Dự thảo mới nhất của quy chế kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cùng những giải đáp của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong một cuộc giao lưu trực tuyến, dường như vẫn chưa giải toả được hết những băn khoăn mà “người ngoài ngành” nhìn thấy tường tận.

TS Lương Hoài Nam đã trao đổi với Vietnamnet về hai nội dung vẫn rất được quan tâm: Tổ chức cụm thi và phương thức đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

{keywords}
Sau giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Cần gì một tấm bằng hình thức?

Có một lượng thí sinh không nhỏ - theo thống kê của Bộ GD-ĐT những năm trước là khoảng 20% - không có nhu cầu thi ĐH, CĐ, nói cách khác là các em đã sớm “đầu hàng”. Vậy thì, trên quan điểm của ông, việc di chuyển toàn bộ thí sinh về cụm thi liên tỉnh có thật sự cần thiết không? Nếu không, liệu có một giải pháp nào khác phù hợp hơn?

- 20% của 1,0 triệu học sinh là 200 nghìn em, một con số vô cùng lớn để có một giải pháp phù hợp các em đó và gia đình họ. Nếu một học sinh không có nhu cầu thi vào ĐH, CĐ, nghĩa là em đó đã xác định sẽ lao động ở gia đình, hoặc làm các công việc lao động giản đơn ở địa phương khác, hoặc làm công nhân nhà máy, công trường, hoặc đi học trung cấp nghề.

Đối với số em đó, tôi nghĩ các em cũng không cần phải thi để có bằng tốt nghiệp phổ thông nữa. Chỉ cần cấp giấy chứng nhận là các em đã kết thúc chương trình học phổ thông và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội xác nhận giấy chứng nhận đó có thể sử dụng để đi làm công nhân hoặc vào học các trường trung cấp nghề.

Vì lâu nay để đi làm công nhân và học trung cấp cần có bằng tốt nghiệp phổ thông nên các em đó mới muốn thi tốt nghiệp để lấy bằng, chứ bây giờ mà bỏ điều kiện phải có bằng tốt nghiệp đi thì các em sẽ không có nhu cầu thi tốt nghiệp nữa.

Sau này, nếu một số em lại muốn thi vào ĐH, CĐ thì các em đó vẫn có quyền đăng ký thi như mọi học sinh đã kết thúc phổ thông trung học.

Nếu Bộ GD-ĐT vẫn muốn tất cả học sinh phải thi tốt nghiệp thì có thể xem xét cho số học sinh không có nhu cầu thi vào ĐH, CĐ được thi ngay ở trường.

Rắc rối của phương án này là, hoặc phải dùng hai bộ đề thi khác nhau cho cùng mục đích xét tốt nghiệp, hoặc dùng chung một bộ đề thi và thi cùng thời gian. Nhưng cách sau vẫn có rủi ro lộ đề ảnh hưởng đến kết quả thi ở các cụm thi vào ĐH, CĐ. Dùng hai bộ đề khác nhau thì lại có sự thiếu công bằng trong kết quả thi tốt nghiệp.

Cá nhân tôi thiên về giải pháp cấp giấy chứng nhận (không phải bằng tốt nghiệp) cho số học sinh này.

Đã thi thì thi thật chặt chẽ, nghiêm túc. Đồng thời, đối với những học sinh chọn các công việc lao động giản đơn thì hãy làm thật đơn giản, dễ dàng cho số học sinh này, đừng vì cái bằng tốt nghiệp hình thức mà sinh rắc rối, tốn kém cho gia đình các em và cho cả xã hội.

Trước đây, Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức các cụm thi tại địa phương, với nhiều lý do trấn an dư luận khi có ý kiến băn khoăn về tính nghiêm túc. Nhưng lần công bố mới này, Bộ đã quyết định để các trường đại học đảm nhiệm tổ chức tất cả các cụm thi. Ông có cho rằng Bộ vẫn đang khá lúng túng, không hoàn toàn tự tin vào các phương án tổ chức thi mình đưa ra?

- Tôi nghĩ rằng việc tổ chức các cụm thi chỉ nên là giải pháp quá độ cho một vài năm. Cần nhanh chóng chuẩn bị cho việc tổ chức thi tại trường để tạo điều kiện thuận lợi cho trên dưới 1 triệu học sinh thi mỗi năm.

Nếu lắp camera ở mỗi phòng thi để ghi hình và truyền trực tuyến về các trung tâm giám sát thi của mỗi tỉnh, đồng thời tổ chức giám thị chéo giữa các huyện, xử lý thật nghiêm giám thị và học sinh vi phạm, thì tính nghiêm túc của kỳ thi vẫn đảm bảo, mà ít tốn kém.

Thí sinh phải được giữ quyền quyết định đến phút chót

Theo dự kiến, đến tháng 1/4/2015 sẽ kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu một số thí sinh thuộc “nhóm 20%” sau thời điểm đó lại khắc phục được những khó khăn riêng (điều kiện kinh tế, lý do cá nhân) và mong muốn học tiếp lên đại học, sẽ không còn cơ hội vào những trường có sử dụng kết quả thi quốc gia để xét tuyển.

Theo ông, thí sinh phải chấp nhận “luật chơi” này, hay nên tạo thêm cơ hội nào đó cho các em?

- Tôi không ủng hộ cách tiếp cận này. Nếu thi cùng một nơi, cùng một bộ đề, tất cả học sinh phải có cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ bình đẳng. Mỗi học sinh được giữ quyền quyết định cuối cùng của mình đến tận khi có kết quả thi.

Việc yêu cầu học sinh đăng ký thi vào ĐH, CĐ hay chỉ thi tốt nghiệp chỉ có ý nghĩa nếu có sự khác biệt về cách thi giữa hai đối tượng này (hoặc nếu đối tượng sau không cần thi như tôi kiến nghị).

Con số nguyện vọng tối đa mà thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ là 16, theo ông, sẽ phù hợp hơn ở khía cạnh nào: là con số theo tinh thần “tạo mọi điều kiện, cơ hội thuận lợi nhất cho thí sinh”, hay sẽ là con số gây rối loạn cho việc xét tuyển cho các trường?

- Nếu làm như các nước khác (các trường đăng ký điều kiện tuyển sinh trước ngày thi, còn học sinh đăng ký các nguyện vọng ngành và trường sau khi đã có kết quả thi) thì số lượng nguyện vọng mà một học sinh đạt điểm cao có thể đăng ký có thể lên hàng chục, chứ không chỉ 16. Ngược lại, những em đạt điểm thấp chỉ được phép đăng ký vài ba nguyện vọng, có em không được đăng ký nguyện vọng nào. Tính khoa học và công bằng của cách làm này gần như tuyệt đối.

Nếu việc tuyển sinh của các trường được hỗ trợ bởi một phần mềm tuyển sinh mạnh thì không nhất thiết phải giới hạn số lượng nguyện vọng của mỗi học sinh.

Xin cảm ơn ông.

Chi Mai thực hiện