"Hãy bắt đầu bằng sự san sẻ chút tấm lòng của mình cho những đứa trẻ kém may mắn. Hãy tiếp tục mở rộng những tổ chức từ thiện cũng như quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của các em."

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Đinh Kim Ngân, Lớp 8 trường THCS Yên Thế, TP.HCM

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng câu ca dao trên để thể hiện rõ quyền lợi của trẻ em Việt Nam ngày hôm nay. Nhưng với tâm lý xã hội đangn gày một đi xuống theo chiều hướng tiêu cực, thiết nghĩ ta cần phải thay đổi nhiều tứ để thế hệ măng non ngày hôm nay có được những lợi ích tốt đẹp nhất.

Trẻ em là nguồn tài nguyên quý báu của mỗi quốc gia, là sự sống vứng chắc của các dân tộc. Chính vì những lẽ đó, nhà nước đã quy định rõ những quyền của trẻ em, trong đó đang chú trọng nhất là quyền được phát rtiển. Tất cả mọi người, gia đình nói riêng và xã hội nói chung đều phải thực hiện.

Tất nhiên về mặt lý thuyết, các em sẽ được hưởng những quyền lợi tốt đẹp nhất. Nhưng với những gì trong cuộc sống mà ngày hôm nay ta đang nhận thấy, liệu có bao nhiêu phần trăm trẻ em sẽ được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Rất nhiều tác động của đời sống chung quanh đã làm mất đi phần nhiều những thứ lẽ ra chúng được sở hữu. Như là bạo lực học đường - một vấn đề đã và đang gây bao nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Giờ đây, với trẻ em, trường học không đơn thuần là nơi thu thập tri thức mà còn là chốn ẩn dấu đầy những nguy hiểm. Bị áp lực điểm số, bài vở từ thầy cô; những mối đe doạ từ bạn bè, trẻ em rất khó có thể phát triển dù vẫn trong những ngày tháng ở độ tuổi học đường.


Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, một số gia đình không có điều kiện quan tâm, cầu tiến cho thế hệ măng non cũng tạo nhiều mối lo cho dư luận xã hội. Vẫn còn đó khó khăn cơm áo gạo tiền, còn đó những con đường dài với những ngày tháng cần sự nỗ lực, bươn chải, nhiều bậc cha mẹ đã ngậm ngùi cất đi con đường tương lai của con em mình. Hãy thử suy nghĩ nếu ngày mai là ngày của khoa học kĩ thuật, là ngày của công cuộc hiện đại hoá đất nước thì vị trí nào sẽ được dành cho thành phần trẻ em ấy khi hôm nay chúng chưa được đến trường, chưa được phát triển khả năng và trau dồi tri thức như bao bạn khác. Sẽ ra sao đây, một tương lai đầy hứa hẹn đang bị vùi dập bởi nghịch cảnh của cuộc sống này.

Với chúng ta, hình ảnh những cô cậu bé lang thang không gia đình đã trở nên quá quen thuộc. Có ai biết đằng sau những bước chân trải dài trên đường phố, các em đã suy nghĩ những gì? Có ai diễn tả được sự ham muốn của chúng khi nhìn thấy các bạn mình được tạo cơ hội để có những thứ tốt đẹp nhất. Nhìn lại mọi thứ, có thể lắm chúng đã mơ ước một bờ vai ấm để nương tựa, một mái nhà đón bước cũng như một mái trường theo chúng là đẹp đẽ biết nhường nào.

Là những con người cùng chung mái nhà, là những công dân Việt Nam đầy tinh thần yêu thương đồng loại, chúng ta cần có những sự thay đổi cho các vấn đề trên nhằm mang đến cho thế giới một đất nước Việt Nam tràn đầy hồn sống.

Nếu được quyền em sẽ thay đổi cách suy nghĩ cũng như hành động của thế hệ trẻ em Việt Nam, các bậc cầm quyền và cả các bậc phụ huynh. Hi vọng rằng trong những ngày tháng sắp tới, các em sẽ hiểu được mục đích của việc đến trường và dừng lại ngay những hành động bạo lực với bạn bè của mình. Hi vọng rằng tầng lớp giáo viên cũng mau chóng xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực để trả lại cho các em một mái trường thân thiện ngày nào.

Em cũng mong muốn được thay đổi những khó khăn trong hoàn cảnh của các em. Phải chăng những ngày qua các cơ quan chức năng chưa thực hiện triệt để các dự án nhà tình thương nhằm dẫn bước cho trẻ em lang thang hay các bậc phụ huynh không có điều kiện vẫn chưa kêu gọi được sự giúp đỡ của các quỹ học bổng, của những nhà tài trọ cho con em mình được có cơ hội phát triển.

Bằng tất cả tấm lòng của những con người Việt Nam đang hướng về một tương lai, một đất nước tươi đẹp hơn, chúng ta hãy cùng chung sức thực hiện những sự thay đổi trên. Hãy bắt đầu bằng sự san sẻ chút tấm lòng của mình cho những đứa trẻ kém may mắn. Hãy tiếp tục mở rộng những tổ chức từ thiện cũng như quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của các em. Hãy mang đến cho trẻ em Việt Nam ngày hôm nay nhiều hơn những sân chơi bổ ích, các hoạt động lành mạnh, không đơn thuần chỉ là những kiến thức trong nhà trường.

Có thể lắm chúng ta không là gì trong xã hội to lớn này nhưng bởi tình yêu cũng như tấm lòng biết đau xót cho những hoàn cảnh không mấy được may mắn trong cuộc sống, em tin chắc rằng mọi người sẽ cùng nhau làm được những điều tưởng chừng như rất khó ấy. Tất cả vì một đất nước Việt Nam với niềm tự hào được sánh vai với các cường quốc năm châu trong một ngày không xa.

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.