- TS Phan Quốc Việt cho biết đã đọc bài báo góp ý về bộ sách "Thực hành kĩ năng sống" do ông làm chủ biên.

Trao đổi với VietNamNet, TS Việt cảm ơn thầy giáo Trần Trung Huy đã tìm ra một số khiếm khuyết của sách, tuy nhiên cũng nói thêm "các thầy cô có được đào tạo kĩ năng sống bao giờ đâu".

Ông Việt nói, trong lần tái bản tới, sách sẽ được in đẹp hơn, nội dung cô đọng hơn, thiết thực và sát hơn với yêu cầu và nội dung về đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD-ĐT mới ban hành.

"Đây là sách tham khảo, tùy điều kiện và vănhóa vùng miền, năng lực của học sinh, thầy cô sẽ lựa chọn nội dung, kiến thức phù hợp. Cả bộ 5 cuốn sách được biên soạn theo hệ thống nhất quán nhưng có tínhđộc lập. Sách hiện đã được hơn 50% tỉnh thành trên cả nước đón nhận".

{keywords}
TS Phan Quốc Việt trong một buổi dạy kĩ năng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đi vào cụ thể, ông nói sao về câu hỏi học sinh lớp 3 sao đã học “Tổng quan cấu trúc bài thuyết trình” của thầy giáo Huy?

Bài này của học sinh lớp 3 dạy về tổng quan cấu trúc bài thuyết trình. Có thể hiểu đơn giản là mở bài, thân bài, kết luận. Cái này học sinh lớp 1 cũng học được và hoàn toàn bình thường.

Cần hiểu bất cứ câu chuyện nào cũng có thể coi như một dạng thuyết trình, có mở đầu, trao đổi và kết thúc như cuộc nói chuyện giữa hai chúng ta đây.

Bạn bè gặp nhau cũng là thuyết trình.

Một bữa cơm gia đình cũng có phần chào mời xin phép trước bữa ăn, phần ăn và kết thúc bữa biết cám ơn.

Đừng nghĩ thuyết trình là cái gì nặng nề, xa vời. Tất cả các kỹ năng chúng tôi đều xây dựng theo hình xoáy trôn ốc đi lên. Lớp dưới học đơn giản, càng lên lớp trên càng sâu hơn, chi tiết hơn.

Một trong những yếu kém nhất của người ViệtNam là kỹ năng thuyết trình. Ngay các trường sư phạm, khi tốt nghiệp phải sử dụng kỹ năng thuyết trình nhiều nhất thì cũng chưa được dạy cẩn thận.

Người Việt Nam tính toán khá giỏi nhưng không biết trình bày thuyết phục nên rất thiệt thòi trong thời buổi hội nhập, thua ngay trên sân nhà chứ đừng nói “mang chuông đi đấm nước người" nữa.

Vậy tại sao học sinh lớp 4 sao đã học“Hai bán cầu não”?

Thậm chí lớp 1 các cháu cũng có thể hiểu được hệt như chúng ta có hai tay phải và tay trái vậy.  

Có điều là lượng kiến thức phảiphù hợp với từng lớp. Đơn giản như kiến thức toán cũng vậy. Lớp 1 các cháu học cộng trừ, lên lớp 5,… lên ĐH vẫn hoc số học nhưng độ khó tăng dần.

Tôi thấy rất sợ và nguy hiểm khi hiện nay trò vào lớp 1, nhiều trường chỉ cho phép kiểm tra viết bằng tay phải, không cho viết tay trái. Trẻ hiểu em có tay trái tay phải thì cũng có não trái, não phải. Não trái tư duy lô gic. Não phải nghiêng về cảm xúc nghệ thuật. Em nào mạnh điểm nào nên để các em phát triển phần đó.

Học sinh lớp 5 sao đã phân tích chữ Hán, thưa ông?

Tôi không học và cũng không biết nhiều về chữ Hán.

Chữ Hán được đưa ra ở đây với mục đích giải thích trong từ thính - lắng nghe có 5 mục phải thực hiện: mắt nhìn, tai nghe, để tâm đến, coi người nói như vua, tự mình làm chủ bản thân và tất cả phải thực hiện cùng lúc, nhất quán.

Cái gì là tinh hoa của thế giới thì nên cho con cháu mình học tập. Và để hiểu được điều này, chúng tôi có bài tập bổ trợ, chu trình tham dự khi lắng nghe: mắt nhìn, tai nghe, đầu gật, miệng nhắc, tay chép, nhất quán tất cả các giác quan, toàn tâm toàn ý. Phương pháp như vậy là rất khoa học.

Bộ sách khi lưu hành có nhận nhiều ý kiến trái chiều không, thưa ông?

Trước khi in phát hành chính thức bộ sách thực hành kĩ năng sống, chúng tôi và Nhà xuất bản Giáo dục đã in thử và đi lấy ý kiến của giáo viên ở nhiều tỉnh thành.

Chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp chân thành, khích lệ xây dựng.

Lần đầu tôi vào TP.HCM tập huấn cho gần 400 trưởng phó phòng giáo dục, hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên cốt cán tiểu học về phương pháp giảng dạy bộ sách thực hành kĩ năng sống.

Sau một tháng nghiên cứu, Sở GD-ĐT TP.HCM đã mời tôi vào tập huấn cho khoảng 3.600 hiệu phó và giáo viên tiểu học cốt cán (12 buổi đào tạo, mỗi buổi cho 300 giáo viên).

Tổng cộng, hè 2014 chúng tôi đã tập huấn cho hơn 20.000 hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên cốt cán của trên 35 tỉnh thành.

Sau khi được tập huấn, rất nhiều hiệu trưởng đã gọi điện đề nghị chúng tôi về tập huấn cho toàn bộ học sinh và giáo viên nhà trường. Nhiều trường mời cả phụ huynh tham dự.

Nếu có một biểu bảng so sánh mức độ học mà chơi, chơi mà học của bộ sách với các môn học khác haychưa thì chúng ta có thể nhìn nhận chính xác hơn.

Phải chăng thầy giáo phản ứng do tập huấn không kĩ?

Trên VietNamNet, ngày 04/02 có đăng bài “400 chuyên gia tìm hướng đi mới cho các trường sư phạm”.

“Những bất cập được thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đưa ra, phương pháp đọc chép vẫn không chỉ diễn ra tại các trường ĐH, CĐ mà ngay trong hệ thống giáo dục hiện nay. Vì vậy, phương pháp giáo dục này đã quá lạc hậu và cần phải đổi mới ngay từ bây giờ”.

Các thầy cô nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung có được đào tạo kĩ năng sống bao giờ đâu.

Tôi bỏ toán lý để chuyển sang kĩ năng sống cũng chính vì lý do đó. Dịch chuyển từ đọc chép sang đào tạo kĩ năng quả là một khó khăn quá lớn, nhưng không thể không làm.

Chúng tôi chân thành cám ơn những góp ý của thầy Huy và sẽ chắt lọc một cách hợp lý nhất cho lần tái bản tới.

Chúng tôi cũng rất mong đợi những đóng góp xây dựng của tất cả các thầy cô và những ai quan tâm đến cải cách giáo dục, đến con em mình và chính mình.

Cảm ơn ông!

  • Văn Chung (Thực hiện)