- Qua một học kỳ thực hiện không chấm điểm thường xuyên, thay bằng nhận xét cho trò tiểu học đã có những tín hiệu bằng lòng từ phụ huynh. Còn cô giáo lo không đủ thời gian cho dạy dỗ vì yêu cầu nhận xét chi tiết, tỉ mỉ...
Quy định mới vào...thực tế
Chị Kiều Thu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, qua 8 buổi họp phụ huynh cho con gái học lớp 3 - thì buổi họp tổng kết học kỳ 1 năm học 2014-2015 được nhiều phụ huynh hồi hộp đón đợi.
Ngoài các nội dung thông báo kết quả học kỳ, kế hoạch kỳ tới và định hướng phát triển của nhà trường như thường lệ - buổi họp có thêm nội dung cô giáo phổ biến quy định mới của Thông tư 30 với nội dung chính: thay đánh giá điểm số bằng nhận xét.
Ảnh minh họa (Văn Chung) |
Phía dưới là những lời thì thầm từ phía phụ huynh "quy định mới giảm việc cho con, nhưng cô vất vả hơn"...Còn cô giáo chủ nhiệm nhìn nhận: Cách đánh giá theo Thông tư 30 giúp đánh giá toàn diện học sinh, đáp ứng yêu cầu của số đông phụ huynh. Tuy nhiên, với quy định không giao bài tập về nhà cũng gây khó cho giáo viên khi có không ít phụ huynh đề xuất cô giao thêm để rèn ý thức học tập cho học sinh. Vì thế, phần lớn giáo viên đều làm thừa việc nên không đủ thời gian cho nhận xét chi tiết.
Còn anh Mạnh Quân (quận Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 2 cho biết: “Buổi họp phụ huynh cuối tuần qua giáo viên than nhiều. Vấn đề sổ sách, nhận xét khiến các cô hết thời gian chăm sóc và lo cho học sinh. Việc ghi nhận xét khó cụ thể cho từng em, vẫn có chuyện rập khuôn nhau khi có giáo viên phải viết cho cả trăm em” .
Trong học bạ cuối kỳ của con, anh Mạnh Quân thấy cô nhận xét khá đầy đủ: “Tiếp thu tốt, làm bài nhanh, chăm phát biểu. Học đều các môn”, về đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực của học sinh cô cũng ghi: “Trình bày ngắn gọn, rõ ràng, đúng nội dung bài; Cần nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập; Mức độ: Đạt”; Mục đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất của con cô ghi: “Ngoan, lễ phép, đi học chuyên cần”; Mức độ: Đạt”,...Khen thưởng: Hoàn thành tốt nội dung học tập.
Với cách đánh giá như vậy, theo anh Mạnh Quân: Cô đã bám sát quy định mới nhưng chấm điểm vẫn là cách tốt để gia đình biết được kết quả, học lực của con và từ đó có điều chỉnh phương pháp dạy con”.
Chị Thu Nguyễn có con gái học lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội) nhận kết quả từ cô giáo chủ nhiệm tại buổi họp sơ kết học kỳ 1 trong sự hân hoan.
Chị khái quát, nhờ cách đánh giá mới cô nhận xét tỉ mỉ từng môn - con phải làm bản tự kiểm điểm điểm lại ý thức học tập, thực hiện nội quy nhà trường, nề nếp sinh hoạt...khiến con có ý thức hơn và chủ động với việc của bản thân.
Những băn khoăn
Bên cạnh môt bộ phận đang dần quen với cách đánh giá mới, thì trên các diễn đàn của giáo viên tiểu học việc triển khai Thông tư 30 nhận được hàng trăm lượt ý kiến, đa phần than phiền chuyện ghi lời nhận xét viết, công việc ghi sổ sách...quá nhiều khiến GV không còn thời gian lo chuyên môn, gia đình.
Thực tế, vẫn còn không ít băn khoăn. Chị Hường Lê có con đang học lớp 3 trên
địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội cho biết thêm: “Buổi họp diễn ra khá nhanh. Mình có
cảm giác sự gắn bó giữa giáo viên và học sinh giảm đi nhiều vì các cô quá bận
với việc nhận xét dài dòng về từng con mà xao lãng việc ôn luyện cho các con có
thể dẫn đến chất lượng học sinh trên lớp không ổn”.
Anh Mạnh Quân bổ sung thực tế, ở trường con anh đang học các giáo viên hiện vẫn
phải lựa theo hoàn cảnh để dạy, như chuyện tự quy ước với các con sai một lỗi
thì bài này 9 điểm, hai lỗi là 8 điểm,...
Tương tự, ở một trường tiểu học khác trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội phụ huynh cũng cho biết trên lớp cô chấm chữa và thường cho con điểm A, B, C, D- tương ứng với các mức điểm từ 9,10 xuống 7,8 rồi 5,6.
Chị Ngọc Hà, có con học lớp 2 ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng việc cho điểm số giúp phụ huynh tiện theo dõi quá trình, học lực của con. Hơn nữa trên lớp giáo viên vẫn phải làm thao tác nhận xét, trao đổi với phụ huynh về con. “Điểm số không xấu, chỉ có điều mọi người biến nó thành áp lực khiến nó xấu đi thôi. Mình vẫn nghiêng về chủ trương cho điểm số với học sinh tiểu học” – chị cho hay.
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản Hà Nội: "Mỗi học sinh lớp 4 còn làm bản tự kiểm điểm cá nhân cuối học kỳ 1" |
Trong khi đó, chị Ngọc Anh, có con đang học lớp 3 một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, bản thân vẫn chưa thực sự ủng hộ quy định mới của Bộ GD-ĐT.
“Thấy con đi học về vui vẻ mẹ cũng mừng. Nhưng dường như chuyện phân biệt con giỏi, con yếu không rõ ràng. Vì không theo sát được con nên rất lo con lơ là chuyện học, về nhà không có bài học rồi nhận xét của cô giáo còn chung chung” – chị nói.
Giáo viên được chủ động, linh hoạt trong đánh giá
Trong khi đó nhiều phụ huynh cho biết ở trường hiện nay việc nhận xét cuối kỳ của các con vẫn chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm làm. Chuyện học sinh tự bình bầu nhau gần như không có và cũng quá nhiêu khê, không phù hợp với lứa tuổi.
Chị Hường Lê mong mỏi Bộ GD-ĐT cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung và kiến thức trong trường tiểu học, giảm tải chương trình học, tăng giáo dục về kỹ năng sống cho học sinh....
Trong chuyến công tác tại An Giang và Đồng Tháp về thực hiện Thông tư 30, chuyên viên chính Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) TS Hoàng Lê Mai cho biết: “Ngay khi ban hành Thông tư 30 và nhận thầy cần có văn bản yêu cầu các địa phương giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, Bộ đã có văn bản 6169”.
Ở trong văn bản này cũng đã đề cập: Cán bộ quản lý cùng với giáo viên trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ và cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó theo quy định mới thì phòng GD-ĐT chỉ kiểm tra mang tính chất định hướng, góp ý giáo viên chứ không phải là bắt bí hay đe nẹt giáo viên. Chính vì thế thầy cô hãy chủ động và linh hoạt khi thực hiện thông tư với phương chấm vì sự tiến bộ của học sinh”.
"Với việc nhiều địa phương vẫn chưa hiểu được hết tinh thần của thông tư 30
nên thời gian tới Bộ sẽ thanh lập các tổ công tác về các địa phương còn bất cập
để tập huấn, chia sẻ" - lời TS Mai.
Văn Chung - N.Hiền