- Nhiều rào cản cho việc dạy và học tiếng Anh cho sinh viên được đặt ra tại hội thảo triển
khai tiếng Anh tăng cường theo lộ trình của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, sáng
23/12 tại TP.HCM.
Năm 2012, Bộ GD-ĐT ban hành đề án Ngoại ngữ 2020 với mục tiêu đào tạo tăng cường ngoại ngữ cho 60% sinh viên vào năm 2015-2016 và đạt 100% vào năm 2017-2020.
|
Đại biểu tham dự hội thảo triển khai tiếng Anh tăng cường theo lộ trình của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 |
Riêng đối với cơ sở giáo dục ĐH không chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ sau tốt nghiệp. Tiến tới năm 2015 một số ngành hoặc một số môn học thuộc ngành ưu tiên như sư phạm, KHTN, CNTT... không chuyên ngữ được giảng dạy bằng tiếng Anh trong các trường ĐH, CĐ.
Dù đã triển khai được 3 năm, nhưng kết quả gặt hái tại một số trường ĐH hoàn toàn xa với mục tiêu được Bộ GD-ĐT đặt ra trước đó.
Cô Bùi Thị Diệu Quyên, Trường ĐH Tây Bắc cho biết, tiếng Anh là môn bắt buộc với toàn bộ sinh viên năm một của trường, nhưng trước thực trạng có tới 65% sinh viên thuộc người dân tộc thiểu số (khoảng 6.500 sinh viên) việc triển khai dạy ngoại ngữ vô cùng khó khăn.
“Năm 2013, trường chúng tôi thực hiện kế hoạch tổ chức thi khảo sát đầu vào môn tiếng Anh không chuyên ngữ.Trong tổng số 2.520 sinh viên tham gia khảo sát với các nội dung nghe, đọc,viết ở trình độ A2 thì kết quả cho thấy 99% sinh viên đạt trình độ A0”- cô Quyên thông tin.
Để thực hiện đề án 2020, trường thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường cho sinh viên không chuyên bằng cách chọn những em thi đầu vào đạt khung A1 trước đó nhưng kết quả bằng không.
“Khi bắt đầu tổ chức lớp thí điểm, các em rất hào hứng, đến lớp đều đặn nhưng dần dần các em đưa ra nhiều lý do để từ bỏ và kết quả chỉ còn một vài em đến học. Sau này trường phát hiện ra động cơ các em đi học để lấy chứng chỉ B1 chuẩn châu Âu, nhưng khi biết nhà trường không thi lấy chứng chỉ nên các em không học nữa” – cô Quyên nêu khó khăn.
Trong khi đó, đại diện khoa tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng bày tỏ khó khăn khi thực hiện mục tiêu đề án là trình độ sinh viên chênh lệch rất lớn khi có chưa đến 20% sinh viên đạt trình độ bậc 3, còn lại trình độ bậc 2 và bậc 1. Sinh viên có kĩ năng đọc hiểu, ngữ pháp tốt nhưng kĩ năng nghe hiểu, nói và đặc biệt viết rất kém.
“Trong thời lượng 376 giờ học (25 tín chỉ) chưa đủ cho việc nâng 2 bậc. Đối với sinh viên đầu vào bậc 1, bậc 2 việc nâng lên bậc 3 khi kết thúc tiếng Anh tăng cường trở thành thách thức” – vị đại diện đến từ ĐH Sư phạm nói.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tiến sĩ Huỳnh Công Minh Hùng cho hay, để chuẩn hóa đầu ra cho khóa 40 (năm học 2014-2015), hiệu trưởng ban hành quyết định sinh viên không chuyên ngữ, khi tốt nghiệp, phải đạt trình độ 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tức là phải đạt trình độ trung cấp ngoại ngữ).
Thế nhưng khi kiểm tra đầu vào tiếng Anh cho 2.113 sinh viên (kĩ năng nghe, đọc, kiến thức từ vựng, ngữ pháp) chỉ có 80/2113 (3,78%) em đạt trình độ B1 (tương đương bậc 3 khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam);
Còn lại: 342/2.113 (16,18%) em đạt trình độ bậc 2 và 457/2113 (21,62%) em đạt trình độ bậc 1. Dưới trình độ bậc 1 là 1.246/2.113 (chiếm 58,97%).
Trong khi đó nếu xét theo ngành, nhiều ngành như Văn học, Việt Nam học, Hóa học, Sư phạm văn, Sư phạm sử, Sư phạm địa... không có hoặc chỉ có 1 em đạt trình độ bậc 3. Ngành dẫn đầu có SV đạt bậc 3 nhiều nhất (11 em) như SV ngành Quốc tế, Toán học, Tâm lý... Một nhóm đối tượng chỉ đạt bậc 1 và dưới 1 như Mầm non 218/226 em (96,4%).
Trước những rào cản đặt ra, số đông các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT, đề án Ngoại ngữ 2020 cần ban hành chương trình tiếng Anh tăng cường để các trường triển khai hoặc tham khảo xây dựng chương trình đặc thù riêng của từng trường. Bên cạnh đó các trường nên tổ chức cho sinh viên thi lấy chứng chỉ đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu tạo đòn bẩy cho sinh viên theo học. Đồng thời, có chế độ ưu đã với giáo viên đứng lớp..
- Lê Huyền