- Theo đề xuất của nhà giáo Hương Giang, đã đến lúc cần nhìn nhận thật kĩ thực chất của việc thi giáo viên dạy giỏi thế nào cho chất lượng và hiệu quả. Tránh gây áp lực cho giáo viên và sự mỏi mệt, gian dối của học sinh.

Hàng năm các trường tiểu học, THCS đều tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Giáo viên đạt loại xuất sắc, hai năm sau được tham dự hội thi cấp thị và giáo viên đạt 2 lần giỏi cấp thị, sẽ được tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Sau một chu kì trường, thị, tỉnh lại bắt đầu xoay vòng lại từ đầu. Vì thế có nhiều chuyện “ngược đời” đã xảy ra.

 {keywords}
Ảnh minh họa

Có giáo viên gần chục năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, hết chu kỳ bảo lưu, phải dạy lại từ đầu từ cấp trường và giám khảo của cô lại là cô bé học trò, cô từng hướng dẫn tập sự vài năm trước.

Thi ở cấp trường: 100% giáo viên đậu

Trong các trường tiểu học, gần như tất cả giáo viên đều tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và tỉ lệ đậu gần 100%. Họ cũng phải trải qua 3 vòng thi: Sáng kiến, năng lực và 2 tiết dạy. SKKN đã có trên google, ai ưng đề tài nào chỉ việc gõ vào, vài phút là có cả một rừng đề tài với đủ các môn ở các khối lớp.

Người lười thì “Sao y bản chính”, người làm siêng một chút, tải xuống dăm cái cùng đề tài, rồi “râu ông nọ cắm cằm bà kia” tút tát sơ sơ là trở thành sáng kiến khoa học của mình hẳn hoi. Vòng 1 trải qua không ai rớt.

Vòng 2 là một số câu hỏi trong các Thông tư, văn bản hay nghị định nào đó...giám khảo cố tình làm lơ, các thí sinh - giáo viên cứ ngang nhiên mở tài liệu ra chép thoải mái. Khi công bố điểm toàn 9 với 10, người người cười hả hê, ai có chút sĩ diện thì lấy làm ngậm ngùi và không bao giờ nhắc đến kết quả.

Vòng 3 là “trình diễn” 2 tiết dạy, một tiết bốc thăm bài và khối lớp, một tiết tự chọn môn, bài và lớp.

Giáo viên được chuẩn bị trong vòng một tuần. Gần đến ngày dạy, họ xin giáo viên lớp mình sẽ dạy vài tiết để vào lớp hướng dẫn, tập dượt trước cho các em. Có khi học sinh được “gà” bài đến thuộc lòng. Nhiều cô thầy muốn tạo ra một số tình huống có vấn đề để các em nói và giáo viên xử lý nên đã tập cho học sinh nói những điều mà các em không nghĩ thế, đôi khi còn bày biểu cho cách nói dối nữa. Có em hồn nhiên hỏi: “Cô ơi vì sao phải nói thế ạ?” - giáo viên lúng túng không biết trả lời ra sao.

Chỉ tội cho những học sinh giỏi luôn bị cô thầy “xoay” như chong chóng. Những học sinh còn yếu nhiều khi không được vào học tiết dự giờ mà được gửi qua lớp bên cạnh vì giáo viên sợ lại bể tiết dạy của họ.

  {keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nhiều giáo viên đồng tình với đề xuất bỏ thi giáo viên dạy giỏi...

Vì chuẩn bị và “gà” bài kĩ quá, nhiều cô thầy đã gặp sự cố khi dạy vì chưa nêu hết câu hỏi, các em đã trả lời vanh vách. Có em còn nói: Hôm qua cô bảo thế mà...

Thi cấp thị và tỉnh

Ở 2 cấp này, sự chuẩn bị lại căng thẳng và ráo riết hơn.

Ngoài 2 vòng thi SKKN và thi năng lực có phần nghiêm túc hơn nhưng thi 2 tiết dạy lại nhiêu khê hơn nhiều.

Để bài giảng đạt kết quả tốt, toàn giáo viên cốt cán trong trường góp ý xây dựng thiết kế. Giáo viên đi thi dạy thử - nghe góp ý, rồi lại dạy - lại nghe góp ý đến vài tiết ở các lớp khác nhau như thế. Sau đó, mới “đem chuông đi đánh sứ người”.

Thầy cô và học sinh đều mệt mỏi

Những giáo viên đi thi vừa lo chuẩn bị bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học lại lo dạy thử, sửa bài...bỏ bê lớp chủ nhiệm là chuyện thường. Không chỉ nề nếp đi xuống mà việc học hành của các em cũng bị sao nhãng.

Học sinh một số lớp được cô mượn dạy thử cũng mệt nhoài vì phải chuẩn bị bài theo ý cô. Chưa kể còn bị cắt giảm một số môn học khác, chỉ để phục vụ cho một tiết dạy để đi thi.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thật kĩ thực chất của việc thi giáo viên dạy giỏi thế nào cho chất lượng và hiệu quả. Tránh gây áp lực cho giáo viên và sự mỏi mệt, gian dối của học sinh.

Bạn có cùng quan điểm với nhà giáo Hương Giang? Hoặc ý kiến khác xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!
Hương Giang