PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) trao đổi với VietNamNet về những điểm mới trong điều lệ trường ĐH. Ông giải thích thêm về điểm mới quan trọng quy định trường ĐH hoạt động phi lợi nhuận.
Một quy định chung cho công lập - tư thục
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: Ngày 10/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 70 ban hành Điều lệ trường đại học.
Điều lệ trường ĐH này thay thế cho điều lệ trường ĐH trước đây ban hành theo quyết định số 58, thay thế cho quy chế tổ chức hoạt động của trường ngoài công lập.
Nói cách khác, lần này ghép tất cả vào một điều lệ trường ĐH, bao gồm cả trường công lập, tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi Quốc hội phê chuẩn thông qua Luật Giáo dục ĐH năm 2012 thì Chính phủ ban hành Nghị định 141 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật GD ĐH. Và tiếp theo đó là văn bản có tính pháp lý quan trọng là điều lệ. Ở đây có 2 điều lệ: một cho các trường ĐH và một cho các trường CĐ. Theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ ban hành điều lệ trường ĐH, còn Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường CĐ.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ trường ĐH thì thời gian tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ ban hành điều lệ các trường CĐ.
Điều lệ trường ĐH mới này ra đời để thực Luật Giáo dục ĐH mới chứ không phải lần đầu tiên ban hành điều lệ trường ĐH.
Ông Bùi Anh Tuấn. Ảnh: Văn Chung |
Cụ thể hơn về trường ĐH hoạt động phi lợi nhuận
- Trong điều lệ trường ĐH vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có một điểm mới quan trọng về hoạt động của trường đại học không vì lợi nhuận. Ông có thể nói rõ thêm về điểm mới này?
Quy định trường lợi nhuận và phi lợi nhuận thì nó mới được đưa vào Luật Giáo dục ĐH năm 2012 – mới có khái niệm đó. Trước chúng ta chưa có khái niệm trường lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Chính thức đưa vào luật từ năm 2012 có thế nào là trường tư thục hoạt động phi lợi nhuận.
Đại hội cổ đông bất thường tại Trường ĐH Hoa Sen |
Trong điều lệ trường ĐH lần này cụ thể hóa hơn nữa về trường hoạt động phi lợi nhuận. Điều lệ xác định cơ cấu tổ chức của HĐQT khác mô hình trường hoạt động vì lợi nhuận. Đây là điểm mới quan trọng.
Lần đầu tiên có quy định hoạt động của HĐQT trong mô hình trường hoạt động không vì lợi nhuận chỉ có 20% đại diện góp vốn – còn lại 80% từ các nguồn khác.
Một điểm mới khá quan trọng trong điều lệ lần này là xác định rất rõ các chủ thể trong nhà trường như thế nào, đặc biệt làm rõ vai trò chức năng của Hội đồng khoa học đào tạo. Những vấn đề liên quan đến chuyên môn của nhà trường phải có ý kiến của Hội đồng khoa học và đào tạo.
Những quy định cho loại hình trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận tới đây như thế nào, thưa ông?
-Hiện nay ở mình còn có một loại hình trường là dân lập, nhưng trong Luật không quy định. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn việc chuyển đổi trường dân lập sang trường tư thục.
Và trong hoạt động theo hướng phi lợi nhuận thì ai là người quyết định. Theo quy định tại điều lệ mới này thì những vấn đề lớn, những vấn đề trọng đại của trường tư thục nó sẽ được quyết định bởi các cổ đông và phải chiếm giữ 75% trở lên.
Khi khảo sát thực tế để làm cơ sở xây dựng điều lệ trường ĐH, đã có trường nào đề xuất chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận chưa, thưa ông?
-Hiện nay chưa thể nói được trường nào hoạt động có lợi nhuận và trường nào hoạt động phi lợi nhuận. Bởi thực chất muốn xác định có hoạt động phi lợi nhuận hay không thì phải được kiểm toán, phải được xem xét kết quả hoạt động như thế nào, phân phối lợi tức ra làm sao. Có dành lợi tức để tái đầu tư phát triển nhà trường không…
Nhưng quan trọng ở chỗ, muốn chuyển từ trường tư thục bình thường sang trường phi lợi nhuận thì nó quyết định bởi chế tài này – trong đó phải nhận được đồng thuận chuyển đổi. Chứ trong thực tế có những trường hoạt động phi lợi nhuận nhưng các cổ tức không đồng ý dẫn đến kiện cáo.
Theo quy định tại điều lệ lần này nến 75% trở lên cổ tức đồng ý thì chuyển sang loại hình trường phi lợi nhuận. Vì khi chuyển đổi nó sẽ liên quan đến lợi ích của các nhà đầu tư.
Với những mô hình nhận được sự đồng thuận chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận thì hoạt động có gì khác biệt so với mô hình trường vì lợi nhuận?
-Sẽ có khác biệt.
Thứ nhất về mặt chính sách của nhà nước thì đã có quy định cụ thể trong Nghị định 141 – nhà nước khuyến khíc h và có hỗ trợ cho các trường hoạt động phi lợi nhuận.
Thứ hai khi chuyển sang phi lợi nhuận thì trách nhiệm tự chủ của từng bộ phận đơn vị, cá nhân trong nhà trường sẽ khác. Còn hoạt động giảng dạy, nghiên cứu thì không khác so với các mô hình khác.
Thứ ba có những chế tài giúp cho việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục và tư thục sang tư thục không vì lợi nhuận.
Điều lệ ra đời giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Khi chuyển sang hoạt động phi lợi nhuận thì sẽ có những cổ đông đang hưởng cổ tức từ 20% xuống hưởng chỉ bằng trái phiếu chính phủ thôi. Vấn đề chuyển đổi do các trường tự nguyện, chứ nhà nước không ép – mà chỉ khuyến khích.
-Cảm ơn ông!
- Kiều Oanh - Văn Chung (thực hiện)