- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa có buổi giao lưu với hơn 500 học sinh và giáo viên tỉnh Lai Châu về những nội dung “nóng” của giáo dục vùng cao.

Vấn đề được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm là những thay đổi của kỳ thi quốc gia 2015 và cách dạy học liên quan đến thay đổi của đề thi.

Đại diện cho học sinh lớp 12, em Đào Thu Thảo (Trường THPT Quyết Thắng) đặt câu hỏi: “Thưa Bộ trưởng, với phương án kỳ thi THPT quốc gia thì học sinh có cần học bổ sung kiến thức? Bộ GD-ĐT có định hướng học sinh ôn tập như thế nào hay không?”

{keywords}
Học sinh và giáo viên trong buổi giao lưu với bộ trưởng

Một số giáo viên dạy sử bày tỏ lo lắng, kỳ thi THPT quốc gia đề thi có yêu cầu cao hơn, có thể có nhiều câu hỏi vận dụng thực tế, câu hỏi mở trong khi học sinh chưa làm quen nhiều với dạng hỏi này....

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến kỳ thi. Tuy nhiên, sẽ không có thay đổi đột biến về cách thi, cách ra đề so với năm 2014.

Bộ trưởng trấn an, trước 2014, đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ ra theo lối kiểm tra kiến thức.

"Quá trình ôn thi mang tính nhớ kiến thức nên dẫn đến có tình trạng học tủ, lệch tủ. Đề thi kiểm tra những gì mà học sinh được thầy truyền thụ ở trên lớp theo từng môn học. Quá trình ôn thi, học sinh phải nhớ hết kiến thức thầy giao cho. Trong quá trình thi, học sinh phải trình bày kiến thức đã học. Khi thi học sinh viết càng giống những gì thầy giảng, giống trong sách giáo khoa đã viết thì điểm càng cao...." - là những hạn chế của đề thi thi theo lối kiểm tra kiến thức được Bộ trưởng dẫn dụ.

Từ 2014, trên cơ sở của việc đổi mới dạy và học như: thi khoa học kỹ thuật, trường học mới, tích hợp liên môn... Bộ GD-ĐT đã thay đổi cách dạy thi và cách ra đề. Đề thi không kiểm tra nhớ máy móc, thuộc lòng mới làm được bài. Bộ trưởng dẫn dụ, ở môn văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014, các dữ liệu cơ bản đã được đề bài cung cấp. Học sinh có thể làm bài sáng tạo, không theo ý thầy cô dạy nhưng đúng và đủ ý, vẫn được điểm cao. Những bài thi sử, địa trong năm qua đã gắn với các vấn đề thời sự, gắn với những vấn đề của cuộc sống... thì yêu cầu kiến thức không phải riêng của môn Lịch sử hoặc Địa lý.

"Với cách thi như vậy không bắt các em học thuộc quá nhiều" - lời Bộ trưởng. Cái khó là học sinh phải có năng lực phân tích, có sự rung động về nhận thức từ đó biến thành tình cảm, tư tưởng...Chính vì thế, các cháu không phải học thêm kiến thức nhiều nữa. Bằng kiến thức trong chương trình của lớp 12, kiến thức trong chương trình phổ thông, các cháu sẽ thi tốt kỳ thi THPT quốc gia tới đây.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận làm việc tại Lào Cai

Từ đề xuất của các địa phương Bộ trưởng đốc thúc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cần sớm phổ biến thông tin để học sinh, giáo viên các tỉnh Lào Cai, Lai Châu nắm được quy định thi theo cụm...

Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cam kết, chậm nhất tháng 1/2015 quy chế sẽ được ban hành. Quy chế sẽ quy định cụ thể, rõ ràng và giải quyết được các băn khoăn của các địa phương, thầy cô giáo và học sinh hiện nay.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu Đỗ Văn Hán cho biết, ở Lai Châu chỉ khoảng 30% học sinh có nhu cầu tốt nghiệp THPT.

Số học sinh có hoàn cảnh nghèo còn nhiều. Do đó, nếu tổ chức thi cụm, Lai Châu mong các huyện phải có biện pháp hỗ trợ cho các em học sinh.

Cá nhân ông mong muốn ở Lai Châu có ít nhất một cụm thi, địa phương hay trường ĐH, ai chủ trì đều không ảnh hưởng đến chất lượng. Vì xét về quyền lợi của học sinh, cụm thi tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các em không phải đi xa.

Kiều Oanh