- Tại bảo tàng về cố GS Nguyễn Văn Huyên được con cháu thành lập trên chính quê hương của ông (làng Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội), người xem được chứng kiến những bức ảnh riêng tư của người từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất: 29 năm.
Bảo tàng trưng bày nhiều tư liệu quý giá của cố GS Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) - nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Rất nhiều trong số đó lần đầu tiên được gia đình đưa ra trước công chúng.
Đặc biệt, nhiều hình ảnh về người vợ "nổi tiếng xinh đẹp" và tài hoa của ông, cùng các con, là do chính cố giáo sư tự tay chụp.
Qua những hình ảnh và tư liệu riêng tư mà gia đình mới công bố, người xem có thể thấy rõ tình cảm thắm thiết của ông với phu nhân Vi Kim Ngọc và 4 người con.
Là con gái tổng đốc nhưng bà Vi Kim Ngọc theo “làn gió mới”, và nổi tiếng xinh đẹp.
"Cô Kim Ngọc và cô Kim Phú, hai ngôi sao sáng của phiên chợ Thái Bình không dự thi sắc đẹp" (trích từ một bài báo), Thái Bình 1936 “Cái làm tôi thích thú nhất là Ngọc đánh dương cầm hay, lại biết vẽ, tính tình ý nhị, nhẹ nhàng. Theo tôi, thật là một người lý tưởng… Tôi còn nhớ đã đọc được một quyển sách Pháp với một tấn học thức có khi chưa chắc đã mua được một gam thông minh”. (Cô giáo Nguyễn Thị Thịnh) |
Theo ông Nguyễn Văn Huy, con trai cố GS Nguyễn Văn Huyên, "Mẹ kể rằng ông bà ngoại muốn bà trở thành người con gái toàn bích “cầm kỳ thi họa”, nên khi còn ở Hưng Yên, hàng tuần mẹ được ông cho ô tô đưa về Hà Nội học piano, học vẽ. Sau khi bà ngoại mất, mẹ là người quán xuyến gia đình họ Vi, mặc dù lúc đó mẹ đã đi lấy chồng. Hôn nhân của bố mẹ ghi dấu một sự chuyển đổi quan trọng của xã hội, từ quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” sang “tự do yêu đương”.
Ảnh cưới 1936 "Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh quyết chọn được người tài đức mới dám trao gửi thân…Thế là em đã được toại nguyện" - Hồi ức của bà Vi Kim Ngọc, năm 1975. |
Ông bà có với nhau 4 người con: Nguyễn Kim Nữ Hạnh (1937-2010) (hay Nguyễn Kim Hạnh) nguyên kỹ sư thông tin của Tổng cục Đường sắt, tác giả cuốn hồi ký "Tiếp bước chân cha"; Nguyễn Kim Bích Hà (hay Nguyễn Bích Hà), Phó giáo sư, Tiến sĩ hóa học, Hiệu trưởng Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội); Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Nguyễn Văn Huy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên giám đốc bảo tàng dân tộc Việt Nam.
Những bức ảnh dưới đây do chính cố GS Nguyễn Văn Huyên chụp cho vợ con.
Ảnh chụp khi bà Vi Kim Ngọc vừa sinh con đầu Nữ Hạnh, năm 1937. |
Bà Vi Kim Ngọc đã viết những dòng này trong nhật ký: “Khi mẹ có thai lần đầu, cha mẹ vừa mừng vừa lo. Cha chăm sóc mẹ từng ly từng tý. Mẹ ốm nghén liền 4 tháng, gầy sút từ 48kg - 49kg xuống còn 41kg. Bà ngoại của các con thương xót mẹ quá".
Bà Vi Kim Ngọc và Nữ Hạnh, 20 Trần Bình Trọng, 1938 “Mẹ nhắc tôi nhớ đến tên mình có chữ đầu của tên cha và mẹ: N-H (Nữ Hạnh). Sau này tôi nhìn thấy cha mẹ có bộ cốc bằng bạc có khắc chữ N-H rất đẹp. Tôi cảm nhận được mối tình đằm thắm của cha mẹ nên càng cố gắng góp phần giữ gìn hạnh phúc” (Nguyễn Kim Nữ Hạnh) |
“Bích Hà sinh ra lúc đó đang Chiến tranh thế giới thứ hai. Mọi việc có nhiều thay đổi. Con đã biết thiếu thốn rồi, chị Hạnh và cha con lại bị thương hàn. Ôi, ba tháng trời lo âu, vất vả của mẹ, con lại đau bụng, ho gà, người chỉ còn da bọc xương. Bao bác sĩ Tây, Ta giỏi đều chữa mà vô hiệu. Sâu đành mời ông lang chữa cho một tháng thì bệnh lui. Mẹ cha mới đỡ lo” (Trích Nhật ký của bà Vi Kim Ngọc). |
Có thể nhận ra niềm hạnh phúc tràn ngập trên gương mặt người mẹ trẻ. |
Vợ và các con qua góc nhìn của người chồng - người cha. |
Nữ Hạnh (ngoài cùng bên phải), Bích Hà (đứng), Nữ Hiếu và Văn Huy. Ảnh chụp tại Đông phương Bác cổ Viện, năm 1946 |
GS Nguyễn Văn Huyên còn là một người cha vô cùng thấu hiểu và chia sẻ với con cái. “Năm nay là năm học đầu tiên của một ngành lớn. Nên tất con gặp nhiều khó khăn (…) Chắc con sẽ cố gắng. Cậu còn nhớ khi cậu bằng tuổi con thì cậu có một sự thay đổi rất lớn trong học tập. Cậu hiểu biết nhiều hơn, tin ở mình, tin nhất là ở chỗ chỉ có bản thân mới giải quyết được thật sự vấn đề của mình. Mà muốn giải quyết được thì phải quyết tâm (…) Và nhờ sự tự luyện đó, cậu kiên trì, nhẫn nại, tin tưởng sâu sắc nên sau này gặp biết bao trở ngại, cậu cứ bám chặt mà cố sửa mình để tiến lên góp phần tích cực vào cách mạng được…” (Thư gửi Nữ Hạnh đang học ở Bắc Kinh 1958 – 1959).
Nhân chuyến công tác đến Trung Quốc, GS Nguyễn Văn Huyên đến thăm Nữ Hạnh đang học ở Băc Kinh (1962 - 1963) |
Với cô con gái thứ hai Bích Hà, khi con đi học xa nhà, GS Nguyễn Văn Huyên cùng bày tỏ những thương nhớ, lo lắng của một người cha: “Hiện con dọn ra ngoài, không ở MGU nữa, như vậy có khó khăn không (…) Năm nay con đã vào năm thứ hai đại học rồi. Cố gắng học, sửa những cái bỡ ngỡ năm ngoái mà tiến (…). Hôm nay cậu nói chuyện cho đài Ra-đi-ô Mát-xcơ-va, nói với sinh viên Liên Xô, nên nhớ các con đi học nước ngoài. Con cố gắng cho thật xứng đáng” (Thư gửi Bích Hà).
GS Nguyễn Văn Huyên và Bích Hà, năm 1957 |
Cả nhà chụp ảnh kỷ niệm cùng anh Nguyễn Huy Phan - sinh viên y khoa, con nuôi của ông Huyên, bà Ngọc. Ảnh chụp tại Thanh Thúy, Phú Thọ, năm 1947. |
Trong thư của bà Kim Ngọc gửi cháu ngoại Kim Hiền, bà đã truyền cho cháu kinh nghiệm để gây dựng nên một gia đình, như bà đã có: “Với gia đình ta, bà đã xây đắp những viên gạch nhỏ đầu tiên. Cứ thế cần cù, kiên trì, tin tưởng, phấn khởi, bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ ấm hạnh phúc…”.
- Ngân Anh - Ảnh từ tư liệu của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên