“Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, có em tự chấm cho mình được 8 điểm. Nhưng kết quả bài làm chỉ có 5 điểm” - thầy Trần Ngọc Danh đã kể về nỗi thất vọng của học trò mình. Đó chính là lỗi tại bút chì.

Giờ ôn thi môn Sinh của học sinh lớp 12A5 Trường THPT
chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM - Ảnh: PhunuOnline

Môn Văn: Nói thật sợ mất điểm

Hôm qua, 17/5, sau khi hoàn thành bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt (do Sở GD-ĐT TP.HCM ra đề thi chung toàn thành), nhiều học sinh (HS) lớp 5 đã bật khóc vì lạc đề bài tập làm văn (chiếm 5 điểm).

Đề yêu cầu tả "trường em sau buổi học" với thời gian làm bài 45 phút. Không ít em đã tả “giờ ra chơi” vì nhầm lẫn giữa “buổi học” với “tiết học”.

Sau buổi học rất ít trò chơi, hoạt động, nên đề thi tưởng đơn giản hóa ra lại là “làm khó” học sinh. Em Quang Minh - (quận 1) - nói: “Con viết có một mặt giấy rồi không biết viết gì. Chắc điểm thi kỳ này của con thấp lắm”.

Một HS khác bày tỏ: “Sau buổi học là ba chở con đi học thêm. Con mất nhiều phút để suy nghĩ mình có nên tả thật cảnh mình đi học thêm không”.

Điểm kiểm tra định kỳ cuối lớp 5 rất quan trọng trong kỳ xét tuyển chuyển cấp vào lớp 6, đặc biệt nếu PHHS có ý định cho con vào những trường có tiếng bậc THCS. Do vậy, nhiều PHHS hết sức lo lắng khi con không làm được bài. Một số GV cũng nhận xét: Đề kiểm tra như trên không khơi gợi được cảm xúc, phát huy tính sáng tạo của HS vì sau khi nghe tiếng trống là HS vội vã xếp cặp, chạy ra cổng trường - nơi có ba mẹ đang chờ các em.

Báo Phụ nữ Online dẫn lời ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT: Trong chương trình các em đã từng làm bài tập làm văn "Tả trường em trước buổi học". Đề kiểm tra lần này, do muốn tránh đề văn mẫu, nên chỉ sửa có một “từ”, đó là thay chữ “trước” bằng “sau”.

Nội dung của đề vẫn nằm trong chương trình và khơi gợi cho các em lấy tư liệu từ những hình ảnh thực tế mỗi ngày. “Đề kiểm tra lần này sẽ xác định HS khá, giỏi thật sự. Đáp án cho điểm rất rộng nên PHHS không có gì phải lo lắng”, ông Lê Ngọc Điệp trấn an.

'Nhanh - ẩu - đoảng'

Thầy Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Văn, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: nếu TS đọc đề “ba chớp, ba nhoáng” sẽ dẫn đến không hiểu rõ câu hỏi hoặc nhầm lẫn tác phẩm. Có năm đề ra thuộc tác phẩm Vợ chồng A Phủ nhưng một TS trường chuyên lại phân tích Vợ nhặt từ đầu đến cuối!

Ở môn Toán, các em có thể nhầm lẫn các giả thiết với nhau, chép sai dữ liệu, dấu cộng thành dấu trừ, sai tọa độ, thế là mất điểm!

Ở môn Sinh, theo thầy Trần Ngọc Danh, Tổ trưởng tổ Sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, 20% HS thường sai sót ở phần tiến hóa. Các em cũng hay gặp lúng túng trong bài tập ở phần di truyền.

Ở môn Địa, có em đọc đề từ “tài nguyên nước” chuyển thành “tài nguyên của các nước”. Bài làm của TS đi lạc quá xa, mất điểm hoàn toàn ở phần này.

Lỗi do "lẫn" - "lộn"

Thầy Trần Tiến Thành cho ví dụ cụ thể: ở môn Văn, câu nghị luận xã hội, đáp án thường yêu cầu có những thao tác cơ bản như giải thích, chứng minh, phân tích… TS quên giải thích để tìm vấn đề nghị luận mà “phang vô” chứng minh và bàn luận.

Ngoài ra bài làm không hoàn chỉnh, quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài; hoặc trình bày cẩu thả, bổ sung chồng chéo làm giám khảo… nhức đầu cũng làm các em mất điểm. Có TS bổ sung phần một, trong phần bổ sung này lại phát sinh bổ sung phần hai, do đó trong bài làm của các em có nhiều mũi tên chỉ dẫn phần bổ sung.

Lỗi thường thấy cũng trong môn Văn là các em quá say sưa viết về một ý (đó chỉ là ý phụ) mà quên bàn luận về những ý khác, quên tính toàn diện của vấn đề cần bàn. Dù TS viết rất hay nhưng điểm số chỉ tính một ý, trong khi có bài viết nhạt hơn nhưng điểm cao, vì có nhiều ý hơn. Có bài làm chỉ phân tích cụ thể mà thiếu tổng hợp, khái quát hoặc ngược lại. Thế là TS bị mất điểm!

Thầy Nguyễn Đình Song Minh, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhắc nhở: “Các em sẽ dễ bị bắt bí nếu hình thức làm bài không chuẩn như chữ viết xấu, cẩu thả, trình bày không mạch lạc, ý tưởng không rõ ràng khiến cảm tình của người chấm bài sẽ giảm xuống. Các em cũng không nên gạch xóa lung tung trong bài làm, tránh bỏ nhiều chỗ trống làm người chấm bài khó theo dõi và có thể cộng sót điểm”.

“TS lưu ý không sử dụng ký hiệu một cách tùy tiện, ngoại trừ những ký hiệu đã được quy ước. Có một quy luật bất thành văn là TS không được bắt giám khảo phải hiểu những gì TS viết. Nếu gặp người chấm khó, TS bị trừ điểm mà không thể khiếu nại được”, thầy Song Minh nhấn mạnh. 

Thiếu minh bạch

Một lỗi phổ biến khi làm bài thi môn Toán là bài giải của TS thiếu lập luận. Có em chỉ ghi đáp số, dù cho đáp số đúng nhưng vẫn mất điểm. Vì vậy, TS nên nhớ phải viết công thức, thế số vào ngay trong bài làm (nhiều em làm khâu này ở giấy nháp và quên chép lại ở bài thi).

Nhiều giám khảo cảm thấy tiếc nuối khi phương pháp làm bài của các em hoàn toàn đúng, nhưng do các em viết sai đề nên mất điểm “oan”.

Chỉ tại… bút chì

“Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, có em tự chấm cho mình được 8 điểm. Nhưng kết quả bài làm chỉ có 5 điểm” - thầy Trần Ngọc Danh đã kể về nỗi thất vọng của học trò mình. Đó chính là lỗi tại bút chì.

Tuy TS trả lời đúng câu hỏi nhưng do bôi xóa không kỹ các câu đã chọn lựa trước đó, khiến máy chấm “đọc” thành hai đáp án. Hoặc có câu tô mờ quá cũng khiến máy không chấm điểm.

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay có ba môn thi trắc nghiệm là Sinh, Lý và Ngoại ngữ. Do vậy, theo các GV, các em cần tập cách tô đậm các ô trả lời bằng bút chì, tô làm sao cho đủ độ đậm, vừa kín vòng tròn thật nhanh. Ngoài ra, TS cũng cần cẩn thận khi xóa tẩy các phương án trả lời sai, tẩy sạch mà không làm rách giấy. Khi tô, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô, không gạch chân hoặc chỉ dùng ký hiệu đánh dấu. TS cũng không được tự ý viết thêm gì ngoài những mục cần khai trên phiếu trả lời.

Theo Phunu Online