- 75% học sinh thiếu hiểu biết về ngành học, nhiều trường học lấy giờ chào cờ để tận dụng làm tiết hướng nghiệp. Đây là những thông tin đưa ra từ hội thảo về công tác hướng nghiệp tại TP.HCM tổ chức ngày 21/12.  


  {keywords}

Mỗi năm TP.HCM có 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS và 65.000 học sinh tốt nghiệp THPT

Ông Lương Quốc Khanh, chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết thực trạng của HS TP.HCM: Chỉ 20% học sinh có hiểu biết đầy đủ, 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 75% học sinh thiếu hiểu biết về ngành chọn học. 

Nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân của việc này là do nhiều đơn vị, trường học tổ chức tham gia làm công tác hướng nghiệp nhưng mục đích là công tác tuyển sinh trong khi công tác hướng nghiệp tại trường gặp khó.

"Suốt 4 tháng nay, trường chúng tôi đăng thông báo tuyển dụng giáo viên làm công tác hướng nghiệp nhưng đến giờ vẫn không tuyển được người đạt yêu cầu- cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7 cho biết.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt bày tỏ ông ngồi nghe một tiết giáo dục hướng nghiệp của giáo viên nhưng cảm thấy “sợ” vì sự hướng dẫn của giáo viên.

“Các trường chúng tôi không có giáo trình, giáo viên không được đào tạo bài bản; không có tiết chính thức dành cho hướng nghiệp khiến nhiều trường phải lấy giờ chào cờ để tận dụng làm tiết hướng nghiệp”

Theo dự báo nhu cầu nhân lực tại TP.HCM giai đoạn từ 2015-2020 đến 2015 do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM mỗi năm có khoảng 260.000 -270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, trình độ trung cấp chiếm 35%; sơ cấp nghề và công nhân kĩ thuật 20%; cao đẳng 15%; đại học 13%; trên đại học 2%.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành Kỹ thuật công nghiệp chiếm 35%; Nhóm kinh tế - tài chính- ngân hàng- pháp luật – hành chính chiếm 33%; Khoa học tự nhiên 7%; các nhóm ngành khác từ 3-5%...

Giai đoạn 2015-2020 đến 2025 thành phố tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử- công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất- nhựa cao su) và 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính-ngân hàng- bảo hiểm; giáo dục-đào tạo, du lịch, y tế, kinh doanh, dịch vụ tư vấn, dịch vụ bưu chính viễn thông....) ngoài ra còn tập trung vào một số ngành khác.

  • Lê Huyền