- Dù hoàn thành các tiêu chuẩn về "tính khoa học" nhưng lại không được thông qua về mặt đạo đức, bài báo khoa học của hai nghiên cứu sinh Việt Nam đã bị rút khỏi một tạp chí quốc tế. Đạo đức nghiên cứu ở Việt Nam là phạm trù khá trừu tượng, nhưng ở nước ngoài thì rất rõ ràng.

Sự lơ là yếu tố "đạo đức nghiên cứu" dễ trở thành lực cản cho nỗ lực tăng khả năng xuất bản quốc tế của nhiều trường đại học Việt Nam.

Làm thế nào để yếu tố này được lưu tâm xứng đáng, VietNamNet đã ghi nhận ý kiến những người đang làm công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

{keywords}
GS Vũ Hà Văn (áo trắng, giữa)

GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ): Xây dựng điều khoản về đạo đức nghiên cứu theo mẫu quốc tế

Đạo đức khoa học có nhiều phương diện. Có thể là y đức như trong trường hợp này, cũng có thể là các tiêu chuẩn về việc sử dụng kết quả nghiên cứu của những người đi trước. Đây là vấn đề này quan trọng ở mọi nơi, khoa học cần có những tiêu chuẩn như vậy để đảm bảo sự trong sạch và tính chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu.

Ở phương Tây, bất kì trường, cơ quan nghiên cứu nào cũng có một bộ tiêu chuẩn về đạo đức nghiên cứu khoa học. Các nhà nghiên cứu thường thực hiện nghiên cứu của mình trong một chương trình được tài trợ bởi một cơ quan nào đó, chẳng hạn trường ĐH, hay quỹ nghiên cứu của chính phủ (như NAFOSTED ở Việt Nam).

Khi nhà nghiên cứu nhận tài trợ, cơ quan tài trợ sẽ nêu rõ các quy định. Các cơ quan này thường có một văn bản bắt buộc nhà nghiên cứu phải khai, chẳng hạn như chương trình nghiên cứu có thực hiện, thực nghiệm trên người hay động vật hay không.

Nếu nhà nghiên cứu vi phạm, điều đầu tiên tài trợ sẽ bị đình lại cho đến lúc sự việc sáng tỏ. Đây là điều người làm nghiên cứu hết sức kiêng kị, nên chắc chắn những nhà nghiên cứu nghiêm túc sẽ tránh vi phạm. Ngoài ra sẽ xử lý hành chính tuỳ trường hợp.

Nếu các trường Việt Nam muốn gia tăng tính xuất bản quốc tế, nên xây dựng điều khoản quy định về đạo đức nghiên cứu khoa học. Bộ điều khoản này làm theo mẫu quốc tế, không nên sáng tạo thêm.

Thật ra, phần lớn các điều khoản trong các quy định này là "common sense". Ví dụ, nếu dùng số liệu của bệnh nhân thì phải hỏi ý kiến của họ, hay dùng kết quả của người khác thì phải ghi rõ. Trong giới khoa học, số người không biết những qui định tối thiểu không nhiều, tôi không nghĩ việc này sẽ gây ra những cản trở đánh kể trong tương lai gần.

TS Lê Thị Nam Giang (Tổng Thư kí Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM): Cần giới thiệu chuẩn quốc tế của từng lĩnh vực

Luật Dược, rồi Thông tư hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục tiến hành thử nghiệm thuốc trên người, về điều kiện thử nghiệm và điều kiện để đưa dược phẩm ra thị trường.  Bộ Y tế cũng có Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học để thẩm định các điều kiện nêu trên.

{keywords}
TS Lê Thị Nam Giang

Tôi nghĩ rằng, trong một công bố quốc tế, không nhà nghiên cứu nào cố tình vi phạm các quy định về đạo đức để bị rút bài và bị quy kết về đạo đức.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do (như thiếu kinh nghiệm, không tìm hiểu kỹ các điều kiện đăng bài hay điều kiện nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên ngành, thiếu kiến thức về pháp luật sở hữu trị tuệ nói riêng, pháp luật nói chung) nên có hiện tượng kết quả nghiên cứu không được công bố hoặc bị rút khỏi tạp chí đã công bố. Vì vậy, các nhà khoa học cố gắng trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu nhất về quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn ngành liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học.

Theo tôi, có 2 vấn đề để giảm thiểu những "vi phạm đạo đức nghiên cứu" trong bối cảnh nhiều đại học ở Việt Nam đang tìm cách tăng khả năng xuất bản quốc tế.

Thứ nhất, bản thân các nhà nghiên cứu khi muốn công bố tác phẩm của mình ở ấn phẩm nào phải tìm hiểu điều kiện để có thể công bố. Bên cạnh đó, phải tuân thủ các quy định liên quan đến vấn đề trích dẫn, đạo văn, đến đạo đức trong nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu.

Thứ hai, các viện nghiên cứu, các trường đại học nên có những hoạt động hỗ trợ tăng khả năng công bố quốc tế những ấn phẩm của giảng viên, nhà nghiên cứu bằng cách giới thiệu những chuẩn quốc tế được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực chuyên ngành của viện, trường để các nhà khoa học có điều kiện tìm hiểu thêm. Đặc biệt vai trò của các nhà nghiên cứu kì cựu trong việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ  là vấn đề nên lưu tâm.

Các trường nên cố gắng ban hành những quy định về quản lý, khai thác các tài sản trí tuệ, bao gồm các kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với pháp luật, không trái với quy định của Bộ GD-ĐT và các bộ chủ quản . Trong đó cần quy định cụ thể hoạt động tạo lập, quản lý, khai thác các tài sản trí tuệ của trường.

Cũng cần có quy định các vấn đề liên quan hoạt động nghiên cứu khoa học như quy chuẩn về trích dẫn, về tránh “đạo văn”. Đây không phải là bộ tiêu chuẩn về đạo đức, nhưng sẽ hỗ trợ cho việc đảm bảo các chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học, phản ánh đặc thù riêng của từng trường.

  • Lê Huyền (Ghi)