- Theo điều lệ trường tiểu học, sĩ số mỗi lớp không được quá 35 học sinh. Thực tế các quận nội thành Hà Nội không thể thực hiện được quy định này do số lượng trường lớp không đáp ứng được nhu cầu.


Lớp học quá tải trên diện rộng

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2010 - 2011, quận Đống Đa có 24.711 học sinh tiểu học trong khi chỉ có 527 lớp - sĩ số bình quân gần 47 học sinh/lớp; quận Ba Đình có 19.748 học sinh, 444 lớp, bình quân 45 HS/lớp; quận Hai Bà Trưng có 17.482 học sinh, 410 lớp, bình quân 43 học sinh/lớp; quận Hoàn Kiếm có 12.636 học sinh, 307 lớp, bình quân 41 học sinh/lớp.

Trao đổi với VietNamNet chiều 18/5, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B Phạm Thị Yến trăn trở, khu vực Thành Công hiện có số dân cư đông nhất Hà Nội hiện nay - với gần 3 vạn dân và số lượng ngày càng tăng lên không ngừng.

Bà Yến cho biết, khu vực Thành Công có 2 trường tiểu học và 2 trường mầm non đều nằm trong tình trạng quá tải bởi 2 lý do.

Thứ nhất, nhiều khu chung cư cao tầng mọc lên, dân số gia tăng nhưng số trường học không tăng. Thứ hai, vì muốn con có "suất" trong trường - có nhiều hộ gia đình đã chuyển đi nơi khác nhưng vẫn giữ hộ khẩu ở đây để cho con theo học.

"Chính những ly do đó đã gây áp lực cho tôi rất nhiều mỗi khi đến mùa tuyển sinh" - lời bà Yến. Đã có năm 2003 trường tuyển đến 8 lớp (mỗi lớp 50 học sinh), tăng 2 lớp so với năm trước. Còn trung bình mỗi năm tuyển 6-7 lớp, mỗi lớp dao đông trong khoảng 45-48 học sinh.

Không chỉ ở khu vực Thành Công mà một số khu vực khác như quận Đống Đa, Văn Quán, Linh Đàm...cũng đang "đối mặt" với tình trạng quá tải chỗ học vì ngày càng nhiều khu chung cư mọc lên.

Mặc dù, theo lý giải của Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, không phải 100% dân sinh sống ở khu dân cư đều cho con học trường đóng trên địa bàn. Nhưng tình trạng không có đủ chỗ học đang diễn ra ở một số trường.

Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận.Đống Đa (Hà Nội) cho biết,  khu tập thể Kim Liên sau khi có chung cư mới, số học sinh vào học lớp 1 năm học tới lên đến 550, cao gấp đôi so với năm học trước. Chỉ tính riêng học sinh trong diện đúng tuyến thì Trường tiểu học Kim Liên trong khu vực đã không kham nổi.

Ở khu vực Nam Thành Công, quận Đống Đa vừa có thêm hai khu nhà cao gần 30 tầng. Theo điều tra sơ bộ của phường này, số trẻ vào học lớp 1 của phường lên đến 538 trẻ. Với những địa bàn tăng dân cư bất thường như trên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chấp nhận đề xuất cho phép tuyển thêm, với sĩ số 50 học sinh/lớp. Tuy nhiên, các trường trên vẫn thiếu chỗ cho học sinh đúng tuyến.

Ban giám hiệu Trường tiểu học Nam Thành Công lo lắng, năm học tới sẽ có gần 100 học sinh đúng tuyến thiếu chỗ học. Tình trạng thiếu chỗ học vì số học sinh đúng tuyến tăng đã diễn ra 1-2 năm gần đây...

Còn bà Yến thì cho rằng, dù đến mùa tuyển sinh vô cùng lo lắng nhưng chưa có trường hợp nào đúng tuyến nhập học mà trường từ chối.

Trường tuyển sinh đúng quy định là diễn ra trong tháng 7, nhưng để đảm bảo quyền đi học của học sinh thì đến ngày 5/9 vẫn nhận (nếu đúng tuyến). Vì thực tế đã có học sinh bố mẹ đi công tác đến thời điểm vào năm học mới nhập học cho con trường vẫn nhận - bà Yến khẳng định.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, nhiều năm nay, hầu hết trường tiểu học công lập đều quá tải do áp lực tăng dân số cơ học.

Theo điều lệ trường tiểu học, sĩ số mỗi lớp không được quá 35 học sinh/lớp. Thực tế các quận nội thành Hà Nội không thể thực hiện được quy định này do số lượng trường lớp không đáp ứng được nhu cầu cho con em học tập của người dân. Bởi vậy, ở một số trường được phụ huynh tín nhiệm, áp lực chỗ học còn căng thẳng hơn - lời ông Tiến.

Gắn việc xây dựng đô thị với hệ thống trường học?


Vẫn theo bà Yến, năm học tới (2011-2012) Trường tiểu học Thành Công B tuyển mới 7 lớp, mỗi lớp 45 học sinh. Khả năng trong vài năm tới, số học sinh đúng tuyến trường dự báo sẽ tăng.

Trường đã có đề xuất phòng GD-ĐT và các đơn vị chức năng nhưng việc mở thêm trường ở phường Thành Công sẽ khó khả thi.

Ông Đàm Quốc Khánh - phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nhìn nhận, việc quá tải đầu vào của nhiều trường học có nguyên do từ bất hợp lý trong quy hoạch. Với việc xây dựng đô thị tách rời giáo dục, trước sau cũng dẫn đến những bất hợp lý.

Để "giải quyết" vấn đề quá tải ở Trường tiểu học Thành Công B bà Yến cho biết, luôn công khai các thông số tuyển sinh và không né tránh bất kỳ sự quan tâm, thắc mắc nào từ phía phụ huynh. Thậm chí rất vất vả trong việc thuyết phục phụ huynh trái tuyến cho con vào trường gần nhà theo học...

Ở nhiều trường khác áp dụng quy định "không tuyển những học sinh mới chuyển hộ khẩu đến trong vòng một năm" để hạn chế tình trạng "chạy khẩu"....

Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban về GD-ĐT với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cách làm như trên không phải là giải pháp lâu dài.

Mà theo lãnh đạo các quận huyện, việc sửa chữa những bất hợp lý trong mạng lưới trường học, việc gắn chặt xây dựng đô thị với xây dựng hệ thống trường học là vấn đề Hà Nội phải đặc biệt quan tâm.


  • Nguyễn Hiền