- Sau hai ngày quy định thay đổi lớn trong cách đánh giá học sinh tiểu học
có hiệu lực, nhiều phụ huynh bày tỏ sự không hài lòng với quy định bỏ
chấm điểm thay bằng nhận xét với học sinh tiểu học.
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Vinh, Nghệ An) đã áp dụng cách đánh giá theo kiểu mới từ 2 năm nay. Ảnh: Hạ Anh |
Con trai chị Lê Thúy (Hà Đông, Hà Nội) năm nay bước sang lớp 2. Chị cho hay, cu cậu vốn mải chơi, không tập trung nên năm trước cô giáo thực hiện song song nhận xét với chấm điểm nên việc kèm cặp con không quá khó.
Theo chị Thúy, ở độ tuổi con chị, cháu được điểm 5, điểm 6 sẽ nhớ hơn là một lời khen hoặc phê bình của cô.
"Dù được cô khen với nội dung tích cực thì bước ra khỏi lớp cháu không nhớ là cô đã khen thế nào. Chưa nói đến phê bình, nên việc nắm bắt tình hình của con trên lớp không khỏi lúng túng" - chị Thúy bày tỏ.
Từ khi nhà trường triển khai quy định bỏ chấm điểm thường xuyên (từ 15/10), khi con đi học về, mẹ hỏi tình hình học thế nào thì đều nhận được câu trả lời "Tất cả đều tốt đẹp mẹ ạ!".
"Cháu hồn nhiên tôi cũng mừng rồi lại lo vì chẳng biết thế nào mà lần, lúng túng với việc kèm con học.." - chị Thúy băn khoăn.
Chị Thúy vẫn muốn con mình được chấm điểm, bởi đó cách gần nhất để biết được đánh giá kiến thức con lĩnh hội được trên lớp để bổ sung phần còn thiếu.
Hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học theo kiểu mới tại buổi tập huấn các giáo viên đánh giá theo Thông tư 30 của ngành giáo dục huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Hạ Anh |
Đồng quan điểm, chị Kiều Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) phân trần, có lẽ phải cắt sổ liên lạc điện tử cho "bớt hoang mang" vì cuối ngày, chị thường nhận được tin nhắn chung chung, hay nói đúng hơn là tin "giao việc" của cô giáo: Hôm nay con học dạng toán A, dạng toán B - phụ huynh kiểm tra nhắc con làm bài sai, bài thiếu...
Do công việc hàng ngày về đến nhà thường là 7h tối, nên chị Kiều Anh vẫn nghiêng về phương án "chấm điểm" trong bối cảnh con mình tuổi nhỏ học nhiều như hiện nay.
Chị lập luận, nếu con được điểm 5, 6 hay 8, 9 chị đón nhận không lúng túng - thậm chí nhịp nhàng dạy con theo cách: Hỏi con để biết vì sao con bị trừ 5 điểm, con gái chị nói vanh vách lỗi bị trừ điểm, lỗi sai. Với cách này, chị không những nắm bắt được tình hình học của con trên lớp, không mất thời gian về kiểm tra cả loạt sách vở trong ngày - mà còn dạy con cách giao tiếp, xử lý tình huống và biết được khả năng lĩnh hội kiến thức trên lớp của con...
Hơn nữa, việc chấm điểm cũng "buộc" cô phải quan tâm đến từng học sinh trong lớp để cuối ngày có trao đổi qua "thư điện tử".
"Chứ nếu bỏ chấm điểm, chắc chắn "sức ép" học trên lớp không giảm với học sinh - còn cô thì nếu phải nhận xét thì nhận xét chung chung cho kịp thời gian hoặc nhanh hơn thì soạn 1 tin nhắn "giao việc" cho 60 phụ huynh là cô...hoàn thành nhiệm vụ?" - chị Kiều Anh bày tỏ.
Một phụ huynh ở Gia Lâm (Hà Nội) có hai con cùng học bậc tiểu học (một học lớp 1, còn một học lớp 5) cho biết, với lớp 1 các con mới chuyển đổi từ mầm non lên nên chị đồng ý không chấm điểm, nhưng cần có kiểm tra bài thường xuyên. Nếu không có kiểm tra bài, cô lại không giao bài tập nên chả biết đường nào để kèm con.
Còn với lớp 5, nên chấm điểm vì hiện cô vẫn phê trong các bài kiểm tra "đúng - sai" nhưng phụ huynh này vẫn muốn biết được ở trên lớp, con mình đạt năng lực ngưỡng nào.
"Bỏ chấm điểm, tôi có cảm giác cháu bàng quan, bằng lòng với việc học hơn - không có sức phấn đấu. Về lâu dài sẽ không tốt" - chị nói.
Với cách đánh giá mới "đạt - chưa đạt" với học sinh tiểu học khiến nhiều phụ huynh băn khoăn vì hiểu nôm na sẽ chỉ còn "học sinh giỏi và học sinh kém" - không còn học sinh trung bình, học sinh khá?
Ở góc độ công tác trong ngành giáo dục một phụ huynh quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, với lớp học có sĩ số đông học sinh như hiện nay thì việc chấm điểm cho học sinh là phương pháp tốt nhất. Vì thực tế, việc chấm điểm cho khoảng 60 học sinh cô đã không đủ thời gian thì việc nhận xét đủ, đúng các con sẽ khiến cô có tâm huyết cũng khó xoay xở.
Thêm nữa phụ huynh này đề nghị, nên duy trì giấy khen cuối năm cho học sinh để tạo động lực cho học sinh thay vì bỏ như quy định hiện nay?
Nguyên tắc đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực từ 15/10: Đánh giá gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đặc biệt, không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Vào cuối học kì I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh về: |
- Nguyễn Hiền