- Thưởng Tết giáo viên vài trăm nghìn, gói mỳ chính, chai dầu ăn, thậm chí là không có thưởng năm nào - khiến người làm nghề chạnh lòng.
Với những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, điều kiện giảng dạy và học tập vẫn còn vô vàn khó khăn như thế này thì thưởng Tết cân thịt, cặp bánh chưng cũng đã là may mắn. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Tỉnh Nghệ An vừa công bố mức thưởng Tết Ất Mùi cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành. Tin mừng nho nhỏ là trung bình thưởng Tết năm nay có cao hơn năm ngoái – 666 nghìn đồng, so với 389 nghìn đồng vào năm 2014 – báo Dân Trí đưa tin.
Trường có mức thưởng cao nhất tỉnh là Mầm non Hoa Sen: 5 triệu đồng, trường thấp nhất là THPT Nam Đàn 2: 100 nghìn đồng. Còn lại các đơn vị khác giao động từ 300-800 nghìn đồng. Cụ thể, huyện Yên Thành, cán bộ, giáo viên nhận 500 nghìn đồng; huyện Tương Dương thưởng 100 nghìn; huyện Hưng Nguyên thưởng từ 300-800 nghìn; huyện Tân Kỳ thưởng 300 nghìn và suất quà trị giá 335 nghìn; huyện Kỳ Sơn mức thưởng là 150 nghìn và quà trị giá 167 nghìn.
Như trường THCS Mậu Đức, Tiểu học Chi Khê 2, nhận được vài ba trăm nghìn thưởng Tết đã là may mắn hơn các năm trước. Có năm, giáo viên chỉ nhận vài lít dầu ăn, cân thịt, cặp bánh chưng… Hiệu trưởng trường Tiểu học Chi Khê 2 chia sẻ rằng hằng năm, mỗi trường ngoài vài chục triệu để chi thường xuyên thì không biết trông chờ vào đâu. Để có được món thưởng Tết vài trăm, trường phải tiết kiệm mọi khoản chi tiêu, cộng với quỹ công đoàn thu hàng tháng của giáo viên thì mỗi người cũng được 200-300 nghìn về ăn Tết.
Khó khăn là thế nhưng từ đầu năm, trường Mậu Đức đã thành lập quỹ giáo viên, mỗi người 1 tháng đóng vào quỹ 10-20 nghìn đồng, đến cuối năm sẽ gom lại để tặng quà cho học sinh nghèo. Ngoài ra, hàng tháng, mỗi giáo viên trích 30 nghìn đồng làm quỹ để hỗ trợ cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm.
Trường Chi Khê 2 cũng trao quà cho 70 học sinh nghèo vào dịp cuối năm.
Dịp Tết Nguyên đán này, công đoàn Sở Giáo dục Nghệ An sẽ trao 261 suất quà cho một số giáo viên đau ốm hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh hiểm nghèo. Liên đoàn Lao động tỉnh và một số nhà hảo tâm cũng sẽ trao 72 suất quà cho giáo viên neo đơn, bệnh tật lâu ngày, 8 suất quà dành cho giáo viên đang có chồng, con làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt, trong 120 đơn vị giáo dục có 2 đơn vị không có thưởng Tết là THPT Cù Chính Lan (Quỳnh Lưu) và THPT Tương Dương (Tương Dương) do thu không đủ chi, số lượng tuyển sinh giảm. Chủ tịch công đoàn trường THPT Tương Dương 1 chia sẻ với Dân Trí, công đoàn sẽ cố gắng tặng mỗi giáo viên 1 gói mỳ chính (trị giá 40-50 nghìn đồng) để động viên tinh thần là chính. Trong khi đó, theo Tuổi Trẻ, THPT Cù Chính Lan đã nợ lương giáo viên từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015 và nợ BHXH 71 triệu đồng từ tháng 8/2014 đến nay.
Để có được số tiền vài trăm nghìn thưởng Tết cho giáo viên, các trường cũng phải “thắt lưng buộc bụng” trong cả năm. Trường phải trích kinh phí được cấp, hạn chế các hoạt động phong trào. Chia sẻ về chuyện này, chủ tịch công đoàn một trường THCS cho biết không khỏi chạnh lòng cho bản thân và đồng nghiệp, nhưng cũng rất thông cảm với nhà trường.
Một giáo viên chia sẻ, để chu toàn cái Tết, nhiều giáo viên trông chờ vào vợ, chồng làm ngành nghề khác, nhưng cũng không ít giáo viên cả hai vợ chồng làm cùng nghề thì thực sự chật vật. Được gia đình hai bên thông cảm đã đành, cũng có gia đình phải buốt ruột đi vay, tiêu vào lương trả trước mới có một cái Tết gọi là tươm tươm. Bao nhiêu khoản chi tiêu ngày Tết, mà khoản nào cũng không thể thiếu như mua sắm thực phẩm, trang trí nhà cưa, biếu ông bà hai bên, lì xì… đổ lên đầu giáo viên như bao gia đình khác. Thế nên, lương tháng 13 vẫn là mong mỏi của nhiều thầy cô.
- NT (tổng hợp)