"Em ước một ngày nào đó, sẽ không còn những câu chuyện buồn về trẻ bị đánh đập, hành hạ như báo  chíphản ánh; một ngày nào đó trẻ được đối xử công bằng, được phát triển toàn diện và được tự lên tiếng để bảo vệ bản thân mình."

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn Thị Trang, lớp 7B THCS Yên Trung, Yên Định, Thanh Hoá

Trong xã hội ngày nay, đời sống của con người, nhất là những người sống ở các thành phố ngày càng được nâng cao và phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những mảnh đời gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đó chính là những người nông dân, những trẻ em mồ côi và nhất là những em gái đang sống ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.

Việt Nam là một nước rất quan tâm đến trẻ em. Tuy nhiên, ngày nay vẫn còn nhiều trẻ em kém may mắn như bị cha mẹ bỏ rơi, bị mắc bệnh hiểm nghèo. Trong hoàn cảnh đó còn biết nương tựa vào ai? Tương lai của các em sẽ đến một nơi mà bóng tối, nước mắt và sự đau khổ đang bao trùm. Khi đó, sự đồng cảm, tình yêu thương của mọi người như những ánh hào quang của những vì tinh tú rọi chiếu, soi đường đưa các em ra khỏi bóng tối đầy oan nghiệt của tội ác.

Em cũng là một trẻ em, em thấy rằng mình đã được hưởng đầy đủ những quyền đó. Nhưng em tự thấy rằng mình và những trẻ em ở vùng nông thôn vẫn đang còn nhiều thiếu thốn so với những trẻ em ở thành thị. Trẻ em ở thành thị cứ mỗi tuần thì lại được bố mẹ đưa đi chơi ở vườn thú, ở công viên hoặc là được ăn một bữa thật ngon. Trong khi đó, vào những ngày cuối tuần thì chúng tôi phải đi lặt rác, lặt củi, chăn trâu bò để kiếm sống. Thức ăn mỗi ngày chỉ là thứ rau cạnh đạm bạc, buổi sáng có những em chẳng bao giờ được ăn sáng một lần. Những gói bánh, những hộp sữa trong ngày tết là mơ ước của những trẻ em nghèo. Còn với trẻ em thành phố thì điều đó lại lài những điều hiển nhiên, luôn có trong thực đơn hàng ngày. Thậm chí họ còn để những thứ đó mốc meo và coi là những thứ tầm thường. Trẻ em thành phố luôn được cha mẹ nuông chiều trong khi những vị phụ huynh ở nông thôn lại cho rằng "chửi bới, đánh đập" là một biện pháp dể dạy dỗ con cái.


Ảnh minh họa
Trong xã hội có nhiều người tốt cũng có nhiều người xấu. Những người chỉ biết lợi, đẹp cho bản thân chứ chẳng thèm quan tâm đến người khác nhưng lại có những người muốn dốc hết tâm lòng, công sức và tiền của để ủng hộ, giúp đỡ cho những người nghèo. Hơn ai hết, những người đó là những tấm lòng chí nhân, những tâm hồn trong sáng. Họ không chỉ có lòng đồng cảm, san sẻ, cứu giúp mà còn biết trân trọng những phẩm giá tốt đẹp của đồng loại, thấu hiểu và nâng niu những ước mơ, nguyện vọng về dân chủ tự do, về ấm no, hành phúc của nhân dân và của các em nhỏ không may mắn.

Cuộc sống của các em càng gặp nhiều khó khăn thì các em sẽ bị ép vào các con đường tội lỗi như buôn bán ma tuý hay mại dâm. Điển hình như các em nhỏ dưới đây:

Bé Bàn Thị Thanh Trúc mồ côi cha mẹ từ nhỏ đang mang trong mình căn bệnh HIV. Từ 4 tuổi em đã phải tự tắm, giặt ngoài sông. Đã mồ côi cha mẹ, em lại gặp phải người bác ác độc, không quan tâm em, mỗi bữa cơm phải ăn cơm riêng, có khi bị vứt bỏ như một thứ đồ chơi.

Em Lâm Hà Linh bị đuổi học vì mắc bệnh tự kỉ.

Trên thực tế khi đi ngoài đường phố, chúng ta vẫn thường bắt gặp những đưa trẻ đang độ tuổi đi học phải đi đánh giày, bán vé số với bộ quần áo cũ. Những hình ảnh đó dường như là bình thường đối với những người đi đường. Ai cũng biết học tập là nghĩa vụ của học sinh nhưng đối với một số em quyền được thực hiện nhiệm vụ đó còn không có thì hỏi làm sao em có thể thực hiện bổn phận của mình cho tốt được.

Khi em bắt đầu bài viết này, em đã có suy nghĩ: nếu như mình là một trong những đứa trẻ đó thì mình phải làm sao để mà sống đây? Biết nương tựa vào ai khi chính những người thân nhất, ruột thịt đã nhẫn tâm vứt bỏ mình?

Nếu em có quyền được thay đổi tình trạng hiện nay của trẻ em Việt Nam, em sẽ cho trẻ em một cuộc sống đầy đủ, no ấm, hạnh phúc hơn. Trẻ em được đối xử công bằng, không bị nguợc đãi. Bất cứ trẻ em nào dù ở hoàn cảnh nào đều được có một môi trường lành mạnh để vui chơi, giải trí. Tạo điều kiện cho những trẻ em có năng khiếu được thể hiện và phát triển tài năng của mình và trong mỗi cuộc thì dù có giải hay không có giải thì cũng phải tặng cho các em phần quà dù lớn hay nhỏ thì đó cũng xem như là nguồn động lực giúp các em phấn đấu hơn trong ước mơ của mình. Hơn nữa không phải trẻ em nào cũng biết đến Internet nên nhà nước phải tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện hơn.

Mọi người phải quan tâm đến trẻ em nhiều hơn, gia đình cần chăm sóc, yêu thương hơn và mang lại cho trẻ em một môi trường sống lành mạnh. Hãy tôn trọng, quan tâm và thấu hiểu tâm lý của trẻ. Hãy cố gắng đừng để những giọt lệ đắng cay lại lăn trên đôi má, rớt xuống đôi vai năng trĩu, gầy gò của trẻ.

Trên đây là một số mong ước nhỏ nhoi, đơn giản của em. Em hi vọng một ngày nào đó, sẽ không còn những câu chuyện đau buồn về trẻ bị đánh đập, hành hạ như các  báo phản ánh; một ngày nào đó trẻ được đối xử công bằng, được phát triển toàn diện và được tự lên tiếng để bảo vệ bản thân mình. 

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.