Đề thi “hai trong một” sẽ nhẹ nhàng để thí sinh có học lực trung bình cũng đậu tốt nghiệp hay sẽ tập trung nhiều câu khó để phân loại xét tuyển ĐH?

Việc chấm thi sau khi trở về thang điểm 10 sẽ có gì thay đổi?

Những câu hỏi được đặt lên bàn PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - ngay sau khi Bộ ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015.

  {keywords}

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 


PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng ma trận đề thi cho tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Ma trận đề thi sẽ phản ánh đầy đủ các cấp độ nhận thức từ dễ đến khó (biết, hiểu, vận dụng thấp - vận dụng cao) ứng với các khối nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Ma trận đề thi cũng sẽ phản ánh tương quan giữa nội dung với các cấp độ nhận thức một cách hợp lý để đề thi đảm bảo vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Không ban hành cấu trúc đề thi

Nhiều thí sinh thắc mắc: trên một số kênh truyền thông vẫn đưa ra cấu trúc đề thi quốc gia của Bộ GD-ĐT, nhưng thực tế năm 2015 Bộ GD-ĐT có còn ban hành cấu trúc đề thi hay không, thưa ông? Nếu Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi nữa thì thí sinh có thể tham khảo dạng đề theo “kênh” nào?

- Với cách tiếp cận mới về cơ sở lý luận và cơ sở khoa học của việc xây dựng đề thi, cấu trúc đề thi được phản ánh thông qua ma trận đề thi.

Để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, trong mấy năm gần đây Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 nên các em có thể tham khảo các đề thi này.

Từ năm 2013 trở về trước, trừ môn ngoại ngữ chỉ có một phần chung cho tất cả các thí sinh, các môn còn lại đều có cấu trúc gồm phần chung và riêng, trong đó phần chung thường có thang điểm 7 và phần tự chọn là 3 điểm.

Ở kỳ thi tuyển sinh 2014, đề thi nhiều môn đã không còn theo mô hình truyền thống này nữa mà chỉ thống nhất một phần chung để tất cả thí sinh tham dự kỳ thi cùng phải trả lời những câu hỏi như nhau.

Với xu hướng ra đề thi tăng cường đánh giá năng lực, các em không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi như trước đây.

Nếu phần kiến thức để kiểm tra năng lực chỉ nằm ở phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao thì không cần phải có phần đề thi theo chương trình chuẩn và phần theo chương trình nâng cao cho thí sinh chọn nữa, giống như các đề thi tuyển sinh năm 2014.

Nếu kiến thức sử dụng trong đề thi không nằm trong phần giao thoa sẽ buộc phải có hai phần câu hỏi riêng để thí sinh tự chọn. Bộ sẽ giao cho ban đề thi toàn quyền xử lý việc này: sử dụng kiến thức nào để kiểm tra năng lực và kiến thức ấy nằm trong chương trình nâng cao hay cơ bản...

Chương trình lớp 12 hiện hành có một số phần giảm tải. Như vậy đề thi có ra vào phần giảm tải hay những phần quá khó không, thưa ông?

- Các em yên tâm rằng đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ có nội dung nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Các nội dung đã giảm tải không nằm trong nội dung thi, song các em lưu ý một số môn thi có xu hướng ra đề theo hướng mở, hướng vận dụng kiến thức nên đòi hỏi thí sinh phải chú ý đến việc vận dụng kiến thức trong thực tế đời sống.

Theo quy chế, đề thi sẽ đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Đề thi tự luận sẽ ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi.

Các em cần lựa chọn các phần câu hỏi để làm bài trước một cách phù hợp với khả năng của mình, không nên máy móc làm theo thứ tự câu hỏi từ đầu đến cuối, gặp câu khó không vừa sức sẽ mất nhiều thời gian không hiệu quả.

Đây là đề thi của kỳ thi hai mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng kết quả xét tuyển vào ĐH, nên bên cạnh những câu hỏi dễ chắc chắn đề thi cũng có các câu hỏi ở mức độ khó nhằm phân hóa kết quả thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đề thi ngoại ngữ sẽ có phần viết + trắc nghiệm?

Việc ra đề thi mở, khơi gợi khuynh hướng học tập kích thích tư duy, không phụ thuộc việc học tủ, học thuộc lòng mà Bộ GD-ĐT đã áp dụng hiệu quả sẽ được phát huy thế nào trong các môn xã hội và có được mở rộng hơn nữa trong các môn tự nhiên như toán, lý, hóa...?

- Những năm gần đây đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như ngữ văn, lịch sử, địa lý đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài.

Chẳng hạn trong đề thi ngữ văn có kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân... Đề thi các môn khoa học xã hội đã tiếp cận theo xu hướng ra đề đổi mới này bằng nhiều câu hỏi gắn với đời sống xã hội, đòi hỏi thí sinh có sự quan tâm, tìm hiểu về những vấn đề thời sự, diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. 

  {keywords}

Cán bộ chấm thi Trường ĐH Sài Gòn chấm thi môn sử kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014

Ở một số môn trước kia yêu cầu thí sinh phải nhớ các sự kiện, thời gian, nhưng từ một vài năm trở lại đây các dữ kiện đó lại được đưa vào đề thi và chỉ đòi hỏi thí sinh hiểu, phân tích, bình luận trên những dữ liệu có sẵn.

Ngay những đề thi vật lý, toán học, hóa, học, sinh học cũng có những câu hỏi kiểm tra việc vận dụng kiến thức thí sinh đã học vào nhiều hiện tượng cuộc sống. Những thay đổi này là cần thiết, đã được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao.

Đề thi ngoại ngữ năm nay sẽ chỉ gồm các câu hỏi trắc nghiệm như đề thi tuyển sinh ĐH mọi năm hay sẽ có cả phần tự luận như lộ trình Bộ GD-ĐT từng đặt ra và từng thí điểm trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014? Thời gian thi các môn có gì thay đổi so với trước đây?

- Những kinh nghiệm tốt trong ra đề thi tốt nghiệp THPT cũng như đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước sẽ được tiếp tục phát huy trong đề thi năm 2015. Hiện tại hình thức thi, lịch thi, thời gian thi từng môn chưa được quy định cụ thể trong quy chế mà sẽ có trong hướng dẫn thi sắp tới sẽ được ban hành.

Riêng về thời gian thi các môn dự kiến sẽ tương tự thời gian thi các môn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy các năm trước: thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút. Dự kiến với môn ngoại ngữ, đề thi vẫn sẽ gồm phần viết và phần trắc nghiệm như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Không làm tròn điểm

Tất cả các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, nhưng không quy tròn điểm. Việc không quy tròn điểm tính trên điểm từng bài thi cũng như tổng điểm từng tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.

Điều này khác biệt so với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây vốn cho phép nếu tổng điểm ba môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5 và có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1 thì quy tròn thành 1.

Ngoài các bài thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy, việc chấm bài thi tự luận sẽ theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT.

Theo đúng quy trình, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm. Sau đó sẽ tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.

Ở hai lần chấm này, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau dưới 0,5 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, dưới 1 điểm đối với môn khoa học xã hội thì hai cán bộ chấm thi sẽ thảo luận thống nhất điểm.

Trường hợp lệch nhau từ 0,5-1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1-1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, hai cán bộ chấm thi phải thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm.

Còn trường hợp điểm hai lần chấm lệch nhau trên 1 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, trên 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh.

Quy trình chấm thi rất chặt chẽ và được quy định cụ thể trong quy chế. Các hội đồng thi sẽ phải tuân thủ nghiêm túc, đảm bảo cho kỳ thi được an toàn, minh bạch, công bằng.

(Theo Tuổi trẻ)