Hình thức thi tuyển đại học dựa vào điểm số ở Hàn Quốc giúp nghề luyện thi ở nước này trở thành ngành công nghiệp tỷ đô, trong khi chỉ số hạnh phúc của học sinh đạt mức thấp trong số các quốc gia phát triển.

Tay ôm chặt tai nghe, mắt nhắm nghiền, miệng đang hát vào chiếc mic trong phòng thu khi song ca cùng một trong những nữ diễn viên nóng bỏng nhất Hàn Quốc, Cha Kil-yong – người đàn ông có mái tóc dựng ngược kiểu cách trông không khác gì một ngôi sao K-pop.

Nhưng anh lại không phải là diễn viên hay ca sĩ. Anh là một kiểu người nổi tiếng mà có lẽ chỉ có ở Hàn Quốc – giáo viên ngôi sao.

Vậy còn ca khúc anh đang song ca với nữ diễn viên Clara đình đám thì sao? Liệu nó có bị loại khỏi danh sách đề cử MTV không? Không hề, ca khúc này sẽ nằm trong hạng mục có tên là “giải SAT”!

Ở đất nước cực kỳ coi trọng giáo dục như Hàn Quốc, Cha là một giáo viên dạy toán nổi tiếng. Nhưng anh không dạy trong một ngôi trường bình thường, mà dạy trực tuyến cho một trường chuyên luyện thi đại học có tên là SevenEdu.

Ở đây, theo Cha nói, mức lương của anh là một con số khó tin – 8 triệu USD vào năm ngoái.

{keywords}

Cha Kil-yong là giáo viên dạy toán nổi tiếng trong các khóa học luyện thi trực tuyến ở Hàn Quốc. Anh thường ăn mặc như ngôi sao trong các giờ giảng để thu hút sự chú ý của học sinh. Ảnh: Washington Post

“Tôi yêu môn toán đến điên cuồng” – Cha chia sẻ khi đang diện một bộ đồ hợp mốt: quần và áo sơ mi màu đỏ đô, bên ngoài là áo khoác dạ. Anh đang ngồi trong văn phòng ở Gangnam – một khu tổ hợp xa xỉ ở thủ đô Seoul rất nổi tiếng, từng được biết đến trong ca khúc “Gangnam Style”.

Thật khó để diễn tả hết vai trò cao cấp của giáo dục ở đất nước Hàn Quốc. Đây là nơi mà bạn nhất thiết phải vào được một trường mầm non tốt, để được nhận vào một trường tiểu học tốt, sau đó là trường trung học và trung học phổ thông tốt, rồi cuối cùng được vào một trường đại học tốt. Tất nhiên, việc học một trường đại học tốt sẽ giúp bạn có công việc tốt và tìm được một người bạn đời lý tưởng.

Thậm chí, còn có một khái niệm dùng để miêu tả phiên bản một bà mẹ kiểu Hàn, là “chima baram” – có nghĩa là “skirt wind” (cơn gió đột ngột khiến các cô gái bị tốc váy). Cụm từ này để diễn tả việc một bà mẹ ập vào lớp học như một cơn gió, yêu cầu cho con mình được ngồi bàn đầu để dễ đặt câu hỏi cho giáo viên hơn.

Nhiều gia đình Hàn Quốc phải sống chia ly ở hai đầu thế giới để theo đuổi ước mơ về một nền tảng giáo dục tốt hơn. Bà mẹ và đứa trẻ có thể sống ở Mỹ hoặc một số nước nói tiếng Anh khác để dễ được nhận vào một trường đại học danh giá hơn (có thể là Harvard); trong khi ông bố vẫn tiếp tục sống ở Hàn Quốc, bay qua bay lại để đoàn tụ gia đình nếu có điều kiện.

Tất cả những điều này là để đứa trẻ đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi SAT – sự kiện quan trọng nhất cuộc đời họ.

Vì thế, phần lớn học sinh Hàn Quốc đều tham gia cả 2 lớp học: lớp học ở trường và các trường luyện thi “hagwon” sau giờ học chính. Lớp luyện thi trực tuyến đang ngày dần thay thế cho các lớp học truyền thống chật chội, chen chúc. Luyện thi trở thành ngành công nghiệp 20 tỷ USD.

Tư tưởng sùng bái chữ nghĩa vẫn thường giúp đất nước này liên tục xếp hạng cao so với các quốc gia phát triển ở môn đọc, toán và khoa học; mặc dù bảng xếp hạng mới nhất của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cũng cho thấy học sinh Hàn Quốc xếp cuối cùng về mức độ hạnh phúc ở trường học. Hàn Quốc cũng là nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia phát triển, trong đó nhiều nguyên nhân là do áp lực học tập quá nặng nề.

Một số chính trị gia và các học giả đang đặt câu hỏi liệu mọi thứ đã vượt quá tầm kiểm soát hay chưa. Tuy nhiên, ngay chính những phụ huynh phản đối hệ thống giáo dục vắt kiệt sức lực của con trẻ này cũng thấy rất khó để làm khác. Con cái họ kêu than rằng chúng không thể theo kịp nếu không đến trường luyện thi.

Đó là một tin tốt đối với những người đứng lớp như anh Cha – người đã dùng tiền lương giảng dạy của mình để đi học Tiến sĩ.

Trung bình khoảng 300.000 học sinh luyện thi trực tuyến phải trả 39 USD/ người cho một khóa học 20 giờ (trong khi các lớp luyện thi truyền thống thu tới 600 USD/khóa/ người). Các giáo viên như Cha sẽ dạy học sinh các mẹo để hoàn thành bài thi, trong đó có cả những bước làm tắt để hoàn tất nhanh hơn.

Khi được hỏi điều gì làm anh trở nên nổi tiếng, Cha nói: “Giả sử bạn đưa những thành phần giống nhau cho 100 đầu bếp khác nhau. Họ sẽ làm ra những món ăn khác nhau trên cùng những nguyên liệu đó. Nó cũng giống như một lớp học toán. Mặc dù tất cả là đều là Toán học và đều ở Hàn Quốc, nhưng bạn có thể sử dụng các thành phần khác nhau để cho ra những kết quả khác nhau”.

Studio của anh có một chiếc bảng màu xanh lá và những chiếc bàn. Phía sau camera là một đống đạo cụ, có cả mặt nạ hà mã, người dơi và một chiếc áo khoác đính hạt vàng óng ánh.

“Bạn không chỉ dạy một môn học, mà bạn phải là một nghệ sĩ đa tài” – Cha nói và từ chối tiết lộ tuổi của mình. Anh chỉ hé lộ rằng đã làm công việc này 20 năm.

{keywords}

Cha giữ nhiều mặt nạ và đồ nghề trong phòng thu ở trường SevenEdu. Ảnh: Washington Post

Vào ngày thi SAT, anh tới thăm các trường để khích lệ học sinh. Anh cũng đóng quảng cáo, xác nhận chất lượng các sản phẩm như nhân sâm đỏ có tác dụng tăng cường hoạt động não.

Kwon Kyu-ho – một giáo viên dạy văn nổi tiếng cũng xuất hiện cùng các ngôi sao K-pop và có những hợp đồng quảng cáo hái ra tiền, như cho mượn tên của mình để đặt tên cho một loại ghế giúp người ngồi học tốt hơn.

Để duy trì tên tuổi của mình, các giáo viên không chỉ cần có những bài giảng tốt. Kwon, 33 tuổi còn phải chăm sóc da mặt thường xuyên. Anh cho biết một số giáo viên thậm chí còn có cả những “stylist” (người tạo phong cách ăn mặc) riêng.

“Tôi luôn muốn trở thành một giáo viên, nhưng tôi thấy việc giảng dạy trong các trường học truyền thống bị giới hạn. Chỉ có một kiểu dạy nhất định” – Kwon – người có bài giảng trên Etoos và VitaEdu nhận xét. “Và tất nhiên, tôi kiếm được nhiều tiền hơn với cách dạy này”.

Kwon không nói anh kiếm được chính xác bao nhiêu, mà chỉ tiết lộ khoảng vài triệu USD/ năm. Anh chia sẻ, bí quyết thành công là tìm được những phần kiến thức khiến hầu hết học sinh lúng túng và anh sẽ tập trung bài giảng vào những vấn đề này.

Cách học này có mặt tích cực của nó – anh khẳng định.

“Tôi cho rằng một trong những lợi ích của giáo dục tư nhân là các giáo viên được cạnh tranh với nhau và cùng nhau cố gắng nâng cao chất lượng học tập. Chúng tôi có tiền. Chúng tôi có thể đầu tư bằng nhiều cách mà các giáo viên ở trường truyền thống không thể làm được”.

Khi Tổng thống Park Geun-hye đề xướng “một ngành kinh tế sáng tạo” làm chìa khóa để đẩy Hàn Quốc lên một tầm cao mới thì nhiều nhà phân tích cho rằng đất nước này sẽ làm tốt khi có cách tiếp cận sáng tạo hơn với giáo dục.

Ông Lee Ju-ho – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng là một trong số những người đồng tình.

“Tất cả việc học hành đêm hôm này có thể gây hại cho việc phát triển các kỹ năng khác, như tính cách, sự sáng tạo và tư duy phản biện” – ông nói. “Luyện thi hoàn toàn chỉ là học thuộc lòng và ghi nhớ”.

Ông cũng cho rằng tất cả vấn đề này đều do hình thức xét tuyển đại học – một cách thức lạc hậu khi chỉ chăm chăm vào điểm thi thay vì các tiêu chí khác như hoạt động ngoại khóa và bài luận cá nhân – hình thức xét tuyển phổ biến ở nhiều nước phương Tây.

“Chúng ta thực sự cần thay đổi” – ông Lee, người hiện đang là giáo sư tại Trường Quản lý và Chính sách công của Viện Phát triển Hàn Quốc nhận định.

Tác giả Anna Fifield hiện là trưởng văn phòng trụ sở Tokyo của tờ The Washington Post. Cô chuyên viết về Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước đó, cô từng làm việc cho Financial Times ở các trụ sở Washington DC, Seoul, Sydney, London và các khu vực khác ở Trung Đông.

  • Nguyễn Thảo (dịch)