"Mong trẻ em Việt Nam cũng như
trẻ em trên khắp trái đất này có được quyền sống, quyền cất tiếng khóc chào đời,
quyền được chào đón với cuộc đời, quyền được yêu thương..."
Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay
của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em
Việt Nam?". Tác giả: Võ Thị Trúc Ngân, 60B, hẻm Hoài Hương, Phù Đổng Thiên
Vương, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Nếu được thay đổi hoàn cảnh hiện
nay của trẻ em Việt Nam, em muốn gửi thông điệp yêu thương đến các bậc cha mẹ
như sau “Hãy cho trẻ em có quyền được khóc tiếng khóc chào đời và được sống
trong gia đình yêu thương”.
Có quá nhiều chuyện đau lòng về trẻ em không được cất tiếng khóc chào đời. Tình
trạng nạo phá thai đã phần nào vi phạm đạo đức và lương tâm của con người. Trẻ
em không được cất tiếng khóc chào đời, trẻ em bị phủ định đến với cuộc đời này.
Những bào thai đỏ hỏn được nạo hút và tạm biệt cuộc sống. Các em không có quyền
chọn cha mẹ cho các em, và nếu cha mẹ không thích, không chấp nhận sự tồn tại
của các em, thì các em bị cướp đi sự tồn tại để đến với trần gian này.
Cũng có trường hợp, cha mẹ đã chấp nhận sinh em ra. Sao cha mẹ lại không yêu
thương em? Cha mẹ đã là người góp phần tạo nên dáng vẻ, hình hài và đưa em đến
với cuộc đời này. Nhưng cha mẹ đã không yêu thương em. Có khi là vì em không
phải là con của người đàn ông mà mẹ em yêu thương, nên mẹ đã vứt em ngoài đường,
bỏ em vào thùng rác, có khi chú chó dại ven công viên hay tổ kiến lửa cắn lấy
chân em, kiến bò lên người em, kiến cắn lấy đôi mắt tinh khôi khi em đến với
cuộc đời này nguyên vẹn. Có khi mẹ để em trước cổng chùa và nhà chùa động lòng
từ bi cưu mang em trong cuộc đời này.
Có người còn tàn nhẫn hơn, chấp nhận bán đứa con ruột thịt do chính họ mang nặng
đẻ đau trong cuộc đời này. Chính vì sự ích kỷ của 2 con người góp phần tạo nên
hình hài của em, họ không phủ định sự chào đời của em, nhưng họ không bao giờ có
suy nghĩ sẽ mang đến hạnh phúc cho em.
Mẹ chấp nhận sinh em ra, chỉ vì khi phát hiện ra mẹ đã mang thai và bào thai
mang tên em đã nhiều tháng và không thể nào phá đi được. Mẹ chấp nhận sinh ra em
trong ánh mắt dòm ngó và soi mói của người đời. Mẹ chấp nhận bán em qua biên
giới hoặc bán cho những người mà mẹ chỉ gặp có một lần và vĩnh viễn từ ấy. Em
chưa bao giờ nhìn thấy được mẹ thêm một lần nào nữa trong cuộc đời đầy tủi khổ
của em. Mẹ không thương em, thì làm sao những con người xa lạ mua em hoặc xin em
làm con nuôi có thể thương em được phải không các cô các chú?
Nuôi một đứa trẻ không có quan hệ huyết thống nào, trừ khi người đó là một người
có tấm lòng nhân hậu và vị tha, thì em mới dám cầu mong có cuộc sống ấm êm, hạnh
phúc. Còn nếu em bị mua bán bởi những kẻ buôn người và xào ổ mại dâm, cuộc đời
em kể từ đó chỉ còn là bóng đêm và sự khổ đau cho đến hết cuộc đời.
Có khi ông bà nội ngoại rất thương em, cha mẹ cũng thương em. Nhưng cha vẫn là
kẻ nát rượu và ăn chơi, mẹ sống tù túng không nghề nghiệp. Mẹ sinh em ra trong
nghèo khó, mẹ vẫn muốn yêu thương và chăm sóc em cho đến khi em trưởng thành.
Nhưng sự bi quan cùng với bao áp lực về cuộc sống: sự nghèo túng, cha vô tâm,..
cộng với chứng bệnh mà các sản phụ thường gặp sau khi sinh. Đó chính là bệnh
trầm cảm sau khi sinh, mẹ đã làm tổn hại em, mẹ mang em ra bờ sông và để em tự
quẫy đạp và rơi tỏm xuống dòng sông lạnh giá.
Sông không lạnh nhưng lòng mẹ lạnh lùng quá. Em chết ngạt đi vì một phút nghĩ
quẩn của mẹ. Mẹ ơi! Con ở trên thiên đàn và sống với những bạn thiên thần nhí
khác. Chúng con rất vui, nhưng chúng con không hiểu tại sao mẹ lại nhẫn tâm đến
thế. Có bạn thiên thần nhí cũng cùng tuổi với con, bạn ấy tâm sự rằng “ mẹ của
bạn ấy đã nhẫn tâm vứt bạn ấy xuống giếng sâu và sau đó bạn ấy được các bà tiên
đưa lên trời và làm thiên thần như chính con của mẹ”.
Mẹ ơi! Nhân gian ta có câu “hổ dữ còn không ăn thịt con”. Con từ thiên đàn nhìn
xuống trần gian, con thấy loài hổ được mệnh danh là chúa tể muôn loài. Nhưng
loài hổ lại rất yêu thương con của chúng. Hổ mẹ cũng đau đớn khi hổ con chào
đời, nhưng hổ mẹ và hổ cha luôn thay phiên ủ ấm và tìm mồi cho hổ con, bảo vệ hổ
con khi có con vật khác tiến vào lãnh địa. Hổ mẹ và hổ cha chỉ rời xa hổ con khi
hổ con đủ sức khỏe, đủ trưởng thành mà thôi. Lẽ nào loài hổ còn có trái tim hơn
loài người chúng ta hả mẹ?
Tôi đã viết lên những điều mà những đứa trẻ chưa bao giờ được có quyền cất tiếng
khóc chào đời, cũng như những đứa trẻ chưa bao giờ được sống, được đến trường để
biết chữ và viết lên tâm sự của các em về những điều mà các em cũng là những con
người bé bỏng, và các em cũng mong được có quyền sống, quyền chào đời, quyền
được hưởng tình yêu thương của cha mẹ.
Tôi là một đứa trẻ may mắn hơn những đứa trẻ khác, vì tôi được sinh ra, được
sống trong tình yêu thương. Mẹ tôi từng tâm sự với tôi rằng: ngày trước còn một
chút nữa là mẹ đã đem tôi đi đổi với sản phụ khác trong cùng bệnh viện- nơi mẹ
đã sinh tôi ra. Mẹ tôi là dâu trong một gia đình chỉ có một người con trai độc
nhất, ở Việt Nam trong khoảng 20 năm trước vẫn còn rất nặng nề vể chuyện phân
biệt giới tính “con trai- con gái”. Có người sản phụ muốn đổi bé gái- là tôi,
đổi với đứa con trai của bà. Vì nhà đó có nhiều con trai và mẹ tôi thì có nhiều
con gái.
Lúc đó, mẹ tôi đã phân vân việc có đổi tôi với bé trai kia hay không? Cuối cùng
mẹ đã có một quyết định mà cả đời này tôi cảm thấy biết ơn sự chọn lựa của cha
mẹ tôi lúc đó. Cha mẹ đã bỏ qua những quan niệm của xã hội đương thời để chấp
nhận giữ lại tôi bên cuộc đời của cha mẹ. Và tôi đã được lớn lên trong một gia
đình đầy ấp tiếng cười, niềm vui và cả những toan tính nhọc nhằn mà cuộc sống đã
hằn lên đôi vai cha mẹ tôi- những người nông dân nghèo, chân chất. Tôi yêu cha
mẹ tôi và tôi chân thành cảm ơn cha mẹ đã công bằng với sự tồn tại của tôi, đã
yêu thương tôi và cho tôi đến với cuộc đời này đầy ấp những niềm vui.
Tôi viết những dòng tâm sự này vì tôi mong trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em trên
khắp trái đất này có được quyền sống, quyền cất tiếng khóc chào đời, quyền được
chào đón với cuộc đời, quyền được yêu thương, được đảm bảo về dinh dưỡng, được
đến trường và được trân trọng.
Mong sao thông điệp của tôi sẽ đến được với những người đã lớn, những người yêu
trẻ con, những người chuẩn bị được làm cha mẹ, những người đã được làm cha mẹ và
cả những người có tấm lòng nhân ái sẽ cùng nhau bảo vệ quyền trẻ em và nâng niu
cuộc sống của chúng em, để chúng em thật sự trở thành món quà mà tạo hóa đã ban
cho trần gian này.
Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?" |
Chủ đề: "Nếu em có quyền được
thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì
vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Điều kiện dự thi: Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi Bài dự thi gửi về: Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội Hoặc email: quyentreem@vietnamnet.vn Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011 Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích. Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet. Ngày trao thưởng: 1/6/2011. |