- Không giống với các thế hệ những người yêu nước trước, Phan Bội Châu biết phóng tầm nhìn ra ngoài, hướng về phía biển, trước cả người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
GS Chương Thâu, người dành cả cuộc đời nghiên cứu về Phan Bội Châu nhận định như vậy trong câu chuyện đầu năm 2015, nhân sự kiện 110 năm phong trào Đông du (phong trào ra nước ngoài "cầu học" để trở về xây dựng nước nhà phát triển).
GS Chương Thâu – một trong những chuyên gia hàng đầu về nhân vật lịch sử Phan Bội Châu hiện nay. |
Một cách ngắn gọn nhất, giáo sư có thể , sự hình thành của phong trào Đông du đã diễn ra như thế nào?
GS Chương Thâu: Trong những công trình nghiên cứu, tôi đã tìm hiểu và đánh giá cụ Phan Bội Châu đã có những hoạt động gì, đóng góp như thế nào cho cách mạng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là nước thuộc địa nửa phong kiến, đất nước bị chia thành "ba kỳ", dân tộc ta khi đó cực kỳ gian khổ.
Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng ta đã có những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc qua hai thời kỳ.
Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc theo khuynh hướng phong kiến. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương. Tuy nhiên đến năm 1895 khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như kết thúc, đánh dấu sự sụp đổ của ngọn cờ giải phóng dân tộc theo khuynh hướng phong kiến.
Giấy khen GS Chương Thâu nhận được sau khi hoàn thành vai trò chủ biên cuốn sách “Phan Bội Châu toàn tập”. |
Chịu ảnh hưởng của các nước phương Tây và các nước phương Đông, cụ Phan Bội Châu đã lập ra Duy Tân hội (1904) ở Quảng Nam. Lúc đó, Phan Bội Châu mới chỉ hơn 30 tuổi.
Khi đó, chúng ta thiếu thốn về vật chất, thiếu vũ khí. Còn Nhật Bản đang là một quốc gia hùng mạnh, lại đồng văn, đồng chủng, đồng châu với Việt Nam, vì vậy mà cụ Phan Bội Châu đã nghĩ đến việc sang Nhật xin viện trợ.
Đầu năm 1905, cụ Phan Bội Châu rời Việt Nam đi Hong Kong, Quảng Châu, rồi Thượng Hải và lên tàu sang Nhật.
Tại đây, cụ gặp nhà trí thức Lương Khải Siêu. Hai người trò chuyện rất tâm đầu ý hợp. Dự định ban đầu của Phan Bội Châu là mong Nhật giúp đỡ về mặt quân sự.Nhưng một số chính khách Nhật Bản như Okuma, Inukai khuyên nên đào tạo nhân tài trước, vì vậy mà chuyển từ “cầu viện” sang “cầu học”.
Từ năm 1905 đến 1908, phong trào đã vận động được khoảng 200 thanh niên yêu nước Việt Nam sang Nhật Bản học tập ở các trường. Có một số cán bộ cách mạng đã trưởng thành từ phong trào này như ông Hoàng Trọng Mậu, Hồ Ngọc Lãm, Lê Hồng Phong, Lương Ngọc Quyến,…
Năm 1907, Pháp Nhật bắt tay nhau kí kết hiệp ước.Năm 1908 chính phủ Nhật đã trục xuất du học sinh Việt Nam. Cùng lúc đó Pháp ra sức đàn áp những gia đình có con em du học ở Nhật và những người ủng hộ tài chính cho phong trào Đông du. Đo đó, năm 1909 Đông du bị triệt hạ.
Bức chân dung nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu được treo giữa nhà GS Chương Thâu. |
Phong trào Đông du có ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển của lịch sử dân tộc?
Phong trào Đông du là sự lựa chọn mang tính chất thời đại.
Là một điểm nhấn trong phong trào giải phóng dân tộc, là mốc son sáng chói của phong trào yêu nước của dân tộc ta vào đầu thế kỷ 20.
Là nhịp cầu truyền thống nối liên hai giai đoạn lịch sử, giữa sự thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng phong kiến và sự thành công của phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản.
Phong trào Đông Du tuy thất bại, song tiếng vang của phong trào, hình ảnh cụ Phan Bội Châu mãi còn đọng lại trên những trang sử.
Nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu là nhân vật trung tâm trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20.
Cụ tiến bộ hơn những nhà yêu nước khác ở chỗ tiếp thu những kiến thức Tây học cùng những kiến thức phương đông, từ đó hình thành tư tưởng đưa những trí thức trẻ của Việt Nam sang Nhật Bản. Từ cầu vũ lực chuyển sang cầu học, học kiến thức để phụng sự cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.
Điểm tiến bộ trong con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu so với lớp người yêu nước trước là gì thưa GS?
Có thể nói rằng Phan Bội Châu là người chí sỹ yêu nước đầu tiên biết nhìn ra biển.
Không giống với các thế hệ những người yêu nước trước, Phan Bội Châu biết phóng tầm nhìn ra ngoài. Trước cả người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
GS Chương Thâu dành toàn bộ cuộc đời mình để nghiên cứu về nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu. |
Người Việt Nam hiện nay sang Nhật học tập và lao động khá nhiều. Tuy nhiên một số người lại có những hành động xấu như ăn cắp vặt làm cho hình ảnh người Việt xấu xí đi trong mắt người Nhật. Nếu biết "hậu thế" như thế này, cụ Phan Bội Châu liệu sẽ suy nghĩ gì?
Theo ghi chép của cụ Phan Bội Châu, trong thời kỳ dân chủ tư sản, luật lệ Nhật Bản khá nghiêm minh, con người công dân của họ không có chuyện lừa đảo, trộm cắp.…
Từ mấy chục năm về trước, cụ Phan Bội Châu đã nhận ra như vậy và khẳng định ta còn thua Nhật Bản về nét văn minh này.
Tôi nghĩ, những nhà hoạch định chính sách bây giờ có lẽ cũng nên học những cách đối xử của người Nhật.
Những cuốn sách về nhiều nhân vật lịch sử do GS Chương Thâu biên soạn. |
Trong nhiều năm lãnh đạo phong trào Đông Du, cụ Phan Bội Châu đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như “Ai Việt điếu điền”, “Hải ngoại huyết thư”, “Tân Việt Nam”, “Đề tỉnh quốc dân hồn”, “Việt Nam quốc sử khảo”,…
Tất cả những tác phẩm của Phan Bội Châu trong thời kỳ này ngoài việc lên án chế độ thực dân Pháp còn thể hiện mối thâm tình giữa những người yêu nước Nhật với những người yêu nước Việt Nam. Đặc biệt tuyên truyền mạnh mẽ tư tưởng, con đường giải phóng dân tộc, khích lệ thanh niên học tập.
Xin cảm ơn giáo sư!
- Nguyễn Tuyết (thực hiện)