- Sở GD- ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn về việc dạy thêm, học thêm trong trường phổ
thông.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: hiện tại một số trường THPT ở TP.HCM có các hoạt động dạy tăng tiết trái buổi có thu tiền (gọi chung là dạy thêm, học thêm) ngay trong trường. Phương án được các trường này thực hiện là cả lớp học chính khóa sẽ tham gia lớp học thêm trái buổi nhằm tránh sự xáo trộn, giáo viên chủ nhiệm sẽ quản lý lớp học chính khóa và cả buổi thứ hai.
|
PGĐ Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu |
Hoạt động này là do thực tế chương trình học nặng, thời lượng không đủ, các trường phải chủ động tăng tiết để tăng thời lượng bài giảng và thời gian luyện tập cho học sinh. Hoạt động này đã mang lại hiệu quả là giúp các em học sinh trung bình, yếu có điều kiện để hiểu rõ hơn bài học, tuy nhiên không thật cần thiết với đối tượng học sinh khá, giỏi.
Quy định dạy thêm, học thêm sẽ khắc phục được việc trên. Học sinh có nhu cầu học thêm sẽ đăng kí, nhà trường kiểm tra phân loại trình độ học sinh, từ đó bố trí giáo viên, chương trình học và thời lượng học hợp lý từng trình độ.
Theo hướng dẫn về dạy thêm học thêm sở GD-ĐT và Sở Tài chính sẽ có văn bản liên ngành quy định thu, quản lý và sử dụng tiền dạy thêm, học thêm. Ông có thể cho biết mức trần dạy thêm trong trường cụ thể như thế nào?
Hiện sở GD-ĐT và Sở Tài chính đã thống nhất mức thu chi dạy thêm, học thêm và trình Ủy ban nhân thành phố xem xét, quyết định.
Dự kiến mức trần thu tối đa thu ở bậc THPT là 12.000đồng/tiết/học sinh; ở bậc THCS là 10.000 đồng/tiết/học sinh.
Về chi, giáo viên trực tiếp đứng lớp tối đa được nhận 65% mức thu; bộ phận quản lý và bộ phận gián tiếp phục vụ cho dạy thêm, học thêm nhân tối đa 15%, 20% còn lại dành để chi cho sở vật chất, các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên tỷ lệ chi tại từng đơn vị phải được thống nhất tại Hội nghị cán bộ công chức thể hiện ở Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Đây là quy định mức trần chung, các trường căn cứ vào mức trần này và điều kiện cụ thể của từng trường để đưa ra mức thu. Các đơn vị có thể căn cứ vào số học sinh đăng kí học thêm để đưa ra mức thu cho hợp lý.
Theo quy định của TP.HCM, những giáo viên hoặc những người dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm. Vậy đối với dạy thêm trong trường Sở GD-ĐT thực hiện thẩm quyền cấp phép và quản lý việc này như thế nào?
- Sở GD-ĐT quản lý và cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình THPT hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THPT.
Phòng GD-ĐT quận (huyện) được quyền quản lý và cấp giấy phép theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân, quận, huyện đối với các tổ chức, cá nhân, dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường trên địa bàn quận có nội dung thuộc chương trình THCS hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THCS.
Hồ sơ xin cấp phép bao gồm tờ trình tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường, danh sách giáo viên, kế hoạch, thời lượng từng môn, mức thu, chi… Sở, Phòng sẽ căn cứ trên các yêu cầu này, thẩm định và cấp phép cho các đơn vị.
Rất nhiều phụ huynh băn khoăn tình trạng các giáo viên dạy không hết chương trình chính khóa theo quy định mà đẩy chương trình này sang dạy thêm, học thêm? Sở làm gì để quản lý việc này?
- Theo qui định hiện nay, các nhà trường được giao quyền chủ động tự xây dựng kế hoạch dạy học. Tùy vào thời lượng, mục đích nội dung của từng bài học, giáo viên sẽ bố trí và phân chia thời gian phù hợp để giảng dạy. Đối với những bài có nội dung trọng tâm, cần chuyên sâu, giáo viên có thể dùng nhiều thời gian hơn.
Ảnh Văn Chung |
Những bài có nội dung không cần thiết hoặc ít dùng, giáo viên có thể chỉ hướng dẫn qua, hướng dẫn học sinh tự học. Điều này không phải là cắt xén chương trình.
Theo ông việc quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh lớp chính khóa trong khi giáo viên là người am hiểu các em học yếu của lớp mình nhất có gây bất công cho nhưng giáo viên này?
- Về nhu cầu học thêm, phụ huynh và bản thân học sinh là người hiểu rõ nhất vấn đề này. Phụ huynh và bản thân học sinh biết rằng cần học thêm môn nào và học ở thầy cô nào. Việc lựa chọn học môn nào và thầy cô nào là do phụ huynh quyết định.
Nếu nói giáo viên không được dạy học sinh chính khóa của mình là không đúng. Theo qui định, giáo viên được phép dạy học sinh chính khóa của mình khi được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan.
Sở GD quy định mức trần chung nhưng người dân hiện nay quan tâm là mức thu tại các cơ sở. Sở làm thế nào để quản lý mức thu cụ thể tại các cơ sở, tránh tình trạng lạm thu, dạy không đảm bảo chất lượng?
- Trong hướng dẫn cấp phép và làm thủ tục cấp phép sở yêu cầu nhà trường định ra mức thu học phí học thêm tại trường mình. Nếu có tình trạng lợi dụng dạy thêm lạm thu, sở sẽ xử lý nghiêm khắc.
Cảm ơn ông!
Lê Huyền (thực hiện)