc gia THPT năm 2015 đi theo hướng của NQ 29 nhưng không phải là con đường duy nhất. Nên có thể xem xét để thay đổi nếu kỳ thi này không đáp ứng được yêu cầu mà không trái NQ 29" - ông Thi khẳng định.

Trước những băn khoăn của các đại biểu về tính hợp lý của kỳ thi quốc gia, ông Thi nhận định kỳ thi này chỉ bắt buộc với tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh ĐH. Đại học sử dụng kết quả thi theo tinh thần tự nguyện trên cơ sở tự chủ của họ. Nếu bắt buộc sử dụng là không đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học và nghị quyết TƯ.

"Còn sự kết hợp 2 mục đích trong 1 kỳ thi có hiệu quả không vẫn là băn khoăn, dù đều mong muốn có hiệu quả cao. Giả sử thiên về mục đích nào, ví dụ THPT, là đúng yêu cầu vì bản thân nó là thế. Nhưng nếu nghiêng quá nhiều rất có thể mục tiêu tuyển sinh lại không đáp ứng. Thiên về đâu phải lựa chọn như thế nào cho hợp lý".

Ông Thi đánh giá cụm thi do ĐH chủ trì là biện pháp mạnh. Nhưng sự thay đổi này là nhanh quá, nên Bộ phải có tính toán về mức độ tổ chức, coi thi ở các cụm thi này.

"Cụm thi do ĐH chủ trì nếu tiếp tục làm trong tương lai phải sử dụng triệt để tính ưu việt. Đây là biện pháp mạnh hơn cả đưa thanh tra Bộ về địa phương trước đây.

Nhưng việc cho phép các trường tuyển sinh riêng được sử dụng kết quả địa phương khiến tính nghiêm túc không đồng đều. Chắc chắn là chất lượng cụm thi ở địa phương khác nhau. Cách tổ chức như vậy chưa tạo được mặt bằng chung, không công bằng giữa các thí sinh... Đây là điểm yếu Bộ cần nghiên cứu giải pháp khắc phục một cách tối đa."

Đưa ra dự báo điểm thi ở các cụm do đại học chủ trì sẽ thấp bởi yếu tố chính là coi thi và chấm thi, đề thi chỉ một phần, ông Thi đề nghị Bộ GD-ĐT phải tính toán về đề thi để điểm xét tốt nghiệp đạt mức trung bình. "Sẽ không ai bảo bài thi 3 điểm/ 10 là đạt yêu cầu. Bộ phải làm như thế nào những cháu đáng được tốt nghiệp phải đạt xấp xỉ 5 điểm.

Thi ở địa phương sẽ dễ đạt mức đó nhưng ở cụm đại học sẽ khó hơn. Để đảm bảo công bằng cho các cháu không có nhu cầu đại học nhưng vẫn phải thi ở cụm đại học, Bộ cần tính đến việc các cháu thi ở cụm đại học điểm thấp hơn mức trung bình có được xét tốt nghiệp không."

Về xét tuyển vào ĐH, CĐ, theo ông Thi, "nếu để trường đại học xét kết quả thi theo cụm ở địa phương tôi e rằng đầu vào càng thấp. Cần đề phòng hiện tượng lách quy định tuyển sinh, thí sinh thi cụm địa phương để vào đại học.

Nếu hạn chế được việc tổ chức các cụm địa phương không cần thiết thì sẽ khắc phục được điều này".

Chi Mai