- Theo nhật báo Komsomolskaya Pravda của Nga, nhà toán học Grigori Perelman, người đã giải quyết được giả thuyết Poincare - một trong số 7 bài toán của thiên niên kỷ vào ngày 28/4 mới đây - đã giải thích lý do về việc ông từ chối giải thưởng 1 triệu USD của Viện toán học Clay vào năm ngoái.
Giáo sư toán đoạt giải thưởng 1 triệu USD
Grigory Perelman (Ảnh: turkcebilgi.com) |
Khi được hỏi tại sao lại từ chối số tiền 1 triệu đô la Mỹ của giải thưởng Clay, Perelman trả lời rằng: “Tôi biết làm thế nào để kiểm soát vũ trụ. Thế tại sao tôi lại phải chạy đi để nhận 1 triệu đô?”
Một số tờ báo khác cho rằng, ông từ chối giải của Clay vì lý do Viện Clay phớt lờ nỗ lực của một nhà toán học khác là Richard Hamilton trong quá trình chứng minh giả thuyết Poincaré. Nhưng năm 2003, Viện Clay đã vinh danh Hamilton bằng giải thưởng thường niên của Viện (Năm 2004, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng được nhận giải thưởng của Viện này). Năm 2006, Perelman đã được Hội toán học thế giới lập danh sách trao giải thưởng Fields, nhưng ông cũng từ chối nhận giải.
Perelman là một nhà toán học thực sự say mê và thiên tài. Ông đã giải quyết được trọn vẹn giả thuyết Poincaré đã làm đau đầu các nhà toán học suốt khoảng 100 năm từ khi ra đời. Từ chối hai giải thưởng danh giá với số tiền 1 triệu đô, ông vẫn sống đạm bạc với mẹ ở Saint Petersburg. Ngoài toán học, ông còn say mê cả âm nhạc và là người chơi violon rất hay. Tờ báo cho rằng ông thực sự là một tâm hồn khoa học thuần khiết.
“Perelman hoàn toàn lành mạnh, khỏe khoắn và đầy đặn theo nghĩa một người bình thường. Ông là người thực tế, thực dụng và sáng suốt, nhưng không phải không có những tình cảm và sự phấn khích. Và những gì mà các phương tiện truyền thông hay nói về ông – rằng ông là người đi đầu – tất cả điều đó đối với ông là vô nghĩa”- trích lời tờ Komsomolskaya Pravda.
Nhà sản xuất phim Alexander Zabrovskaya đang dự định làm bộ phim tài liệu về một cuộc hợp tác và đối đầu giữa ba trường phái toán học lớn của thế giới là Nga, Trung Quốc và Mỹ trong nghiên cứu và kiểm soát vũ trụ mà giả thuyết Poincaré là một thành tựu rất lớn. Và Perelman đã đồng ý tham gia viết kịch bản của bộ phim: “Tương lai của vũ trụ”.
Grigori Perelman và mẹ. Ảnh: Pravda |
Các nhà báo đã tìm thấy sáu điểm có vấn đề, trong khi các blogger tranh luận và nói rằng có mười ba điểm trái ngược nhau trong bài phỏng vấn. Đặc biệt hơn, các độc giả báo mạng cho biết: khi nói về câu chuyện Kinh Thánh của chúa Jesus đi trên mặt nước, các nhà vật lý xuất sắc cho rằng đó là một vấn đề Toán học khó giải quyết. Còn các blogger lại phản đối, và cho biết các nhà khoa học đã tính được tốc độ mà Chúa Jesus - giả sử đã đi bộ trên mặt nước mà không bị chìm - từ cách đây 200 năm; và ngày nay, đó là một bài tập dễ cho học sinh lớp 8 (ở Nga).
Komsomolskaya Pravda của Nga (Sự thật Thanh niên) là một tờ báo uy tín của Nga. Tờ báo cho biết Perelman lâu nay từ chối gặp tất cả các phóng viên giờ đây đã mở lòng mình để có một cuộc trò chuyện với một nhà báo và một nhà làm phim. Để được tiếp xúc với Perelman, họ đã phải liên lạc với mẹ của ông qua cộng đồng người Do Thái tại St. Petersburg, Nga.
- Thuần Dũng (Theo Pravda.ru)