- Ngày 26/9, ngành giáo dục tiếp tục có buổi làm việc với các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ phía Nam về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều ý kiến băn khoăn về kỳ thi quốc gia.

Trường ĐH đề xuất: Cấp ít phiếu đăng kí, hạn chế hồ sơ ảo

Theo ông Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cái khó ở đây là tỷ lệ ảo sẽ tăng cao. Ông đề xuất khi tổ chức, Bộ GD-ĐT nên phân chia các trường ĐH thành các tốp khác nhau.

Đồng quan điểm, đại diện trường ĐH Đồng Tháp cho rằng, cần  hạn chế tình trạng "ảo" bằng cách cấp hạn chế phiếu đăng ký hồ sơ, tối đa 3 phiếu và nên tổ chức tuyển sinh thành 3 đợt, mỗi đợt kéo dài10 ngày.

Còn GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM góp ý, nên để giáo viên phổ thông chấm thi vì họ là người nắm vững nhất các kiến thức phổ thông.

Trong khi đó, đại diện ĐHQG TP.HCM cũng bày tỏ, nếu cho phép thí sinh nộp hồ sơ vào tất cả các trường ĐH, tỷ lệ hồ sơ ảo tăng cao sẽ khiến các trường rất vất vả trong quá trình tuyển sinh. Một em có khả năng trúng đến 4-5 nơi nhưng chỉ chọn 1 trường để học. Bộ cần có giải pháp để hạn chế tình trạng này.

"Có mang học trò ra thí nghiệm không?"

Ngập ngừng giãi bày với tinh thần "Bộ trưởng yêu cầu trao đổi chân tình", ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương bày tỏ: “Tôi làm quản lý 10 năm, trải qua nhiều thay đổi. Năm trước đổi mới thi cử, năm nay lại tiếp tục đổi mới và sang năm Bộ trưởng cũng cho rằng chưa chắc đã tiếp tục kỳ thi này. Tôi xin hỏi chúng ta có lấy học trò ra làm thí nghiệm không?".

Ông Phương cũng đặt câu hỏi:  kì thi quốc gia do trường ĐH đứng ra tổ chức, vậy sở lấy cơ sở nào để cấp bằng tốt nghiệp; từ trước đến nay toàn bộ ngân sách kì thi đều được UBND các tỉnh hỗ trợ, giờ giao cho các trường tổ chức thì ai lo ngân sách?

Đại diện Sở GD- ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý cần phải tăng số cụm thi để giảm khoảng cách đi lại cho học sinh.

"Không thể mang con trẻ ra làm thí nghiệm"

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD- ĐT sẽ ghi nhận và cân nhắc các nhóm ý kiến trong hội nghị.

Về dữ liệu, chắc chắn phải sử dụng một phần mềm chung xử lý kết quả.

Còn việc lựa cụm thi phụ thuộc vào tình hình địa lý các địa phương. Những trường đại học đủ năng lực có thể đứng ra tổ chức với lượng thí sinh vừa phải đảm bảo việc đi lại, ăn ở của thí sinh và người nhà.

Đề thi cho kì thi quốc gia là đề chung, không có sự phân biệt giữa học sinh hệ THPT và bổ túc.  Các Sở GD- ĐT giới thiệu đội ngũ giáo viên phổ thông chấm thi để đảm bảo công bằng.

Ông Ga nói Bộ sẽ cân nhắc các góp ý về chuyện chia nhóm trường khác nhau để xét tuyển, thời gian xét tuyển một đợt nên kéo dài trong 10 ngày thay vì 20 ngày như trước.

Còn kinh phí tuyển sinh là sự đóng góp của thí sinh, nhà nước và địa phương; phải làm hài hòa nhưng không làm tăng sự đóng góp của thí sinh.

Về đề án tuyển sinh riêng, các trường nếu có đề án có thể đưa lên Bộ duyệt bên cạnh sử dụng kết quả của kì thi quốc gia.

Chủ trì hội nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng việc triển khai  trong kì thi sắp tới không phải từ “zero” đi lên mà kế thừa những việc đã làm theo một kịch bản đã tính.

Ở phía THPT, "những cái mới" là sản phẩm được kế thừa, tiếp tục dựa trên công việc trong những năm vừa qua.

Ở phía các trường đại học, việc tổ chức cụm thi đã triển khai 12 năm, từ hội nghị hiệu trưởng đại học năm 2002.

Còn chuyện "ảo" trong đăng kí xét tuyển là hợp lý và công bằng, các trường nên chia sẻ vì quyền lợi nhà trường và học sinh. "Chúng ta chấp nhận cho các cháu được chọn nhiều hơn, các trường chọn được những học sinh giỏi hơn" - ông Luận nói.

Về các khối thi, việc thi 8 môn nhưng các trường nên tôn trọng khối thi như cũ, còn bỏ khối thi thì phải thông báo trước 2- 3 năm. Các trường bổ sung thêm khối có thể thông báo và có sự uyển chuyển không gây sốc cho học sinh.

Ông Luận cũng khẳng định "không thể mang con trẻ ra làm thí nghiệm. Thi cử  là việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng nhưng chúng tôi rất thận trọng khi đã báo cáo lên Phó thủ tướng, Thủ tướng nhiều lần, đã giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội".

  • Lê Huyền