Ngoài việc đóng góp 18 khoản thu được nhà trường công khai, phụ huynh còn phải đóng thêm 11 khoản “xã hội hóa giáo dục”. Tổng hợp 29 khoản thu đầu năm học sinh lớp 10 tại Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) phải đóng gần 4 triệu đồng.

29 khoản thu, gần 4 triệu đồng/học sinh

Trường THPT Đồng Đăng là trường trong vùng giáp biên, học sinh phần lớn là con em của các gia đình không có điều kiện khi mà thu nhập chủ yếu dựa vào nông – lâm nghiệp.

Một phụ huynh có con học khối lớp 10 tại trường cho biết: “Chúng tôi, đặc biệt là những gia đình ở các xã, những làng bản khó khăn thực sự cảm thấy “choáng váng” trước những khoản thu này”.

{keywords}
Danh sách các khoản thu học sinh khối lớp 10 phải đóng tại Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Đăng Duy)

18 khoản do nhà trường đưa ra, cụ thể là: Tiền học phí; phụ phí, điện nước, vệ sinh; in đề kiểm tra; bảng từ chống lóa; ghế nhựa cao; học bạ; giấy chứng nhận vào lớp 10; thẻ học sinh; áo đồng phục mùa hè; áo đồng phục mùa đông; đồng phục thể thao; áo dài (đối với nữ); bảo hiểm tai nạn học sinh; Quỹ chữ thập đỏ; quỹ khuyến học; gửi xe đạp; sách giáo khoa bổ trợ; học bổ trợ. Tổng các khoản đóng góp này lên đến gần 2,5 triệu đồng.

Ngoài các khoản đóng góp nhà trường đưa ra thì Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp xã hội hóa 11 khoản bao gồm: Máy chiếu 18 triệu đồng/lớp; rèm che nắng 5,4 triệu đồng/lớp; trang trí lớp 4,8 triệu đồng/lớp; cây cảnh 200.000 đồng/lớp; quỹ phụ huynh trường 200.000 đồng/1 học sinh; quỹ phụ huynh lớp 100.00 đồng/ 1học sinh; ủng hộ xây dựng trường chuẩn quốc gia tối thiểu 50.000 đồng/ 1 học sinh; ủng hộ hũ gạo tình thương 50.000 đồng/1 học sinh; ủng hộ nghiên cứu khoa học tối thiểu 50.000 đồng/1 học sinh; Quỹ đoàn 44.000 đồng/ 1 học sinh; tiền vở 20 cuốn x 6.500 đồng.

Hiệu trưởng nhà trường nói gì?

Ngày 7/10, VietNamNet đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thúy Phương, hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng về phản ánh bức xúc này.

Bà Phương cho biết: “Các khoản thu mà phụ huynh phản ánh là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên có một số khoản nhà trường không triển khai đó là tiền mua sách giáo khoa học bổ trợ, tiền mua vở.

Một số mức thu phản ánh không chính xác đó là tiền máy chiếu thực tế là 17,7 triệu đồng/lớp, rèm che nắng 4,55 triệu đồng/lớp, trang trí lớp 3,248 triệu đồng/lớp. Các khoản đóng góp này chỉ thực hiện đối với học sinh khối lớp 10. Các khối lớp 11 và 12 chỉ phải đóng góp với tổng chi phí hơn 1 triệu đồng”.

Theo bà Phương các khoản thu khác phục vụ cho chính học sinh như tiền quỹ chữ thập đỏ, quỹ khuyến học, ghế nhựa...

Về đồng phục trường không ép buộc học sinh phải mua mới mà có thể dùng của các anh chị khóa trên. Khối 11 và 12 vẫn dùng đồng phục cũ.

Việc đứng ra mời đơn vị may đồng phục hộ cho các em nhằm giảm đi chi phí khi may nhiều. Phụ huynh đều đồng thuận.

{keywords}
Danh sách các khoản thu học sinh khối lớp 10 phải đóng tại Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Đăng Duy).

Bà Phương cho hay: “Đối với các em thuộc gia đình khó khăn trường trích tiền quỹ chữ thập đỏ để hỗ trợ hay mua tặng các em. Ở địa bàn có gia đình học đặc biệt khó khăn thì chúng tôi cũng dùng quỹ hũ gạo tình thương để chia sẻ với gia đình. Hàng năm nhà trường chi phí hàng chục triệu đồng cho các hoạt động này”.

Liên quan đến các khoản “xã hội hóa”, hiệu trưởng Phương phân trần: “Cơ sở vật chất nhà trường còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu để đạt chuẩn vào năm 2015. Năm học 2014-2015 nhà trường chính thức đưa khu nhà mới được hoàn thành vào hoạt động. Khu nhà mới này có 15 phòng học thì nhà trường đã bàn giao phòng học cho 9 lớp 10 và cam kết cả 3 năm học ở trường các em sẽ được học ở đây”.

“Xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh nhà trường đã họp bàn và góp ý với Ban thường trực cha mẹ học sinh khi thực hiện công tác xã hội hóa. Việc mua máy chiếu, rèm cửa, trang trí lớp học là phục vụ cho chính học sinh. Toàn bộ việc mua các thiết bị này đều do phụ huynh ký kết trực tiếp với các đơn vị cung cấp triển khai còn nhà trường chỉ hỗ trợ trong việc trông coi, bảo vệ thiết bị...” – bà Phương cho biết.

Về việc thu tiền ủng hộ xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng như ủng hộ Ban đại diện cha mẹ phụ huynh mua sắm thiết bị máy chiếu, rèm, trang trí lớp cô Phương thông tin thêm: Trong 12 hạng mục xây dựng trường chuẩn quốc gia 2015 thì có một giải pháp đó là xã hội hóa giáo dục. Nhà trườngbắt đầu kêu gọi từ năm nay vì theo kế hoạch thì trường là đơn vị duy nhất năm nay được đánh giá ngoài vào tháng 12 và công nhận chuẩn vào năm 2015.

Với điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn ngổn ngang nhà trường đang tiếp tục xây dựng thêm một khu phòng học chuyên môn nên chúng tôi cũng đã bàn với cha mẹ học sinh. Cơ sở vật chất đã có. Giờ muốn có máy chiếu, rèm, trang trí lớp phải cùng phối hợp. Trường đã bàn trong Ban giám hiệu, Chi bộ Đảng, Chi ủy cộng với Ban thường trực cha mẹ học sinh. Sau khi có sự thống nhất cao thì mới triển khai.

Tuy nhiên bà Phương cũng thừa nhận việc thu chi, mua sắm mới thực hiện trong nội bộ trường và phụ huynh học sinh. Trường chưa có báo cáo lên sở GD-ĐT Lạng Sơn.

Đăng Duy