- Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Bộ GD-ĐT nhận được chất vấn về việc quyết toán ngân sách cho giáo dục, đào tạo đạt 93,6%.

Bộ trưởng Phạm vũ Luận cho biết: Theo báo cáo cáo trình Quốc hội, năm 2012, chi sự nghiệp giáo dục đào tạo đạt 93,5% dự toán, số còn lại 8.784 tỷ đồng được chuyển sang năm 2013 để thực hiện các chính sách phát triển giáo dục đào tạo theo quy định. Số dư này bao gồm cả của địa phương và trung ương, trong đó số dư kinh phí của Bộ GD-ĐT là: 287,3 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng số dư kinh phí của toàn ngành.

Theo ông Luận, số dư kinh phí 287,3 tỷ của Bộ GD-ĐT bao gồm:

Kinh phí thực hiện Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 911): 36,7 tỷ. Nguyên nhân: Năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện Đề án 911, nên Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính mất nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính cho Đề án, dẫn đến việc phân bổ kinh phí muộn (tháng 12/2012); Việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế (kế hoạch tuyển là 576 chỉ tiêu, thực tế chỉ tuyển được 336 chỉ tiêu, đạt 58,3% kế hoạch), dẫn đến việc phải chuyển số dư sang năm sau sử dụng.

Kinh phí thực hiện Đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại nước ngoài (Đề án 322 và 356): 38,7 tỷ đồng. Nguyên nhân: Năm 2012 các cơ sở đào tạo ở nước ngoài gửi các chứng từ, hóa đơn thanh toán chậm nên chưa kịp hoàn tất thủ tục giải ngân với kho bạc.

{keywords}

Giờ học tiếng Anh tại Trường tiểu học Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hạ Anh

Kinh phí thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân: 16 tỷ. Nguyên nhân: Một số nhiệm vụ đào tạo, tập huấn triển khai chậm; Việc mua sắm thiết bị phải thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định, dẫn đến thời gian phê duyệt chậm, nên chưa kịp giải ngân.

Còn lại là số dư kinh phí của các nhiệm vụ khác, do triển khai chậm so với kế hoạch nên chưa kịp giải ngân, thanh quyết toán kinh phí.

Về số dư kinh phí 8.496,7 tỷ đồng còn lại (8.784 tỷ – 287,3 tỷ): Theo quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý chưa đến 5% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 95% còn lại do các Bộ, ngành và địa phương quản lý và sử dụng. Do vậy, Bộ GD-ĐT không nắm được việc sử dụng kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đào tạo ở các Bộ, ngành, địa phương.

Cũng theo giải trình của ông Luận, để giải quyết thực trạng trên, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính và thống nhất cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo như sau: Khi triển khai xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, hai Bộ sẽ họp để thống nhất dự kiến phương án phân bổ ngân sách chi cho giáo dục đào tạo;

Sau khi giao dự toán cho các tỉnh và các Bộ, ngành, Bộ Tài chính gửi Bộ GD-ĐT  số liệu để biết và phối hợp theo dõi thực hiện;

Khi quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương gửi đồng thời cho Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT báo cáo về phần ngân sách nhà nước thực tế chi cho giáo dục đào tạo.

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục và đào tạo (trực thuộc Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, địa phương khác) đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, triển khai hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án còn dở dang để hoàn tất các thủ tục giải ngân, thanh quyết toán dứt điểm kinh phí với ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng còn dư kinh phí phải xin chuyển sang năm sau để sử dụng.

  • Ngân Anh