Theo ngài Đại sứ Staffan
Herrström, điều quan trọng nhất để tạo chất lượng cho nền giáo dục chính là cần
thay đổi phương pháp dạy theo kiểu áp đạt từ trên xuống, theo kiểu thầy giảng
trò nghe thụ động.
Thi viết:"Nếu có quyền, trẻ em Việt sẽ thay đổi điều gì?"
Xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ, ngài
Đại sứ Staffan Herrström đã khởi xướng nhiều hoạt động trợ giúp trẻ và "lắng
nghe trẻ nói". Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của ông, đúc kết sau
nhiều năm tham gia hoạt động chăm sóc-bảo vệ trẻ em tại Việt Nam và nhiều nước
trên thế giới.
Anh ấy có hai con, một cô con gái
và một cậu con trai. Mong muốn của anh về tương lai của các con mình là gì? Đó
là câu hỏi mà tôi đã hỏi khi gặp một người đàn ông trung niên sống ở một vùng
núi xa xôi trong chuyến đi thực tế của mình cách đây không lâu.
Con trai thì sẽ tiếp tục được đến
trường và được học hành đến nơi đến chốn. Còn cô con gái thì chắc chắn là không
phải như vậy rồi. Nó sẽ đi lấy chồng sớm. Đó là câu trả lời của người đàn ông
này.
Đương nhiên, tôi cũng đã từng gặp
những người có suy nghĩ tương tự như vậy ở các nước khác. Và điều đáng buồn này
vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Là một người cha của hai cô con
gái, tôi cảm thấy không thể chịu được khi hiện vẫn còn hàng triệu trẻ em gái bị
tước đi một quyền cơ bản của mình đó là quyền được học hành chỉ vì các em sinh
ra là con gái.
Nền giáo dục có chất lượng cao là
chìa khoá cho việc thực hiện các quyền của trẻ em, kể cả quyền của trẻ em gái.
Đó chính là động lực mạnh mẽ cho những cải cách giáo dục cơ bản của Thụy Điển
cách đây vài thập kỷ, chuyển đổi từ một xã hội mà nền giáo dục tiên tiến là đặc
quyền đặc lợi của một số ít - và chỉ có một số ít những cha mẹ được khai sáng
mới cho con gái mình đi học. Mẹ của tôi là một người may mắn và mẹ vợ tôi lại
còn may mắn hơn. Trong khi nhiều cô gái thời của họ không được cái may mắn đó.
Chú trọng vào nền giáo dục có
chất lượng cao đương nhiên có nghĩa là cần phải quan tâm hơn nữa đến các vấn đề
tỷ lệ bỏ học cao và chênh lệch về giới. Ví dụ như tỉ lệ đi học của trẻ em dân
tộc thiểu số - và đặc biệt là các em gái thấp hơn so với tỉ lệ trung bình. Hay
khoảng một nửa số trẻ em tàn tật không được đến trường.
Nhưng việc có mặt trong lớp học
không thể đương nhiên là sẽ có kiến thức, kĩ năng, năng lực.
Ai cũng hiểu rằng số lượng cần
phải đi kèm với chất lượng. Đó là câu hỏi về sự cần thiết phải có những giáo
viên giỏi, có trình độ và các thiết bị giáo dục cần thiết - sách giáo khoa, máy
tính, phòng thực hành.
Nhưng điều đầu tiên và quan trọng
nhất đó là việc cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy theo kiểu áp đạt từ trên
xuống, theo kiểu thầy giảng trò nghe thụ động. Tại sao? Vì đó không phải là cách
để phát triển con người, những công dân, lực lượng lao động có sáng tạo, tư duy
cởi mở, luôn đặt ra các câu hỏi và luôn đưa ra những sáng kiến mà một xã hội và
một nền kinh tế tri thức đang cần.
Đó chính là thông điệp mà tôi
thường xuyên nhấn mạnh tại tất cả các buổi thảo luận mà tôi tham gia có liên
quan đến quyền của trẻ em Việt Nam. Và tôi cũng nhận thấy điều đó ở những nước
khác.
Hay thay đổi phương pháp từ trên xuống bằng phương pháp từ dưới lên. Năng lực
duy nhất của mỗi em cần phải được lưu ý, khuyến khích phát triển. Mỗi một em,
nam hay nữ đều phải được coi như là người tham gia và hành động, chứ không chỉ
thụ động tiếp nhận kiến thức từ người lớn.
Quyết định huỷ bỏ hình phạt trong
nhà trường đã là một bước quan trọng theo hướng này, hy vọng là quyết định này
đã được thực hiện tốt. Và tôi cũng mong muốn việc cấm đánh con cái cũng sẽ phải
được áp dụng trong mỗi gia đình - một việc làm mà tôi đã nhận thấy những thay
đổi tích cực ở nước tôi.
Nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện
cho trẻ em của chúng tôi, bà Astrid Lindgren đã đóng một vai trò quan trọng
trong quá trình này. Bà luôn cổ xuý cho việc hãy coi trẻ em như những cá nhân
độc lập bằng việc nhìn nhận và lắng nghe tiếng nói, nhu cầu của trẻ và mạnh mẽ
lên tiếng phản đối bạo hành trẻ em. Trước đây, chúng tôi cũng từng cho rằng “Yêu
cho roi cho vọt” và điều này tôi được biết cũng vẫn đang tồn tại ở Việt Nam.
Nhưng với lệnh cấm hoàn toàn việc đánh đập trẻ em và hàng loạt các chiến dịch
truyền thông được thực hiện, thái độ trên đã thay đổi - và cuộc sống của rất
nhiều trẻ em đã được song song cải thiện.
Phương pháp tiếp cận từ dưới lên
có thể là một phương châm cho mọi lĩnh vực chứ không chỉ trong giáo dục. Trẻ em
cần phải được lắng nghe, có quyền được lắng nghe. Đã có những tiến bộ theo hướng
này. Tôi đã được đọc khá nhiều những kiến nghị đúc kết được từ một diễn đàn diễn
ra năm ngoái với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam (Save Children
Vietnam). Ví dụ như việc thành lập một cơ quan theo dõi, giám sát việc thực hiện
quyền trẻ em.
Nhu cầu được lắng nghe cũng là ý
tưởng của cuộc thi viết cho trẻ em do Đại Sứ Quán Thụy Điển tổ chức kết hợp với
báo điện tử VietnamNet. Cuộc thi vẽ cho trẻ em về bình đẳng giới do Liên minh
Châu Âu tổ chức cũng là nhằm mục đích này.
Mỗi một trẻ em là duy nhất và em
có quyền được phát triển cái duy nhất đó của mình. Điều này cũng dành cho em gái
sống ở vùng sâu vùng xa mà tôi đã đề cập ở phần cầu của bài viết này. Trói buộc
em với tục lệ tảo hôn - hay tạo điều kiện cho em đi học để mở cửa cho sự phát
triển tiềm năng của em? Sự lựa chọn giữa hai con đường đó - lẽ ra cần phải được
thực hiện một cách dễ dàng.
-
Staffan Herrström
(Đại Sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam)