- Lãnh đạo một số trường ĐH nhận định bài thi chấm theo thang điểm 20 sẽ có lợi cho thí sinh. Một số đề xuất bổ sung trong khâu xét tuyển nguyện vọng được các ĐH góp ý cụ thể.
Bổ sung quy định xét tuyển nguyện vọng
Theo dự kiến, mỗi thí sinh sẽ có tối đa 16 nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015.
Cụ thể, mỗi TS được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (có mã vạch nhận dạng) và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi để đăng ký xét tuyển, tối đa 4 đợt. Mỗi đợt có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng của một trường. Như vậy, cơ hội trúng tuyển của thí sinh tăng lên.
Cũng theo dự thảo, trong thời hạn xét tuyển cho từng đợt, TS được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng.
Điểm mới này được lãnh đạo một số trường ĐH nhìn nhận: lợi thí sinh, trường vất vả.
Ông Trương Tiến Tùng |
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long nói, việc tổ chức ở các cụm thi do ĐH chủ trì đã giải tỏa được băn khoăn trước đây về tính nghiêm túc.
Ông Phú băn khoăn, với số nguyện vọng tối đa là 16, Bộ có giải pháp nào cho các trường "đỡ mỏi". Liệu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 thì có được đăng ký các NV tiếp theo?
Ông đề xuất Bộ chuyển dữ liệu để các trường tự xử lý các NV vào từng ngành của thí sinh.
Còn ông Trương Tiến Tùng, phó Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội nhìn nhận: Quy định mới sẽ giảm ảo cho các trường.
Nhưng vấn đề cần xem xét là việc định hướng nghề nghiệp cho thí sinh chưa đúng. Ông Tùng cho rằng, công tác hướng nghiệp hiện mới chỉ 'hướng trường" chứ chưa "hướng nghề". Bộ cần sớm có định hướng để thí sinh nắm được trường nào là ĐH nghiên cứu, trường ĐH nào là ĐH ứng dụng và ĐH thực hành (định hướng nghề nghiệp). Có sự tách bạch này công tác chọn ngành/trường của thí sinh sẽ không chạy theo xu hướng đám đông...
Chấm thi thang điểm 20 sẽ "lỏng tay" hơn?
Điểm mới "áp dụng thang điểm 20" cho tất cả các bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia nhận được quan tâm của những chuyên gia làm đề thi, các ĐH và đặc biệt là thí sinh.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thang điểm 20 sẽ chi tiết hóa đáp án, có lợi cho thí sinh hơn."Với thang điểm này, người ra đề và người làm đáp án sẽ vất vả hơn, nhưng người chấm theo barem cũng chính xác hơn. Việc mở rộng thang điểm cũng thuận lợi cho các trường khi xét tuyển sinh" - ông Minh nói.
Cụ thể, bài thi chấm theo thang điểm 10 - một câu theo barem điểm được 0,5 điểm thì người chấm có thể cho điểm 0 hoặc 0,5. Nhưng chấm theo thang điểm 20 thì bài thi của thí sinh sẽ được chấm chi tiết hơn đến 0,25 điểm....
“Thay đổi thang điểm 20 và đáp án chi tiết tới 0,25 điểm là một cách làm trước hết vì quyền lợi người học” - ông Trương Tiến Tùng khẳng định. Thay đổi này khiến cho bước chấm thi tăng lên gấp đôi so với trước kia. Cụ thể, trước kia đáp án chi tiết là 0,25 nhưng thang điểm 10, nay thang điểm tăng lên gấp đôi nhưng mức điểm thấp nhất vẫn giữ nguyên.
Đồng quan điểm, ông Phan Huy Phú cho rằng, thang điểm mở rộng ra 20 sẽ càng chi tiết hóa nội dung. Thí sinh dễ "ăn" điểm từng chi tiết nhỏ sẽ càng có lợi hơn khung điểm 10. Nếu như trước đây, với khung điểm 0,25 và thang điểm 10 chỉ cần 40 ý là kịch trần thì nay cần tới 80 ý mới đạt thang điểm 20. Thí sinh mất điểm ở ý này vẫn có thể dễ dàng đạt điểm ở ý khác trong cùng một câu.
ĐH sẽ vất hơn
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được Bộ GD-ĐT giao tổ chức cụm thi cho khoảng 35.000 thí sinh, nên ngay từ bây giờ nhà trường phải bắt tay vào chuẩn bị. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, dù tháng 7 mới tổ chức thi nhưng thời điểm này, trường đã liên hệ địa điểm thi.
Những năm trước, trường chỉ tổ chức cho khoảng 15.000-16.000 thí sinh ĐH.
"Tuy nhiên, với kinh nghiệm tham gia làm đề thi ĐH nhiều năm nên công tác này không còn bỡ ngỡ" - ông Minh nhìn nhận. Hơn nữa, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia đã được chuẩn bị nên tập thể cán bộ, giảng viên...nhà trường sẽ cố gắng làm hết sức để tạo cơ hội tối đa, tốt nhất cho thí sinh.
Còn ông Phú xác định, việc tổ chức thi theo phương án nào thì việc thí sinh "ảo" vẫn xảy ra. Với phương án thi THPT quốc gia tổ chức năm tới thì nhà trường nhìn thấy áp lực về mặt xét tuyển. Tuy nhiên, nhà trường đã sẵn sàng cho kỳ thi "2 trong 1" đảm bảo tốt đa các điều kiện để đem đến thuận lợi cho thí sinh.
- Kiều Oanh