Không chỉ có Trường ĐH Cửu Long mà hàng loạt trường đại học khác cũng loại quần jeans ra khỏi danh sách những trang phục được mặc tới trường.

Và có là phục trang của sinh viên hiện nay thực sự “có vấn đề” khi ban giám hiệu các trường phải nhắc nhở tới cả quần soóc, quần lửng, quần áo ở nhà… vào trong quy định cấm?

  {keywords}
  Loại trang phục giảng đường mà nhiều trường không thể chấp nhận 

Váy phải trùm gối, bỏ áo vào quần…

Quy chế văn hóa của Trường ĐH Y Hà Nội yêu cầu cả cán bộ và sinh viên chỉ mặc quần âu. Cụ thể: Đối với cán bộ viên chức phải mang thẻ viên chức do nhà trường cấp, mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần hoặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo; đi giầy hoặc dép có quai hậu.

Đối với người học: Phải mang thẻ sinh viên, học viên do nhà trường cấp; mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần, đi giày hoặc dép có quai hậu; có thể mặc đồng phục theo quy địnhc ủa trường.

Ngày 25/3/2014, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ban hành Quy định trang phục đối với người học ở trường: Người học khi đến trường, thư viện phải đeo thẻ, mặc trang phục tự chọn đảm bảo: lịch sự, trang nhã, gọn gàng, kín đáo phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam; đi giày hoặc dép có quai hậu; đầu tóc phải gọn gàng, không được nhuộm tóc lòe loẹt… Nếu mặc áo phông phải có cổ áo, tay áo lịch sự.

Trường này đưa ra danh sách các trang phục không được mặc khi đến trường, thư viện, phòng thí nghiệm và khu hành chính của trường gồm: quần lửng, quần soóc, quần áo ở nhà, quần áo không lịch sự, gây phản cảm, dép không có quai hậu.

Việc kiểm tra do Ban Bảo vệ, Phòng Thanh tra thực hiện. Nếu mặc không đúng quy định không cho vào giảng đường, thư viện và các khu hành chính của trường.

Trường ĐH Giao thông vận tải ngày 17/3/2014 ra quy định về trang phục, đồng phục và lễ phục tốt nghiệp, trong đó nêu rõ nguyên tắc chung là “lịch sự, trang nhã, kín đáo, nghiêm túc, phù hợp với lứa tuổi và môi trường giáo dục. Nghiêm cấm mặc trang phục gây phản cảm (hở hang, in hình ảnh, khẩu hiệu không phù hợp môi trường học đường).

Trường ĐH Mỏ - Địa chất ngày 6/8/2014 cũng ra quy định về Văn hóa học đường. Trong đó, trang phục khi đến trường của sinh viên là: Sinh viên phải đeo đúng thẻ của mình đã được Nhà trường cấp; mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo (mặc áo sơ mi, nếu trang phục là áo phông phải có cổ áo, tay áo lịch sự; mặc quần dài; đi giầy hoặc dép có quai hậu; sinh viên nữ không mặc váy quá ngắn, váy xẻ cao hoặc quá mỏng; khuyến khích sinh viên mặc áo có logo quảng bá hình ảnh của Nhà trường)

Sinh viên vi phạm quy định về trang phục lần 1 bị nhắc nhở, lần 2 khiển trách, hạ 01 mức kết quả rèn luyện thực tế, lần 3 bị cảnh cáo hạ 02 mức kết quả rèn luyện thực tế.

Trường ĐH Phú Yên trong Quy định Văn hóa học đường, về thường phục trường này nêu rõ: Đối với nam: Mặc quần âu có đeo thắt lưng, các loại áo có cổ và tay; đi giày hoặc dép có quai hậu; áo bỏ trong quần. Đối với nữ: Mặc quần âu hoặc váy (chiều dài váy phải trùm quá đầu gối), các loại áo có cổ và tay; đi giày hoặc dép có quai hậu.

Về lễ phục: Không được mặc quần bò (quần jean).

Các kiểu loại trang phục không được mặc trong trường: Các loại quần lửng, quần soóc. Các loại áo (trừ các loại áo len, áo khoác) không có cổ, không có tay áo. Các loại quần áo không lịch sự, gây phản cảm. Các loại dép không có quai hậu.

Đầu tóc phải gọn gàng, không được nhuộm tóc lòe loẹt.

Ngày 9/9/2014 ĐH Tiền Giang đã có văn bản nhắc nhở HSSV, học viên thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà trường, trong đó quy định: Khi đến trường, HSSV, HV phải đeo thẻ sinh viên/học viên; mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo (áo sơ mi, quần dài theo kiểu âu phục; nữ sinh viên có thể mặc áo dài truyền thống, mặc váy (không ngắn quá đầu gối)…

Tại sinh viên quá thoáng?

Lý giải cho việc tại sao phải đưa ra những điều khoản cấm đang gây tranh luận, lãnh đạo trường ĐH Cửu Long cho rằng ở nước ngoài có thể có quan niệm tự do hơn về trang phục học đường, nhưng với môi trường, phong tục ở Việt Nam có những yêu cầu riêng. Và đó còn do quan điểm của mỗi trường. “Trường ra yêu cầu để cảnh báo, nhắc nhở cán bộ, giảng viên, sinh viên chứ không có quy định nào về việc xử phạt. Văn bản này sẽ được triển khai xuống các khoa để hướng dẫn thực hiện. Đó là quy định chung, nhưng khi triển khai có thể có thêm hướng dẫn cụ thể, cho phép sinh viên được mặc những quần jeans cạp cao, ống đứng không quá bó sát, không thủng rách, mài…”.

  {keywords}
  Nhiều trường không cho phép sinh viên... lê dép đến trường (Ảnh: Zing)

Vị này cho rằng những trang phục như quần jeans cạp trễ, quần jeans rách, mài, áo phông cổ rộng, áo quá mỏng… không thể có chỗ trên giảng đường. “Hiện nay có những sinh viên mặc quá phản cảm khi tới trường. Môi trường trí thức không thể để như thế. Muốn có chất lượng giáo dục, phải ổn định từ những chuyện nhỏ nhất”.

Mục 2 điều 6 Quy chế văn hóa của Trường ĐH Y Hà Nội: Quan hệ nam nữ trong sáng, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường.

Ngân Anh