- "Thiếu chuyên nghiệp và thu nhập cao hơn đồng nghiệp nước ngoài” là nhận định của ông Đàm Quang Minh - hiệu trưởng Trường ĐH FPT - một trong hai tác giả tải bài viết “Thu nhập giảng viên cao nhất lên đến hơn 1 tỷ/năm.VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Minh.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Web ĐH Tiền Giang)

Nghiên cứu khảo sát mà ông và tác giả Phạm Hiệp đưa ra thật sự là bất ngờ trong thời điểm hiện nay, bởi lâu nay, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, giảng viên liên tục kêu than lương quá thấp không đủ sống. Vậy kết quả khảo sát thu nhập ở đây như các ông thống kê từ những nguồn nào? Liệu có chính xác, khách quan?

- Sau khi công bố kết quả này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cả ủng hộ và cả hoài nghi. Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu 40 nhà khoa học, giảng viên ở các nhóm trường khác nhau để tìm ra câu trả lời. Những người được phỏng vấn đều rất nghiêm túc và có dẫn chứng từ việc đóng thuế thu nhập cá nhân. 

Với hiện trạng thiếu minh bạch hiện nay, rất hiếm người muốn công khai việc thu nhập của mình và có xu thế nói giảm thu nhập thực tế. Nhưng hãy nhìn vào thực tế các giảng viên đại học, rất nhiều người đang sở hữu nhà, xe hơi và có đời sống tinh thần cao, chúng ta có thể tính được mức thu nhập và mức sống thực tế. Đó là những tín hiệu tích cực của những người có học vấn cao, có được thu nhập tốt.

Nhưng cũng phải nói thêm, khảo sát này được thực hiện cơ bản tại các trường ở Hà Nội. Ở các tỉnh khác có thể thấp hơn và ở TP.HCM có thể cao hơn. 

Xin khẳng định rằng đây là những thu nhập hợp pháp và được tính thuế đầy đủ.

Những người đạt mức thu nhập 1 tỷ đồng/ năm là con số rất cá biệt, hay chiếm 1 tỉ lệ nhất định? Tỉ lệ giảng viên trẻ thu nhập dưới 100 triệu đồng/ năm chiếm bao nhiêu %, và có khảo sát nào về việc sau khi đi làm bao nhiêu năm họ sẽ “thoát” được mức “thu nhập thấp” này?

- Phương pháp nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích xác định cạnh tranh về nguồn nhân lực và phân nhóm để giúp chúng tôi hình thành chính sách nên không xác định tỷ lệ phần trăm của các nhóm. Việc thoát khỏi mức thu nhập thấp hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân. Những giảng viên trẻ của FPT có thể đạt mức thu nhập khoảng 300 triệu sau 1-2 năm kinh nghiệm.

Lương của giảng viên Việt Nam trung bình từ 183 - 368 USD Tuy nhiên, lương cũng chưa nói lên thu nhập. Lương của giảng viên tại VN được tính theo số giờ lên lớp. Có một “điểm nhấn” là lương của giảng viên chương trình tiên tiến cao hơn đáng kể, nhưng cả nước chỉ có 34 chương trình này. (Nguồn: Qũy Giáo dục Việt Nam)

Ông có nghĩ rằng thu nhập này giảng viên Việt Nam xứng đáng với công sức, trí tuệ đã bỏ ra, hay giảng viên Việt Nam đang được hưởng cao hơn mức vốn có?

- Mức thu nhập của giảng viên hiện nay thể hiện đúng bản chất của một thị trường khan hiếm với độ chênh lệch rất cao. Những giảng viên giỏi có thể nhận lương theo giờ khoảng 1,2 – 1,3 triệu đồng, nhưng có giảng viên chỉ nhận 30 nghìn đồng cho một giờ dạy. Mức độ chênh lệch này cao hơn rất nhiều so với mức chênh lệch ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển.

Việc trả lời xứng đáng hay không, theo tôi là không phù hợp vì thị trường sẽ phán xét chứ không phải các cá nhân.

Các trường tốt đang phải giành giật những thầy cô giáo giỏi và những người giỏi thực sự đang có cuộc sống tốt hơn nhiều. Đây là tín hiệu tốt.

Ngay cả các chương trình tiên tiến của các trường công cũng hết sức đổi mới khi sẵn sàng trả 350 nghìn đồng cho một giờ giảng dạy. 

Hiện nay, đang có nguồn giảng viên nước ngoài sang Việt Nam làm việc để lấp chỗ trống do giảng viên Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tính quốc tế hóa.

Các giảng viên này đương nhiên không thể trả lương thấp được và mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm là khá phổ biến cho các đối tượng này.

Trong nghiên cứu, khảo sát, ông có so sánh đến chất lượng giảng viên hiện nay của Việt Nam với chất lượng giảng viên của các nước? Ông có tính đến số lượng GS,PGS của Việt Nam so với số sinh viên hiện có của Việt Nam?

Nếu xét về chất lượng của đại học nghiên cứu thì chúng ta thừa chức danh GS, PGS vì thực chất việc nghiên cứu thực thụ đang ở quy mô nhỏ bé.

Tôi cho rằng, việc tự xác định mình là quan trọng. Các trường tùy thuộc vào khả năng mà xác định quy mô nghiên cứu phù hợp, còn lại phải tập trung cho việc đào tạo ứng dụng. 

Tình trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là nghiên cứu thì lệch lạc mà ứng dụng thì cũng kém. Kết quả là sản phẩm nghiên cứu không dùng được và sinh viên cũng không có khả năng làm việc thực tiễn của doanh nghiệp. Chúng ta không nên mơ hồ hoặc chung chung giữa nghiên cứu và ứng dụng.

Một cách thẳng thắn, giảng viên Việt Nam đang thiếu chuyên nghiệp và thu nhập cao hơn các đồng nghiệp nước ngoài. Chúng tôi có giảng viên từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và cả Ấn Độ, Philipines. Mặt bằng chung, họ chuyên nghiệp hơn giảng viên Việt Nam nhiều. Bản thân giảng viên tại FPT cũng được đặt tính chuyên nghiệp lên cao. Trong khi đó hiện trạng chạy sô, dạy lấy được vẫn phổ biến tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

  • Ngân Anh (thực hiện)