“A bờ cờ” ở đây là bằng A, B và C Anh văn theo chuẩn của Bộ GD-ĐT. Còn TOEIC, TOEFL là 2 chuẩn đánh giá tiếng Anh có tính quốc tế, dành cho du học sinh (TOEFL) và dùng để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc (TOEIC).

Thế nhưng, thời gian qua, Sở Nội vụ TP.HCM không chấp nhận các hồ sơ thi công chức có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ TOEIC và TOEFL khiến nhiều người dự thi phản ứng.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Lãnh đạo TP.HCM đã có công văn đề nghị giải trình vì sao không chấp nhận 2 chứng chỉ Anh văn này. Sở Nội vụ TP.HCM đã giải thích rằng TOEIC và TOEFL là 2 chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài, trong khi luật pháp Việt Nam thì quy định thi công chức ở các cấp độ cần chứng chỉ Anh văn A, B, C.

Khó có thể nói Sở Nội vụ TP.HCM đúng hay sai về chủ trương này. Tuy nhiên, điều dễ thấy là những quy định của sở này hơi cứng nhắc. Các cán bộ Sở Nội vụ TP HCM thừa biết hiện có nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được công nhận ở nước ta, ngoài TOEIC và TOEFL còn có IELTS, các chứng chỉ của Cambridge English..., thậm chí mỗi loại chứng chỉ cũng có nhiều trình độ, mục đích khác nhau.

Trong khi đó, sau hơn 20 năm tồn tại và chưa hề được cập nhật, nâng cấp, chứng chỉ trình độ Anh văn A, B, C theo chuẩn của Bộ GD-ĐT đã lạc hậu và bộc lộ nhiều bất hợp lý, chỉ còn là hình thức. Đây cũng là những văn bằng “dễ mua” nhất trên thị trường bằng dỏm, bằng giả, lại có giá trị vô thời hạn!

Sở Nội vụ cũng thừa biết rằng hiện các trường ĐH cũng không còn công nhận chứng chỉ Anh văn A, B, C, như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM yêu cầu sinh viên tốt nghiệp cử nhân phải có điểm TOEIC 450-550 và nhiều trường khác cũng áp dụng cách tương tự. Trong việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ GD-ĐT có thể sẽ miễn thi môn tiếng Anh cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và một số trường ĐH có khoa ngoại ngữ cũng sẽ xét tuyển ưu tiên với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều đó cho thấy giá trị hiển nhiên của các văn bằng này. Chính Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc có mức độ tương thích với khung tham chiếu châu Âu làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, cả với trình độ đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

Vậy tại sao Sở Nội vụ TP HCM lại “chê” các chứng chỉ Anh văn được quốc tế công nhận? Chẳng lẽ, tiến sĩ hay thạc sĩ du học ở Mỹ, Anh , Úc... - tất nhiên họ chẳng lấy chứng chỉ trình độ Anh văn A, B, C để làm gì - không được thi công chức?

(Theo Lưu Nhi Dũ/ Người Lao động)