- Ở vùng biên giới này, trẻ con từ lúc sinh ra đến khi học lớp 1 chỉ biết mỗi tiếng mẹ đẻ. Các thầy dạy tiếng Việt cũng đồng nghĩa với việc dạy “ngoại ngữ” cho các cháu. Muốn dạy cho các cháu hiểu, những thầy giáo cắm bản cũng phải học “tiếng nước ngoài”.

{keywords}

Thầy Thảo đang hướng dẫn các em học sinh lớp 1 ở bản Aki viết bảng chữ cái

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có 18 bản với 100% đồng bào Macoong sinh sống.

Những bản như Aki, Tuộc, Troi, Cờ Đỏ… là những địa bàn khó khăn không chỉ về cuộc sống mà còn về sự dạy và học.

{keywords}

Những đứa trẻ ở bản Troi tự chơi với nhau sau giờ học

Ngoài điểm trường chính, chỉ duy nhất điểm trường Cờ Đỏ có lớp mầm non, các điểm trường còn lại chỉ có bậc tiểu học với hai thầy giáo cắm bản.

Bản Aki là bản có đường đi khó nhất, cả bản có 12 em học sinh, trong đó lớp 1 ba em, lớp 2 ba em, lớp 3 hai em, lớp 4 hai em, lớp 5 hai em học ghép lại với nhau.

Thầy Nguyễn Văn Thảo, một trong hai thầy giáo cắm bản cho biết, ngay từ khi sinh ra đến lúc được đến lớp, các em chỉ nói tiếng của dân tộc mình nên việc dạy và học trở nên rất khó khăn. Để dạy cho các em hiểu, phần lớn các thầy cắm bản đều phải biết tiếng dân tộc.

“Tôi dạy lớp 1, 2 - khi muốn các cháu cầm bút để hướng dẫn cách viết chữ o tôi không thể nói tiếng Việt, nên các cháu sẽ không hiểu. Do đó, tôi phải học tiếng mẹ đẻ của các cháu để hướng dẫn chúng viết và đọc. Khi các cháu học được bảng chữ cái, biết ghép vần thì thầy mới dùng tiếng Việt để giảng bài”- thầy Thảo kể.

{keywords}
Một góc bản Troi
Cuộc sống khó khăn, bố mẹ bọn trẻ toàn để những đứa nhỏ tự chơi với nhau đứa lớn và bố mẹ còn bận lên rẫy hái rau, xuống suối xúc cá kiếm ăn cho cả gia đình nên trường mầm non, đu quay hay lớp học được dán đầy phiếu bé ngoan là những thứ mà chúng không bao giờ được biết.

Đến tuổi học lớp 1, các thầy giáo cắm bản mới vận động đến lớp, lúc đó đám trẻ con mới bắt đầu trọ trẹ đọc, viết tiếng Việt mà như học “ngoại ngữ”.

“Ở những địa bàn xa như thế này, các cô mầm non không thể đi cắm bản được. Khổ nhất cũng chỉ là con đường thôi, họ còn gia đình, con cái nữa. Cũng ngặt một nỗi là không có thầy dạy…mần non”, thầy Thảo pha trò với chúng tôi.

Những thầy cô “đặc biệt”

Điều kiện các bản phần lớn còn gặp rất nhiều khó khăn, địa bàn lại xa nên các thầy trong trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch thường luân phiên nhau cắm bản.

Phần lớn các bản đều không có điện thắp sáng, sóng điện thoại, đường đi lại khó khăn nên khách ngoài lực lượng bộ đội Biên phòng và các cán bộ xã, rất ít khi các thầy có khách xuôi ghé thăm.

{keywords}
Lớp học mầm non ở bản Cờ Đỏ

“Ngày thì lên lớp và vận động các em đến lớp, đêm đến hai anh em nằm hai phòng, nói chuyện dăm ba câu đã lên giường đi ngủ. Vì không có điện thắp sáng nên đêm dài lắm”, thầy Đỗ Hồng Thái cho biết.

Rời Aki, chúng tôi đến bản Troi, bản này có 15 em học sinh với hai thầy Nguyễn Thế Hạnh và Nguyễn Văn Chung cắm bản.

“Thực ra tên tôi là tên con gái, ở đây lại rất buồn nên hai anh em vẫn hay gọi trêu nhau là vợ - chồng cho vui, đỡ nhớ nhà, nhớ vợ con hơn”, thầy Hạnh cười nói.

Ngoài điểm trường chính, chỉ ở bản Cờ Đỏ trẻ em mới được đi học mầm non. Cô giáo duy nhất cắm bản là cô Nguyễn Thị Minh, ở Hạ Trạch.

“Tôi đã lên cắm bản ở đây được 4 năm, mỗi lần đi tôi đều gần như “mất tích” mười ngày, nửa tháng. Nhớ hai con quay quắt nên mỗi lần ra đi là con khóc mẹ khóc. Giá như có điện, hằng ngày gọi về cho con cũng đỡ nhớ hơn”, cô Minh chia sẻ.

Thấy cô giáo cứ thui thủi một mình, dân bản đi bắt được con cá dưới suối, hái được bó rau rừng cũng đưa sang biếu cô. Tình cảm của đồng bào làm cô phần nào nguôi nỗi nhớ nhà.

Rời Thượng Trạch khi chiều xuống, chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng khóc ré lên khi thấy khách lạ của mấy đứa trẻ con ở bản Cờ Đỏ và giọng ê a đọc bảng chữ cái tiếng Việt mà như đọc ngoại ngữ của mấy em học sinh lớp 1.

  • Hải Sâm