Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị xây dựng mạng lưới cán bộ xã hội làm việc với  trẻ em và thừa nhận đó là một nghề chuyên nghiệp. Nhờ vậy, trẻ em cả nước (đặc biệt trẻ dễ bị tổn thương) được hưởng dịch vụ bảo vệ và các dịch vụ xã hội khác thuận lợi hơn ở tất cả các cấp.

Chưa bao giờ nhiều trẻ em Việt khổ như ngày nay

Thi viết:"Nếu có quyền, trẻ em Việt sẽ thay đổi điều gì?"


Dưới đây là trả lời phỏng vấn của  TS. Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) về cán bộ xã hội làm việc với trẻ em tại Việt Nam.

Cán bộ xã hội - "người bạn của trẻ em"

- Thưa TS, Bộ LĐTB&XH sắp đào tạo hàng loạt nhân viên xã hội hoạt động trong lĩnh vực  bảo vệ, chăm sóc TE. Lý do có phải là môi trường sống của TE tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, cần đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp?

Đó là một lý do. Nhưng lý do cơ bản là nhân viên xã hội là một nghề không thể thiếu trong hệ thống an sinh xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Chỉ họ mới đủ chuyên nghiệp và được trao quyền để thẩm định vụ việc, tìm hiểu nhu cầu và trợ giúp kịp thời TE. Nhờ mạng lưới nhân viên xã hội chuyên nghiệp, TE được tiếp cận dịch vụ bảo vệ thân thiện: tìm hiểu nhu cầu, đánh giá môi trường GĐ, ngăn ngừa nguy cơ, hoặc hỗ trợ nếu trẻ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại và ngược đãi.

TS. Nguyễn Hải Hữu: "Nhân viên xã hội sẽ được trao quyền để thẩm định vụ việc, tìm hiểu nhu cầu và trợ giúp kịp thời trẻ em".

Đội ngũ cán bộ xã hội được xây dựng ở Việt Nam sẽ cải thiện tình trạng thiếu hụt mạng lưới cộng tác viên, cán bộ bảo vệ, chăm sóc TE hiện nay. Trước đây, hệ thống cơ quan chăm sóc bảo vệ TE mạnh và thống nhất với trên 11.000 cán bộ các cấp, 160.000 cộng tác viên cấp cơ sở; mỗi huyện trước đây có 4-5 cán bộ chuyên trách về trẻ em, nay con số này chỉ còn 1. Ở cấp xã hiện không có cán bộ làm công tác bảo vệ TE riêng mà do cán bộ LĐTB&XH kiêm nhiệm.

Chúng tôi hy vọng rằng với đội ngũ cán bộ xã hội làm việc với trẻ em được củng cố và được đào tạo bài bản, chúng ta sẽ đạt được các  chỉ tiêu BVTE đã đề ra trong Chương trình Quốc gia BVTE giai đoạn 2011-2015.

- Nói thế có nghĩa Chương trình Quốc gia BVTE giai đoạn trước chưa đạt chỉ tiêu? Hàng năm, Chính phủ chi khá nhiều tiền cho các chương trình BVTE nhưng dường như không mấy hiệu quả, vậy còn thiếu điều gì?

Trước đây chưa có chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, tuy vậy hàng năm Nhà nước đều phân bổ ngân sách cho địa phương để thực hiện các chương trình cho trẻ em, nhưng thực tế ngân sách dành cho BVTE là rất ít. Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em  1991 - 2010 đưa ra các mục tiêu khá toàn diện, những nguồn lực để thực hiện phải lồng ghép với các chương trình khác của các bộ ngành và địa phương, không bố trí nguồn lực trực tiếp cho chương trình, do vậy, lĩnh vực y tế và giáo dục được bố trí một nguồn lực để thực hiện, nhưng  hoạt động sự nghiệp BVTE và văn hóa, vui chơi giải trí  của trẻ em cũng như quyền tham gia của trẻ em chưa được bố trí nguồn lực thỏa đáng, do vậy nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt kết quả theo mong muốn.

Ngoài vấn đề kinh phí, còn phải nói đến nguyên nhân sâu xa khiến hoạt động BVTE chục năm qua chưa đáp yêu cầu ngày càng cao của TE Việt, đó là nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giá trị của công tác "Phòng ngừa".để trẻ em không bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Công tác BVTE cần được thực hiện trên 3 cấp độ: 1/Phòng ngừa. 2/ Phát hiện, can thiệp sớm các vụ việc vi phạm quyền TE. 3/ Trợ giúp và phục hồi. Trước đây coi trọng "Trợ giúp phục hồi"  cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì giai đoạn 2011 - 2015, Phòng ngừa sẽ được đưa lên hàng đầu trong hoạt động BVTE theo nguyên tắc "Không để phát bệnh rồi mới chữa", với phương châm "Chi 1 nhưng tiết kiệm 10 chỉ sau 7 năm".

Cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em liên tục, mọi nơi

- Đó là nhận thức về công tác Phòng ngừa để hạn chế thấp nhất số trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Từ đó, công việc cụ thể sẽ là gì, thưa TS?

Việc phải làm ngay là xây dựng một hệ thống an sinh XH hiệu quả, mạnh mẽ, cung cấp dịch vụ bảo vệ và dịch vụ XH chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng đầy đủ, liên tục mọi lúc mọi nơi, ở tất cả các cấp cho TE dễ bị tổn thương. Trong đó có dịch vụ chuyên sâu để chuyển tuyến cho TE có nguy cơ (như các chương trình hỗ trợ tại trường học hiện nay).

Cụ thể: Sửa đổi luật và cơ chế về nhân lực sao cho công tác XH được coi là 1 nghề chuyên nghiệp như nhiều nước. Thành lập cơ quan chuyên trách, quy định  thủ tục điều tra, kết luận liên quan xâm hại TE, từ đó cho phép tách trẻ khỏi người xâm hại, tạm giữ người xâm hại hoặc tách trẻ khỏi gia đình/cha mẹ nếu thấy có lợi cho trẻ em

Môi trường sống ngày nay tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho trẻ em Việt.
Ảnh minh họa
Các cơ quan chức năng liên quan trực tiếp TE cũng sẽ được xác định chức năng nhiệm vụ phải làm trong trường hợp khẩn cấp và trường hợp bình thường, để thực hiện ngay các biện pháp can thiệp theo nhiệm vụ. Chánh/Phó chủ tịch UBND địa phương trực tiếp điều hành. Bộ máy hữu cơ này kết nối các dịch vụ với nhau, khi trẻ cần là tiếp cận được ngay với dịch vụ và được cung cấp ngay dịch vụ.

Thêm vào đó, cần có phương tiện đặc biệt, thủ tục thân thiện để TE tự thực hiện quyền khiếu nại tố cáo của mình. Trong trường hợp TE cần được tách khỏi môi trường gia đình không an toàn, được nhận làm con nuôi thì trẻ cần được hỏi ý kiến trước pháp luật.

- Đó là kênh thông tin của TE trong trường hợp khẩn cấp. Theo ông có nên tận dụng thông tin từ TE, như tổ chức các diễn đàn để TE góp ý, báo tin, hay chỉ để bày tỏ ước muốn. Như mới đây, một học sinh ở Bến Tre, tham gia cuộc thi viết "Nếu có quyền, TE Việt Nam sẽ làm gì" ước tuyển chọn HS ngoan để thưởng... 1 bữa cơm đủ chất?

Những diễn đàn như vậy rất đáng quý. Do là "người trong cuộc" trẻ có thể thúc đẩy nhà quản lý ra các quyết sách đúng đắn, nhờ những phàn nàn của các cháu về chương trình giáo dục liên tục sửa đổi, một sân chơi bị phá để xây trung tâm thương mại, hay ước muốn bữa cơm đủ chất...
 
Tuy nhiên, để TE cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe, chủ động hỗ trợ người lớn phòng ngừa và phát hiện sớm hành vi vi phạm quyền TE, cần thay đổi nhận thức về Quyền Tham gia của TE, thay đổi cách nghĩ "trứng sao khôn hơn vịt", đã ăn sâu trong tiềm thức người lớn.

Tiếp đến là tạo cơ chế để TE tham gia. Như xây một mạng lưới cộng tác viên trẻ em -  kênh thông tin về chính các em. Mở Diễn đàn TE (theo năm/ địa phương / vùng dân cư), chuyển kiến nghị của TE lên UBND các cấp và cơ quan chức năng cụ thể theo quy định. Thực hiện Tháng hành động vì TE cấp tỉnh/ huyện. Quy định bắt buộc trong trường học: Cho phép học sinh được góp ý với thầy cô mà không bị lộ diện.

- Xin cảm ơn TS!

Đến 2010, cả nước còn 1,53 triệu TE có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 6% tổng số TE và chiếm 1,79% so với dân số. Nếu tính cả nhóm trẻ nghèo (2,75 triệu), trẻ bị bạo lực, bị buôn bán và bị tai nạn thương tích thì tổng cộng có khoảng 4,28 triệu trẻ, chiếm 5% dân số và khoảng 18,2% so với tổng số TE. Nhóm trẻ này gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho TE.

  • Quảng Hạnh