Có một cô bé đã 10 năm trời chưa có một giấc ngủ ngon. Cô bé sợ lưỡi hái tử thần của người cha say xỉn... Rất nhiều đêm, cô bé chạy ra khỏi nhà giữa đêm khuya mưa tầm tã, co ro dưới gốc cây nào đó, chờ "tử thần" yên giấc mới dám trở về nhà.

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh Trúc, học sinh lớp 10 C10 trường THPT Xuân Lộc, Đồng Nai.

Đã bao giờ bạn tự hỏi hạnh phúc là gì? Thứ tình cảm đó có phải là rất thiêng liêng, cao đẹp hay không khi có những người sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng, cuộc đời mình chỉ vì hạnh phúc trong chốc lát. Không biết với người lớn, hạnh phúc như thế nào nhưng với trẻ con, hạnh phúc đơn giản lắm. Hạnh phúc là mỗi sáng thức dậy được nghe giọng nói ấm áp của mẹ, tiếng cười quen thuộc của cha, không quên trao cho mẹ một nụ hôn trước khi đến lớp. Chỉ vậy thôi nhưng với những cô bé, cậu bé là nạn nhân đáng thương của bạo lực gia đình, hạnh phúc đối với các em dường như là một thứ gì đó rất xa xỉ và mong manh.

Trên gương mặt các em thiếu vắng tiếng cười trong sáng, tinh nghịch của tuổi thơ mà chỉ có vị mặn của những giọt nước mắt hàng ngày. Thứ mà các em nhận được từ cha mẹ chỉ là những trận đòn thừa sống thiếu chết. Những con người đã mang nặng đẻ đau ra những hình hài nhỏ bé này liệu còn có lương tâm? Phải chăng số phận đang đùa giỡn với những mảnh đời bất hạnh, các em sinh ra chỉ để chống chọi giữa sự sống và cái chết hay sao?

Những đứa trẻ kia khi trưởng thành có trở thành một người bình thường như bao người khác hay không khi tâm hồn luôn đè nặng một quá khứ "kinh hoàng". Những đứa trẻ đó rất dễ bị mất niềm tin và cuộc sống và việc tìm đến cái chết như một điều tự giải thoát là điều không thể tránh khỏi. Sẽ có rất nhiều người khi lớn lên, sống trong xã hội đầy rẫy những cạm bẫy, bon chen, tranh giành, đôi lúc ta muốn thời gian quay trở lại với tuổi thơ trong sáng vô tư. Nhưng có lẽ rằng với những nạn nhân đã từng trải qua bạo lực gia đình, việc sống sót để vượt qua tuổi thơ ấy quả là một kì tích.

Có một cô bé đã 10 năm trời chưa có một giấc ngủ ngon vì nỗi lo sợ cứ chực chờ. Cô bé sợ rằng lưỡi hái tử thần của người cha say xỉn sẽ cướp đi  mạng sống của em bất cứ lúc nào. Đã có một, hai và hình như rất nhiều đêm, cô bé chạy ra khỏi nhà giữa đêm khuya mưa tầm tã, co ro dưới gốc cây nào đó, chờ "tử thần" yên giấc mới dám quay về nhà với bộ dạng ướt sũng, nước mắt hoà cùng nước mưa... Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện mà em đã tìm hiểu được qua chính lời kể của những "nạn nhân".

Những thực trạng đó lại một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực gia đình và đang âm thầm diễn ra ở khắp mọi nơi. Nếu các bạn đã nghe thấy hồi chuông ấy thì hãy đứng lên và hành động. Hãy cùng nhau đóng vai những thiên sứ hạnh phúc mang ánh sáng và hi vọng đến cho những số phận đang gào thét trong đêm tối.

Giúp đỡ các em bằng cách chúng ta lập ra một đường dây nóng có trách nhiệm như một tổ chức bảo vệ tính mạng, quyền lợi và sức khoẻ của các em nhỏ. Đó sẽ là một địa chỉ để các em có thể trực tiếp liên lạc mọi lúc, mọi nơi bất cứ khi nào bị hành hạ, phân biệt đối xử hay nhận thấy điều gì bất bình trong cuộc sống cần được giúp đõ. Nếu chỉ một mình bản thân em thì sẽ không làm gì được nhưng với các nhà chức trách, các ngài có thể tạo cho các em một niềm tin, một chỗ dựa vững chắc để các em có thể dũng cảm nhấc máy khi gặp khó khăn.

Và hi vọng có một ngày, bài dự thi này đến được với nhiều người thì xin các bậc cha mẹ nếu tìm thấy mình trong bài viết trên, hãy dừng lại, dừng lại trước khi quá muộn. Hạnh phúc với con trẻ rất mong manh nhưng cũng rất đơn giản. Và dù có là ai đi chăng nữa thì cha mẹ luôn là một tấm gương sáng, một chỗ dựa vững chắc không gì thay thế được.

Đừng để hơi men, sự nóng giận trong chốc lát lấy đi những hình tượng thiêng liêng nhất trong lòng con trẻ. Chúng ta hãy cùng nhau đánh đuổi những con virus xấu xa ấy trong mỗi con người và trả lại tuổi thơ cho các em.

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.