Trong một phát biểu về vấn đề NCKH tại các trường ĐH, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chỉ ra: Vướng mắc lớn nhất trong hệ thống khoa học của chúng ta nằm ở sự thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu và sản xuất kinh doanh.

  {keywords}
 

Cộng sinh với doanh nghiệp

“Minh hoạ” cho nhận định của ông quân là thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN): Mỗi năm, các tổ chức nghiên cứu trong nước thực hiện khoảng 2.000 nhiệm vụ KH&CN, trong đó, khối các trường ĐH đóng góp khoảng 16.000 - 20.000 kết quả. Tuy nhiên, chỉ chưa tới 10% kết quả nghiên cứu nói trên (khoảng 2.000) được ứng dụng vào khu vực doanh nghiệp sản xuất hoặc là kết quả có tiềm năng ứng dụng thực tế; số còn lại không phải là nghiên cứu ứng dụng hoặc là nghiên cứu chưa gắn với thực tế và nhu cầu sản xuất trong nước.

Tháng 10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển tiềm lực và hoạt động KH&CN sẽ được khuyến khích bằng lợi ích kinh tế. Với quy định này, các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ khắc phục được điểm yếu trong mối quan hệ giữa trường ĐH và doanh nghiệp.

Nói về mối quan hệ trường đại học – doanh nghiệp, ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng các trường đại học muốn đi xa, động lực tự thân là nghiên cứu và ISI, SCI hay SCIE chỉ là một trong những con đường như vậy. “Thế giới đã đổi từ R&D (research and development) là nghiên cứu và phát triển sang R&D&C có nghĩa là thêm C (commercialisation) để nhấn mạnh thêm nữa tính thực tiễn và thương mại hóa của các ứng dụng nghiên cứu. Tôi không phủ nhận sự cần thiết của các nghiên cứu cơ bản nhưng rõ ràng Việt Nam cần những nghiên cứu phát triển hơn nhiều so với mức hiện có”.

Ông Minh cho rằng các nghiên cứu này đang dần hình thành và phát triển ở các doanh nghiệp của Việt Nam. Và chính những đặt hàng này mới tạo động lực phát triển và cần khuyến khích hơn là các bài báo khoa học đơn thuần dễ dẫn dụ bằng cách nghiên cứu dựa theo.

GS Tiến sĩ Dương Nguyên Vũ, Viện John von Neumann - ĐHQG TP.HCM, đưa ra một con số: Theo những số liệu được công bố, tỷ lệ kinh phí đầu tư ở Nhật Bản trong những năm gần đây cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển (R&D) là 14%, 23% và 63%, trong đó các doanh nghiệp đóng góp và thực hiện khoảng 74% phần nghiên cứu phát triển.

“Tuy không có số liệu, có thể thấy là các tập đoàn nhà nước và công ty của ta hầu như chưa có nghiên cứu phát triển và những đổi mới cần thiết để cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu hóa sau khi Việt Nam gia  nhập WTO. Chúng ta cũng chưa có những cách hiệu quả để gắn kết các nghiên cứu ở đại học với sản xuất” – ông Vũ nhận định.

Ông Vũ cũng đưa ra mô hình tam giác tri thức để diễn tả sự tương tác giữa các chức năng nghiên cứu, đào tạo và hợp tác cách tân hoặc kinh doanh với doanh nghiệp. “Quyền tự chủ phải đi cùng trách nhiệm giữ vững sự quân bình của các bên của tam giác tri thức này và trách nhiệm liên đới của các cơ quan chủ quản nếu thế quân bình không được giữ vững”.

Ngăn chặn sự biến dạng

Bên cạnh việc huy động doanh nghiệp đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học trong trường đại học, là xu thế hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ từ các viện nghiên cứu khoa học.

Theo ông Nguyễn Tất Cảnh, phó giám đốc HV Nông nghiệp VN, cần có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và những chính sách ưu đãi mạnh hơn đối với các doanh nghiệp KHCN. Ông Cảnh nhận định việc chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN nhiều khả năng sẽ làm thay đổi tính chất hoạt động của các viện nghiên cứu nói trên theo xu hướng thiên về vị lợi nhuận, trong khi một tổ chức KH&CN công lập thông thường vẫn gánh vác những nghĩa vụ mang tính công ích, vị học thuật, ví dụ như tham gia đào tạo và làm nghiên cứu cơ bản.

Còn với TS Dương Nguyên Vũ, nếu sự tự quản về tài chính được đặt nặng, việc kinh doanh sản phẩm từ các nghiên cứu khoa học là trọng tâm của các đơn vị nghiên cứu thay vì chất lượng nghiên cứu và đào tạo sau đại học. Lúc đó, đơn vị nghiên cứu sẽ biến thành công ty với các lo toan kinh doanh thuần túy. Hoặc nếu tự quản về tài chính được đi kèm theo tự trị về đào tạo và nguồn thu từ đào tạo được sử dụng như nguồn thu cho sự nghiệp của một viện nghiên cứu thì dần dần viện/ trường sẽ trở thành trung tâm đào tạo thuần túy.

"Việc cân bằng của các bên trong tam giác tri thức đòi hỏi phải có một chiến lược và tầm nhìn đồng thời một tập thể lãnh đạo mạng dạn, đủ tầm vóc để đối phó với sự không thành công nhất thời trong quá trình triển khai chiến lược hoạt động", GS. TS Dương Nguyên Vũ nhấn mạnh.

Ngân Anh