"Phải chi cha mẹ con bé có học thức, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bỏ đi tư tưởng phong kiến và chỉ sinh hai con dù gái hay trai, thì có lẽ giờ này gia đình nó đã hạnh phúc hơn..."

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Mai Trúc Nghi, lớp: 8/6, trường: THCS Lê Văn Tám, thành phố Hồ Chí Minh.

- Ê! Đi tiếp đi chứ!

Tiếng gọi làm cho con bé sực tỉnh. Từ nãy đến giờ nó cứ tần ngần mãi trước hình ảnh một gia đình có ba, có mẹ và hai đứa con xinh xắn đang vui đùa trong công viên. Ngoảnh mặt đi, thằng bạn nó đang đợi. Tụi nó đi mót thức ăn thừa ở chợ.

Xách cái giỏ làm từ vải của cái quần rách cũ rích, nó đi tiếp. Như thường lệ, nó đi đến từng giỏ rác, nơi mà luôn tìm được những thức ăn bị vứt đi nhưng vẫn còn dùng được. Con bé cẩn thận nhặt từng miếng bánh mì thiu, từng mẩu thức ăn vụn cho vào giỏ. Đôi khi, bị người ta xua đuổi, nhưng nó đã quen rồi và lại lủi thủi đi tiếp.

Ảnh minh họa. (Theo Reuters)
Hôm nay mót được chẳng bao nhiêu mà còn bị mấy đứa trong xóm bắt nạt, lấy hết đồ ăn. Nó lê bước về nhà, buồn bã thầm nghĩ: “Vậy là hôm nay nhà mình lại đói”. Chỗ ở của nó là một căn nhà sàn xập xệ, chung quanh chỉ toàn rác rến. Hai bên đường là con kênh ngập ứ rác, bốc mùi nồng nặc. Chưa về đến nhà, nó đã nghe thấy tiếng khóc thất thanh. Nó chạy ngay vào ôm lấy mẹ và các em trước cơn giận dữ của bố. Nó òa khóc tức tưởi, miệng không ngừng gào lên thảm thiết: “Con xin bố, bố ơi… ”. Nó đau đớn nhìn đàn em nheo nhóc khóc khan cả cổ, ánh mắt thất thần. Những cảnh ấy chẳng lạ gì với nó vì lúc nào ông ta cũng say. Khi ấy, vợ con trở thành vật thế thân cho những cơn giận dữ.

“Rầm!”. Bố nó ném mạnh cây roi xuống đất, bỏ ra khỏi nhà… Tiếng động lớn làm lũ trẻ khóc thét lên. Cảnh tượng tan hoang. Những cái chén cuối cùng trong nhà cũng bị đập bể cả, mảnh vỡ văng ra khắp nhà. Nồi, niêu, xoong, chảo nằm la liệt dưới dất. Gương mặt, ánh mắt của người vợ và sáu đứa con vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Nước mắt đã cạn khô nhưng dường như nỗi sợ vẫn còn đó. Căn nhà bình thường đã khó đứng vững trước mưa bão mà còn phải liên tục chịu đựng những cơn giông tố, cũng như số phận của mẹ con nó vậy.

Nhà nó có cả thảy sáu đứa con. Đứa lớn nhất là nó mới mười tuổi. Hằng ngày, mấy đứa con nít lăn lê, bò lết dưới sàn nhà, đen thui, dơ dáy. Ngay cả đứa nhỏ nhất cũng không có quần mặc, ruồi nhặng bu đầy người. Bà mẹ cũng đen đúa, ốm nhách, thoạt nhìn tưởng như cơn gió nhẹ cũng có thể hất ngã. Tất cả là do tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ từ người chồng.

Ông muốn có con trai nhưng lại chỉ sinh toàn con gái nên lao vào nhậu nhẹt bê tha, dù không có nghề nghiệp ổn định. Đến khi có được con trai thì ông cũng chẳng còn khả năng nuôi cả gia đình nheo nhóc. Để mưu sinh, đứa thì mót thức ăn, đứa đi bán vé số, đứa phải đi bốc vác dù tuổi đời còn quá nhỏ. Tuổi thơ của chúng quá nhọc nhằn trên con đường mưu sinh kiếm sống.

Dù phải làm việc từ bé nhưng khát khao học chữ vẫn luôn bùng cháy trong chúng, đặc biệt là con bé. Không biết bao nhiêu lần nó đứng như chôn chân ở lớp học, nghe lóm thầy giảng bài. Nhìn vào lớp, ánh mắt nó như tỏa sáng, như muốn vươn đến những con chữ, con số trên bảng. Nhưng khi nghĩ đến mấy đứa em đang khóc vì đói, nó quay bước... Mơ ước được vui chơi cũng quá xa vời. Mưu sinh kiếm sống đã cướp đi những niềm vui nhỏ bé của chúng.

Cuộc đời thật bất công! Nếu được học hành, hẳn con bé và các em mình sẽ biết rằng người lớn đã vô tình xâm phạm những quyền cơ bản của trẻ em mà chúng cần có. Chúng không được yêu thương, không được học hành, vui chơi, không có quyền phát biểu ý kiến của mình và đặc biệt là không được nhận sự bình đẳng về giới. Và chúng nó sẽ buồn biết chừng nào nếu biết mình sinh ra dưới sự ghẻ lạnh của người cha và sự thất vọng não nề của người mẹ!

Sau cơn thịnh nộ của người cha, mọi việc cũng trở về với dòng chảy của nó. Người mẹ tiếp tục thơ thẩn trong vô định. Những đứa nhỏ tiếp tục vô tư không biết đến tương lai ngày mai. Và những người chị lớn kia vẫn tiếp tục lủi thủi trong đêm kiếm cái ăn cho cả gia đình…

Nhìn theo cái dáng gầy gò, liêu xiêu của con bé và các em nó trong màn đêm đen kịt như chính tương lai của chúng, tôi thầm ước mơ… Phải chi cha mẹ con bé có học thức, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bỏ đi tư tưởng phong kiến và chỉ sinh hai con dù gái hay trai, thì có lẽ giờ này gia đình nó đã hạnh phúc hơn. Nó và các em đã được yêu thương, chăm lo đầy đủ. Phải chi người bố không ăn nhậu bê tha thì có lẽ chị em chúng đã được ăn học, vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác… Phải chi bản thân tôi có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, thì tôi sẽ thay đổi tất cả những điều trên để mang lại lợi ích tốt đẹp nhất cho gia đình con bé nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung… Phải chi…

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.