- Trong cuộc trao đổi với VietNamNet, nhà giáo đã từng có thời gian rèn luyện trong quân ngũ luôn khẳng định, một giảng viên đại học mà chỉ biết dạy những điều xưa cũ, lạc hậu là có tội với sinh viên.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc là một trong 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc |
- Tôi có may mắn được GS Phan Huy Lê cho làm học trò trực tiếp ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào khoa Sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. GS Phan Huy Lê đã hướng dẫn tôi hoàn thành từ khóa luận tốt nghiệp cử nhân cho đến luận án phó tiến sĩ (tiến sĩ), và đến nay vẫn tiếp tục chăm lo cho mỗi bước trưởng thành của tôi. Tháng 2 vừa rồi, nhân dịp Giáo sư 80 tuổi, chúng tôi, những đồng nghiệp và học trò của GS Phan Huy Lê ở trong nước và quốc tế đã làm cuốn sách “Nhân cách Sử học” mừng tặng Giáo sư. Chúng tôi thống nhất đặt tên cuốn sách như vậy vì cả hơn bốn chục bài viết đều góp phần lý giải những thành tựu khoa học và đào tạo trội vượt của GS Phan Huy Lê được xây đắp trên cái nền nhân cách Sử học lớn Việt Nam. Đây cũng chính là bài học lớn nhất và quan trọng nhất mà các thế hệ học trò đã học được từ người Thầy rất mực tôn kính của mình. Chúng tôi, mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh, nhưng ai được đứng trên bục giảng cũng đều mong ước học theo tấm gương của Thầy.
Là người đã có gần 40 năm giảng dạy bậc đại học, với ông “chuẩn” của một giảng viên là gì?
- Theo tôi, trước hết phải nói đến tư cách, phẩm chất. Người thầy phải là tấm gương sống cho học trò. Đến lớp, mà học trò biết rõ ràng ông thầy đang lên lớp mình có vấn đề về tư cách, phẩm chất (tham nhũng hay ăn gian, nói dối chẳng hạn), thì ông thầy ấy dù có dạy hay, dạy giỏi đến mấy, học trò cũng dễ coi thường, không thật trọng, không thật tin.
Và điều thứ hai, đã đi dạy người ta mà trình độ không hơn người học thì dạy cái gì? Các cụ ngày trước nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, không phải là không đề cao trình độ của người dạy học, mà là nhắc nhở học trò phải tôn trọng người thầy dạy mình, vì bao giờ người thầy cũng có trình đô cao hơn người học.
Đặc biệt, trong thời kỳ bùng nổ thông tin như bây giờ, thầy đi dạy mà không chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, nâng cao trình độ thì sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu, dễ trở nên trớ trêu và hài hước, trước những học trò say mê tìm tòi, làm chủ công nghệ, tiếp cận được các nguồn thông tin mới.
Chưa nói đến chuyện bằng cấp, bằng cấp chỉ là một phần rất nhỏ, mà cái quan trọng nhất là người thầy có đủ tư cách chuyên môn để dạy cho học trò hay không.
Và theo ông, kiến thức và phương pháp đóng vai trò như thế nào, khi mà hiện nay có luồng quan điểm cho rằng đi dạy đại học kiến thức chỉ là một phần, phương pháp mới là điều quyết định?
- Tôi cũng đồng ý quan điểm này, nhưng phải đề phòng không ít người đã lợi dụng cái đó để mà tư biện, cho rằng họ chỉ dạy phương pháp là đủ, còn kiến thức thì sinh viên phải tự trang bị lấy. Ở đây có vấn đề là mối liên hệ mật thiết giữa kiến thức và phương pháp. Anh mà không có kiến thức thì anh dạy cái gì? Dù anh nói là phương pháp, nhưng phương pháp mà không ứng dụng, vận dụng xử lý những vấn đề cụ thể, không nghiên cứu đến nơi đến chốn, không rút kinh nghiệm cả những thành công và thất bại của người đi trước, thì cũng chỉ là cái thứ phương pháp trên mây trên gió, nghe thì cũng bùi tai đấy, nhưng mà chẳng để làm gì. Thành ra người học kiểu này liệu có bồi bổ được gì cả về kiến thức lẫn phương pháp hay không?
Phương pháp phần nhiều phải trên cơ sở lý thuyết, vận dụng vào thực tế, nhào nặn cùng nhiều thứ khác để trở thành kinh nghiệm, máu thịt của người thầy, thì lúc đấy truyền cho học trò mới có ý nghĩa, có giá trị.
Và những bài giảng như thế mới là những bài giảng có chất lượng. Nhiều người nói bây giờ kể ra giảng cũng đơn giản, không đi sâu vào kiến thức, mà nếu hỏi về kiến thức đã có đầy tài liệu, sách vở và “cái gì không biết thì tra google”. Phương pháp thì họ nêu một vài nguyên tắc chung chung, trừu tượng. Trong giới sử chúng tôi, luận văn nào, luận án nào cũng nói là kết hợp phương pháp lịch sử với phương pháp lô gích, nhưng không mấy ai lý giải một cách đầy đủ, cặn kẽ phương pháp lịch sử là gì, phương pháp lô gích thế nào, chúng kết hợp với nhau ra sao và cái quan trọng là vận vào đề tài lịch sử cụ thể thì chẳng mấy ai quan tâm tới. Vậy thì cái phương pháp được đào tạo như thế chẳng khác gì một thứ trang sức, chứ không phải là công cụ hiệu quả, đích thực để nhận thức hay xử lý những vấn đề khoa học.
Giảng những điều cũ kỹ và lạc hậu là gây hại cho người học. Ảnh Lê Huyền |
Giảng đi giảng lại những điều cũ kỹ là gây hại cho người học
Trong thực tế, ông thấy những giảng viên dạng “dạy vô bổ” nhiều hay ít?
- Ở nhiều trường đại học hiện nay đang có xu thế chuyển thành đại học nghiên cứu hay định hướng nghiên cứu. Họ yêu cầu giảng viên dứt khoát phải có kết quả nghiên cứu khoa học, thể hiện bằng bài báo khoa học, đăng ở các tạp chí khoa học có uy tín ở trong nước và trên thế giới… Đó là hướng phát triển tốt, là xu hướng phát triển hội nhập với thế giới, và phải có những cái đó để xác định tư cách chuyên môn của người đứng lớp.
Tất nhiên không thể cầu toàn, đòi hỏi tất cả mọi người như thế, nhưng rõ ràng nó thành tiêu chí, mục tiêu để cho những người thầy có quyết tâm đứng lớp lâu dài, biến thành nghề nghiệp chính thức của mình thì phải không ngừng vươn lên.
Tôi trông thấy, và cũng rất mừng, rằng lớp trẻ hiện nay ở nhiều trường đại học tôi biết, đã khai thác được lợi thế của thời đại, nâng tầm của mình lên nhanh hơn nhiều, tốt hơn nhiều so với thế hệ chúng tôi. Tuy nhiên số giảng viên không nghiên cứu, chỉ “dạy chay” thôi ở trường đại học nào cũng có, mà có trường họ còn chiếm tỷ số rất cao nữa kia.
Nghị định Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học mà Chính phủ vừa ban hành có đưa ra những ưu đãi mà giảng viên được hưởng khi nghiên cứu khoa học, như ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thưởng tiền… Theo ông, những quy định này đã đủ khuyến khích giảng viên?
- Trong điều kiện của Việt Nam, như vậy là nguồn động viên rất lớn, tạo cơ hội cho cán bộ khoa học giảng dạy và nghiên cứu.
Phải có nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh thì mới dạy đại học tốt được.
Tôi thấy đúng là có nhiều người không có nghiên cứu nhưng người ta vẫn dạy, và thậm chí còn được đề cao trong một số trường đại học. Dạy đại học kiểu này đã trở thành quá lạc hậu và không sớm thì muộn cũng sẽ bị loại trừ.
Còn người thầy dạy chất lượng cao, trình độ cao phải là nhà khoa học đích thực, nghiêm chỉnh, là người dạy bằng kết quả nghiên cứu của chính mình. Những người tuy không dầy công nghiên cứu hay không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, nhưng cập nhật được thành tựu nghiên cứu mới và cố gắng cải tiến và nâng cao bài giảng của mình, cũng có thể coi là bài giảng đáp ứng được yêu cầu của người học. Trái lại, có những người không hề nghiên cứu khoa học, chỉ dạy đi dạy lại những cái đã có sẵn từ tám mươi đời, thậm chí đã bị khoa học vượt qua từ rất lâu, trở nên vô cùng cũ kỹ và lạc hậu, thì bài giảng của họ liệu có ích gì, chưa muốn nói là gây hại cho người học.
Thực dụng quá dễ ngả sang đường khác
Ông có nhận xét gì về những sinh viên bây giờ?
- Phải nói rằng sinh viên bây giờ có điều kiện tuyệt vời, hơn hẳn so với thế hệ chúng tôi.
Họ tiếp xúc với thành tựu mới của khoa học, sử dụng được phương pháp hiện đại cho học tập nghiên cứu rất nhanh chóng, nên hiệu quả chắc chắn là cao hơn chúng tôi rất nhiều. Họ cũng thông minh sáng láng và con đường tiến xa chắc chắn hơn hẳn so với chúng tôi.
Tuy nhiên, trong lợi thế như vậy lại đẻ ra điều không lợi với họ.
Cái bất lợi của thế hệ chúng tôi lại tạo ra cho chúng tôi ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên trong gian khó. Chúng tôi phần nhiều từ các làng quê nghèo khó bước vào trường đại học. Trường đại học lúc đó đến cái bàn, cái ghế cũng không có, chứ chưa nói đến cơ sở học liệu. Chúng tôi phải cùng nhau vài ba người chụm đầu vào một ngọn đèn dầu leo lét đọc sách, chép từ điển, viết tiểu luận… cố học nhồi nhét theo lối “cần cù bù thông minh”... Nhưng cũng chính hoàn cảnh khốn khó này đã rèn cho chúng tôi sự kiên trì, chịu khó, ý chí quyết tâm, nghị lực vượt lên chính mình. Xét ở khía cạnh nào đó thì đấy lại là cái “được” của thế hệ chúng tôi.
Lớp học trò của tôi hôm nay thông minh, năng động, tài năng bộc lộ sớm, nhưng tôi biết cũng có khá nhiều người hay ỷ lại vào những điều kiện thuận lợi của mình, đặt quá nhiều sự quan tâm đến lợi ích vật chất trước mắt, dễ làm khó bỏ. Những người này tuy năng lực dồi dào, nhưng lại ít quyết tâm và nhất là không có nhiều niềm say mê cháy bỏng trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Mà theo tôi, khi đi học, niềm say mê mới chính là nhịp cầu cho người ta vươn cao, vươn xa, vươn tới chân trời mới của khoa học.
Còn đối với lớp giảng viên trẻ thì sao, thưa ông?
- Sự say mê cũng là lưu ý của tôi đối với cán bộ trẻ.
Nghiên cứu khoa học nhiều khi cần chấp nhận sự thiệt thòi, nếu coi đó là niềm đam mê, mục đích nghề nghiệp. Còn nếu tính cái gì cũng có thể có tiền, cái gì cũng nâng cao ngay được mức sống, cái gì cũng có thể thành ra kết quả để vinh danh cho cuộc đời, thì rất dễ nản và dễ ngả sang con đường khác.
Thực dụng là tốt, là cần và là thế mạnh của lớp học trò, hơn hẳn chúng tôi trước đây; nhưng thực dụng quá thì lại bất lợi cho những người làm khoa học nghiêm túc, nhất là những người nghiên cứu và đào tạo về khoa học cơ bản. Nghiên cứu cơ bản thậm chí là nghiên cứu để chứng minh rằng “nó không phải là thế” hay “điều đó là hoàn toàn sai”. Có những nhà khoa học cặm cụi cả đời lao tâm, khổ tứ chỉ để chứng minh cái điều tưởng như hết sức phi lý này. Phải là những người yêu và say mê lắm thì mới dám đặt cược cuộc đời vào những công việc như thế phải không?
Đại thi hào Nguyễn Du từng dạy “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa”… Đó là nghề nghiệp, là trách nhiệm, chức phận của người làm nghề, là lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Dạy đại học là một nghề, và với yêu cầu hết sức đặc biệt của nghề nghiệp này, nó đặt ra những đòi hỏi rất cao và rất khắt khe cả về nhân cách, tư cách và trình độ chuyên môn của người hành nghề. Chúng tôi đã “dấn thân” thì phải chấp nhận và đã chấp nhận rồi thì không còn con đường nào khác là phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, không ngừng vươn lên cả về tư cách, phẩm chất, lối sống lẫn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Xin cảm ơn ông!
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQG Hà Nội) |
Chi Mai thực hiện