- Bài viết “Chúng mày không khá nổi là vậy!” nhận được một lượng phản hồi lớn của độc giả, nói lên việc ý thức, hành vi, ứng xử là nỗi bức xúc của không ít người.
Thi nhau kể thêm lỗi
Độc giả có địa chỉ email trankiem@... kể câu chuyện: “Tôi vào bệnh viện B.T.L, có bác sĩ đi qua trước mặt bệnh nhân khạc nhổ ra đường ngay trước mặt mọi người. Có bác sĩ khoa nhi hỏi phụ huynh toàn hỏi trống không”.
Anh Lê Mạnh Kiểm (kiemnhansu@...) than thở: “Tôi từng mở quán ăn, mỗi bàn ăn tôi đều để một sọt đựng rác ngay chân bàn ăn. Nhưng sau một tháng tôi phải bỏ sọt rác đi vì hiếm thấy ai bỏ rác vào sọt. Họ cậy họ có tiền, họ là thượng đế, nên họ vứt xả rác bừa bãi xuống nền nhà, thậm chí còn nhổ nước bọt ngay sát chỗ mình ăn”
“Tôi đi ra đường hay bị người đi xe phía trước nhổ nước bọt văng tùm lum...” là câu chuyện của độc giả tên Thế (dangthanhthe@...)
Độc giả ở địa chỉ quaycamera@... nói ra nỗi chán nản: “Chỉ bỏ ra 25.000 một tháng để cho cty công cộng gom rác họ cũng không làm, con đường đang đẹp họ chở nguyên bao rác quẳng xuống rồi chạy tuốt. Có lần tôi chứng kiến một nhóm bạn trẻ VN ăn uống cùng với mấy người nước ngoài ở điểm du lịch, khi ăn xong người nước ngoài họ gom nhặt hết rác bỏ vào thùng trong khi mấy người trẻ VN chỉ đứng nhìn.
Gia đình là “thủ phạm chính”?
Từ bài báo và từ hành vi của những người xung quanh, độc giả tên Thanh Bình (binh.luongthanh.vb@...) nhận định “Học sinh, thanh niên thời giờ cũng đang khá lên dần từ ý thức được chỉ dẫn từ nhà trường so với thời cách đây 15-20 năm đấy thôi. Quan trọng là bạn tiếp cận với học sinh như thế nào để các em tiếp thu và làm theo,đặc biệt là được uốn nắn từ lúc bắt đầu bước chân tới cổng trường”.
Độc giả Kỳ Thực (thangdoquyet@...) quy kết: “Lỗi dẫn đến hành vi "xấu" ở tuổi đi học là do giáo dục, lỗi này ở tuổi trưởng thành "sinh viên, người lao động ,,," là do quản lý của cơ sở đào tạo hoặc lao động”.
“Gốc văn hóa rất thấp, từ gia đình đến nhà trường không dạy giỗ phép tắc, quy tắc ứng xử, trách nhiệm gia đình và xã hội. Khắc phục phải mất cả thế hệ” – độc giả Mỹ Hạnh (mihnh06@...) đưa ý kiến.
Tuy nhiên, không ít độc giả nhận định gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi vô ý thức.
Chị Nguyễn Nga (vtgiang1972@...) cho rằng nói tại giáo dục là chưa đúng. “Nhà trường luôn dạy các con những điều tốt đẹp nhưng chính gia đình mới làm hỏng các con. Ai làm giáo viên sẽ hiểu được phụ huynh mới khó chiu thế nào. Ví dụ: chen vào lớp chọ chỗ ngồi tốt cho con, cho con thường xuyên đi học muộn, cái gì của nhà trường thì lãng phí…”.
Anh Lê Võ Quốc Hào (quochao0901@...) kể câu chuyện: “Nhiều lần đón hai đứa con đi học về, và nhiều lần 2 đứa nhỏ thấy bạn cùng trường vứt vỏ hộp sữa không xuống đường. Chúng bảo sao các bạn đó ném hợp sữa và rác xuống đường được còn con sao ba không cho? Tôi bảo nếu ai cũng giống như con thì xã hội này dơ bẩn hết và con người ta cứ chờ đến thế hệ sau hy vọng tốt đẹp hơn, ý thức hơn”.
Nhưng anh Hào cũng nghĩ, “Trong đầu não của cha mẹ là người trực tiếp nói có hiệu quả nhất mà không dạy được con cái họ thì cho chúng đi học ở trường làm gì? Chẳng lẽ giao phó hay phó thác cho nhà trường và xã hội giáo dục?”
Gia đình cũng là nguyên nhân được anh Nguyễn Văn Tuyến (tuyennv8488@...) đề cập tới. “Ở trường cô dạy phải đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ. Nhưng ngược lại khi ở nhà thì bố mẹ đi sai làn đường, vượt đèn đỏ... Thử hỏi như vậy sao con cái tốt lên được??
“Là một giáo viên, mình phải thừa nhận một điều rằng, học sinh của mình, ngay trong nhà trường đã không có những ý thức nhỏ như tác giả nêu. Đa phần các em chỉ biết hưởng thụ mà không biết rèn ý thức. Dạy bảo nhắc nhở thì các em nói ở nhà cũng vậy. Cha mẹ không tốt có dạy kiểu gì con cái cũng khó mà nghe theo” – bạn Hoàng Thăng Long (hoangthanhlong.rongmad@...) nêu ra kết luận từ quan sát của mình.
Quy định, luật pháp phải được thực thi
Gia đình, nhà trường đảm nhiệm nhiệm vụ chính nhưng những quy định, luật pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, ý thức của con người.
Anh Đức Tài (leductai@...) cho rằng khi người quản lý “lợi dụng sự kém hiểu biết của người lao động bớt xén một số quyền lợi chính đáng của người lao động nên mới xẩy ra tình trạng lãn công hay phá bĩnh như bài viết”.
Anh Phạm Xuân Đạt (xuandat72@...) đưa ra ý kiến dựa trên kinh nghiệm làm quản lý của mình: “Nội qui, qui định của công ty chính là phương tiện chính để công nhân chấp hành. Còn công nhân có chấp hành hay không lại phụ thuộc vào chính sách quản lý của ban lãnh đạo công ty”.
Cùng chung quan điểm, anh Huy Hoàng (Cuibapboss@...) cho biết anh làm việc cho một công ty nước ngoài ở Bình Dương gần 20 năm nay. Cty có khoảng 1.000 người nhưng không hề có trường hợp vi phạm nội qui kỷ luật trở thành phổ biến như bài viết, vì nếu ai vi phạm thì bị sa thải rồi. Phòng ăn được xây dựng rộng rãi và thoáng cho toàn công ty ăn, mọi người nhìn thấy nhau để mà giử vệ sinh, ăn xong tự mang mâm để đúng nơi qui đinh, ai mà lỡ quên thì vội chạy lại nhà ăn để mà dẹp mâm của mình. Nhà vệ sinh xây đủ và chuẩn nên việc giữ gìn cũng rất tốt. “Nói chung kỷ luật là do người lãnh đạo biết quản và tạo điều kiện cho mọi người tuân theo, ai cố tách ra sẽ tự động bị đào thải” – anh Hoàng kết luận.
Theo độc giả có địa chỉ nguyenbaquan502@... “Trên tất cả phải có chính sách quản lý tốt. Đừng đổ thừa tại người lao động. Đất nước nào cũng vậy, con người nào cũng vậy, yếu kém cần phải cảnh cáo và loại bỏ ra khỏi môi trường lao động. Nếu nhũng nhiễu công an cần phải nghiêm khắc trừng trị. Có như vậy xã hội mới nề nếp được”.
Ngân Anh tổng hợp