- Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT)  cho biết quá trình thực hiện việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học lần này sẽ “thử-sai” và sau này có thể rút bớt các hồ sơ, sổ sách không cần thiết để bớt gánh nặng cho giáo viên.

{keywords}
Nhận xét theo mẫu thay lời khen

Nhấn mạnh những ưu điểm của phương pháp đánh giá học sinh tiểu học thông qua nhận xét, ông Định cũng cho biết giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng con dấu có sẵn để nhận xét bài cho học sinh.

Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về việc không chấm điểm thường xuyên, thay bằng nhận xét cho học sinh tiểu học đã thực hiện trên cả nước từ ngày 15/10. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, khúc mắc từ phía phụ huynh và cả các giáo viên.

TS. Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT cùng một số chuyên gia, giáo viên tiểu học ở Hà Nội, Vĩnh Phúc đã có cuộc trao đổi, giải đáp thắc mắc trên VTV trong Chương trình Chuyện đương đời.

Lợi nhiều nhưng cũng không ít bất cập?

Tuy ủng hộ việc không chấm điểm trong đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học nhưng rất nhiều phụ huynh học sinh lo lắng liệu năng lực của con em mình có được đánh giá đúng, và bản thân họ cũng không biết lời nhận xét của giáo viên tương ứng với mức độ nào để đánh giá lực học của con mình.

Không chỉ phụ huynh, học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy khó khăn trong việc nhận xét. Thay vì chấm điểm rõ ràng, giờ đây các thầy cô phải nhận xét từng bài một, chi tiết xem học sinh sai ở đâu, yếu ở khâu nào khiến các thầy cô mất rất nhiều thời gian. Chưa kể đến việc các thầy cô giờ sẽ phải nhận xét hàng tuần, hàng tháng để có đánh giá chính xác.

Cộng với 23 loại sổ sách khác đang phải ghi chép hàng tuần, hàng tháng thì các thầy cô tiểu học giờ sẽ phải bỏ ra rất rất nhiều thời gian. Đó là lời “phàn nàn” của nhiều giáo viên tiểu học.

Vấn đề “tam sao thất bản” cũng được nhiều giáo viên nêu ra. Theo đó, cả nước chỉ có 1600 cán bộ cốt cán được Bộ GD-ĐT tập huấn về Thông tư 30. Số này về tỉnh lại tập huấn cho giáo viên cấp tỉnh, cấp tỉnh tập huấn cho cấp huyện,... Cứ như vậy, về đến các giáo viên trực tiếp giảng dạy, liệu Thông tư 30 có còn “thông suốt”?

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương GV khoa Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết:

“Giáo viên chỉ cần ghi chép đánh giá học sinh theo tháng, không bắt buộc phải đánh giá theo bài, theo ngày, hay theo tuần. Mỗi tháng một lần, các giáo viên dành thời gian ghi chép những đánh giá của mình cho từng em học sinh vào một cuốn sổ mà vụ Tiểu học đã thiết kế và phát đến tận tay giáo viên. Ngoài ra, học sinh còn phải trải qua một kì kiểm tra chấm điểm nữa. Với hai nguồn trên, giáo viên sẽ ghi đánh giá của mình vào học bạ.

Như vậy, công việc của giáo viên thật sự không quá nhiều”.

Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cho biết quá trình thực hiện lần này sẽ “thử-sai” và sau này có thể rút bớt các hồ sơ, sổ sách không cần thiết để bớt gánh nặng cho giáo viên.

Bộ GD-ĐT: “Đổi mới rất nhân văn!”

Tại buổi trò chuyện, Vụ trưởng Định cũng khẳng định: “Việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét thay vì điểm số không chỉ thể hiện sự đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT mà còn rất nhân văn.

Trước đây, việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên đã tạo không ít áp lực cho học sinh và cả phụ huynh. Nhiều người dùng điểm số làm thước đo học lực và tầm hiểu biết của con em mình, vô hình chung tạo cho các em tư tưởng phải học để lấy điểm mà không xác định là mình học để giúp gì cho bản thân và học vì mục đích gì.

  {keywords}
Các giáo viên tiểu học tham gia lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện đánh giá học sinh theo cách mới ngày 15/10/2014.  Ảnh: Hạ Anh

Giờ đây, quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không chỉ nhằm vào kết quả mà còn động viên, khuyến khích học sinh cố gắng trong cả quá trình. Các em sẽ không phải học vì áp lực điểm số nữa. Về cơ bản, đây là một quy định tốt được nhiều nhà giáo dục và phụ huynh ủng hộ.

Trước đây, việc đánh giá các em chỉ dựa vào điểm số bài thi cuối kỳ mà không có đánh giá thường xuyên trong cả quá trình học nên chính các giáo viên và phụ huynh cũng không nhận ra được rõ ràng điểm mạnh và điểm yếu của học sinh mình, con em mình. Do đó, việc hướng dẫn các em gặp nhiều hạn chế, khó khăn.

Điểm mới của Thông tư 30 là coi trọng việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học tập thông qua những lời nhận xét bằng lời nói hoặc lời phê để giáo viên, phụ huynh và bản thân học sinh đó biết và kịp thời khắc phục. Cuối mỗi kỳ học vẫn có bài thi tính điểm. Nhưng kết quả của cả học kỳ/ năm học được kết hợp giữa điểm số này và những nhận xét trong suốt quá trình học.

Để làm được điều này đòi hỏi người giáo viên phải quan tâm hơn và sâu sát hơn tới từng cá nhân học sinh, giúp học sinh tiến bộ hơn so với chính bản thân em đó. Cách đánh giá này sẽ toàn diện, chính xác và nhân văn hơn. Đây cũng là mục đích của sự đổi mới này.

Thay chấm điểm bằng đóng dấu có bị cấm?

Trong chương trình, Minh Hoàng và khánh Linh – học sinh lớp 4 trường Tiểu học (Hà Nội) đã thử giải một đề toán lớp 4 để các thầy cô có mặt trong chương trình và Vụ trưởng Phạm Ngọc Định nhận xét.

Sau đó, chính các em được lựa chọn lời nhận xét mà các em thích nhất. Theo các em, lời nhận xét tỉ mỉ và cẩn thận sẽ giúp các em nhận biết mình đã hoàn thành bài tập ở mức độ nào dễ dàng hơn. Điều đó chứng tỏ việc nhận xét vô cùng quan trọng và các em học sinh cũng tỏ ra hào hứng với việc nhận xét thay điểm số.

Cũng trong chương trình, giảng viên Vũ Thu Hương đã kiến nghị một vấn đề mà các giáo viên Tiểu học hiện nay đang rất quan tâm: “Việc bỏ chấm điểm tiểu học, thay bằng nhận xét, mất nhiều thời gian hơn so với chấm điểm. Chính vì vậy, các giáo viên đã có sáng kiến khắc con dấu có sẵn lời nhận xét. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng Bộ cấm không được sử dụng các con dấu. Vậy Bộ có giải pháp nào tốt hơn?

Trả lời về vấn đề này, Vụ trưởng Định cho biết giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng con dấu có sẵn để nhận xét bài cho học sinh, vì theo thống kê hiện nay, học trò tỏ ra vô cùng hào hứng với việc được nhận xét bằng những bông hoa đỏ hay những hình mặt cười, mặt mếu. Tuy nhiên, đôi lúc các thầy cô cần nhận xét tỉ mỉ vì không phải bài nào cũng có thể sử dụng những lời nhận xét chung chung sẵn có.

  • Văn Chung