Ý kiến của các chuyên gia giáo dục góp ý dự thảo Nghị định Quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Bộ GD-ĐT vừa công bố.

TS Ngô Tự Lập, ĐHQG Hà Nội: "Nên phân thành 'tinh hoa' và 'đại chúng'”

Tôi đồng ý với việc phân tầng đại học. Tôi đã đề xuất vấn đề này trong bài “Hai loại trường đại học của thời hậu hiện đại” in cách đây gần chục năm. Chúng ta phải phân biệt hai loại trường đại học, gắn với hai loại mục đích đào tạo khác nhau.

{keywords}
Ông Ngô Tự Lập

Loại thứ nhất là những trường đại học tinh hoa, có mục đích đào tạo những nhân tài cho đất nước, và loại thứ hai là những trường đại học đại chúng, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực, hay nói cách khác là người lao động thông thường.

Cả hai loại trường đại học đều rất quan trọng. Mọi xã hội đều tồn tại nhờ những người lao động thông thường, nhưng chỉ có thể phát triển được là nhờ nhân tài, những người phát hiện và tìm ra cách giải quyết các vấn đề sống còn đối với tương lai của cộng đồng.

Đối tượng của các trường tinh hoa không phải là nhân lực cho các cơ sở kinh doanh mà là nhân tài, những người sẽ trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo hoặc hoạt động trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và lý thuyết vì nhu cầu lâu dài của xã hội. Hoạt động của các trường đại học này được nhà nước bao cấp, tức là được đầu tư bằng tiền thuế của dân. Vì thế, sinh viên các trường tinh hoa cần phải được tuyển lựa rất kỹ càng. Khi được tuyển, họ không chỉ được miễn học phí mà còn được hưởng học bổng, được đảm bảo điều kiện học tập và nghiên cứu thật tốt.

Theo tôi, nhóm đại học tinh hoa chỉ nên bao gồm khoảng 20 trường, trong đó chỉ nên có 2 hoặc 3 trường là đại học nghiên cứu, có nhiệm vụ đào tạo những tài năng xuất chúng.

Các trường còn lại là các trường đại học đại chúng, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực. Ở đây, thị trường quyết định nhu cầu đào tạo, tiêu chí tuyển sinh, chính sách học phí. Chính thị trường, nói đúng hơn là người học và gia đình họ sẽ lựa chọn trường, và bằng cách đó buộc các trường đại học phải nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, ngay cả đối với các trường này học phí cũng không nên cào bằng. Theo tôi, nên miễn học phí và cấp học bổng cho 10% sinh viên giỏi nhất; 30% tiếp theo không được học bổng nhưng được miễn học phí. Còn 60% còn lại sẽ phải nộp học phí cao hơn nhiều so với mức học phí hiện nay. Việc xét học phí và học bổng cần được thực hiện căn cứ vào kết quả học tập của từng học kỳ. Chính sách học phí này tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời cho phép mở ra cơ hội thành công cho các sinh viên nghèo nhưng có năng lực và có ý chí.

Tuy nhiên, tôi lại cho rằng Bộ GD-ĐT không nên xếp hạng trường đại học. Nếu có, thì đó là việc của báo chí, của thị trường. Việc xếp hạng đại học dĩ nhiên cũng có những lợi ích nào đó, nhưng cũng đã bị nhiều nhà giáo dục phê phán. Mỗi trường đại học có chỗ đứng riêng, vai trò và sứ mệnh riêng trong hệ thống, vì thế không thể so sánh với nhau một cách máy móc được. Có lần tôi hỏi hiệu trưởng một trường đại học Anh về thứ hạng trường ông. Vị hiệu trưởng này đột nhiên nổi cáu, nói rằng điều chúng tôi quan tâm là đào tạo ra những sinh viên tốt, chứ không phải thứ hạng.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Theo tôi, không có nền đại học tốt chung chung. Nền giáo dục đại học tốt là nền giáo dục đáp ứng được những đòi hỏi hiện tại và khát vọng tương lai của dân tộc, đồng thời phải khả thi. Giáo dục đại học Mỹ thành công vì họ căn cứ vào thực tại của họ để xử lý những vấn đề phát sinh. Còn chúng ta, dường như không căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn mà đang chạy theo cách làm của người khác, chạy theo những dấu hiệu bề nổi. Thái độ đúng đắn của cha mẹ là mong cho con mình ngoan và giỏi, còn danh hiệu có được thì tốt, không cũng không sao. Nhưng chúng ta dường như chỉ mong con có danh hiệu, không cần biết chúng có ngoan và giỏi thật hay không.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: "Phải phân tầng theo sứ mệnh"

Nguyên tắc chung của việc phân tầng các trường đại học là phân theo sứ mệnh, chỉ áp dụng cho đại học công lập – là những trường Nhà nước bỏ tiền ra và giao nhiệm vụ.

Một kinh nghiệm phân tầng GDÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDÐH của Bang California, Hoa Kỳ, được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng.

{keywords}
Ông Lê Viết Khuyến

GDÐH công lập ở California chia ba tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất từ số học sinh tốt nghiệp THPT.

Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp.

Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường cao đẳng cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề. Đây là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập.

Ở đây cần lưu ý là Nhà nước quy định cho các tầng GDÐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ÐH tầng dưới.

Việc phân tầng Nhà nước nên làm, nhưng chỉ đối với các trường công lập. Còn đối với các trường ngoài công lập, khi Nhà nước không cấp kinh phí, thì không có quyền can thiệp vào sứ mệnh của các trường.

Dự thảo Nghị định dường như đang có sự lẫn lộn giữa phân tầng và phân loại.

Nói thêm với việc xếp hạng, dự thảo đưa ra “Các hạng được tính theo phần trăm (%) số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số” – theo tôi, đây là một quan điểm duy ý chí, giống như trước đây cứ cho rằng mỗi lớp học phải có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh trung bình.

Tại sao phải có 10%, 20%, 40%? Nếu như 100% các trường đều đạt tiêu chí hạng nhất thì càng tốt chứ, sao lại phải ép vảo cả loại 3, loại 4? Và nếu như đa số chỉ đạt mức trung bình, thì vẫn phải cố nhóm ra 10% cao nhất?

TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi: "Sẽ khó phân định rạch ròi 'nghiên cứu' – 'ứng dụng'"

Tôi hoan nghênh sự ra đời của dự thảo này, mọi thứ cần bài bản, theo xu hướng của thế giới.

Chính phủ chỉ đạo ở tầm vĩ mô, nhưng nên để cho một tổ chức ngoài hệ thống giáo dục thực hiện. Những việc đằng sau đó đòi hỏi phải rất khoa học, chi tiết.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Nhã

Và đơn vị nào sẽ thực hiện cũng là vấn đề lớn. Việc phân tầng, xếp hạng rất “nguy hiểm”. Khi còn chưa phân hạng, còn láo nháo, ít nhiều trường nào cũng... như nhau. Khi phân tầng, xếp hạng sẽ là chiếu trên, chiếu dưới. Vì vậy, còn phải tính đến việc “chạy xếp hạng”.

Nếu không thể trung thực thì không xếp hạng còn hơn. Việc dự kiến “Phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm”, theo tôi, chỉ phù hợp nếu ứng với mỗi đời hiệu trưởng cũng kéo dài 10 năm. Còn nếu nhiệm kỳ hiệu trưởng là 5 năm như hiện nay, thì cũng nên chia theo giai đoạn 5 năm, để các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về vị trí của trường mình.

Với hoàn cảnh thực tiễn nước ta hiện nay, phân tầng rạch ròi đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng sẽ khó. Ví dụ ngay như đối với ĐHQG Hà Nội - chắc chắn không thể xếp vào hạng nghiên cứu vì còn có nhiệm vụ đào tạo. Trong ĐHQG Hà Nội có Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có thể coi là trường nghiên cứu, nhưng Trường ĐH Ngoại ngữ thì rõ ràng là ứng dụng...

Với số lượng khoảng 450 trường ĐH, CĐ, tôi cho rằng việc xếp hạng các cơ sở được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần như dự thảo đưa ra sẽ là quá sức cho bất cứ đơn vị nào thực hiện, ít ra là trong giai đoạn đầu. Chúng tôi đã thử thực hiện đánh giá ngoài với 1 trường đại học đã hoàn thành đánh giá trong, mất tất cả 5 ngày mới hoàn thành.

Cũng cần phải tính đến những trường địa phương, những trường không muốn phân tầng, không muốn xếp hạng mà chỉ muốn “đứng xem”. Lý do, có thể họ đang trong quá trình chuẩn bị, mới chỉ là chim non, nếu xếp hạng ngay đương nhiên là hạng bét, nên muốn chờ tới ngày thành đại bàng bay ra khỏi tổ mới tham gia xếp hạng, thì sao?

Trước khi xếp hạng, phân tầng nên có những nhóm – group - tự “tranh đấu” với nhau. Ví dụ như nhóm 2 Đại học Quốc gia, nhóm 14 trường đại học trọng điểm,  nhóm các trường mới...

Chi Mai ghi