Năm nay, mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, theo quy định phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, nhưng nhiều trường ĐH băn khoăn không hiểu giấy chứng nhận kết quả thi có ghi rõ đợt xét tuyển bổ sung thứ mấy không hay chỉ là chứng nhận kết quả thi một cách chung chung.
Trưởng phòng đào tạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Văn Tùng cho rằng, nếu ghi rõ thì cơ hội vào từng trường của thí sinh sẽ cao hơn, hồ sơ ảo giảm đi vì mỗi lần các em chỉ được đăng ký ở 1 trường và có 4 ngành để lựa chọn.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014. (Ảnh: Văn Chung) |
Liệu với 20 ngày cho lần nộp, rút và chuyển nguyện vọng có đủ thời gian để học sinh tới trường, rút hồ sơ và chuyển sang trường khác cũng là câu hỏi nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn. Những thí sinh ở vùng khó khăn việc tiếp cận thường xuyên với Internet để cập nhật tình hình tuyển sinh cũng không dễ dàng.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội lo có thể xảy ra tình trạng học sinh liên tục rút hồ sơ khiến công việc trường tăng lên.
Việc tổ chức cụm thi cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì theo PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh cần xem xét lại. Bởi, thi theo hình thức nào cũng có thí sinh đậu và trượt.
Theo PGS Cương, đã là một kỳ thi, chung khâu coi, chấm và đề thi không phân biệt câu nào phần nào dành cho tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ thì không nên để tồn tại cụm thi do sở GD-ĐT tổ chức.
Miễn thi ngoại ngữ sẽ tiêu cực?
Điểm mới khác của quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT được miễn thi môn ngoại ngữ và được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT – theo PGS Cương nên bỏ.
Bởi, một học sinh đủ khả năng thi lấy các văn bằng, chứng chỉ quốc tế đó ít nhất thi tốt nghiệp cũng được 8-9 điểm. Tôi e sẽ xuất hiện chuyện chạy bằng cấp có thể xảy ra nếu không làm chặt.
Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết, nhà trường cũng sẽ xem xét và khả năng sẽ không công nhận một số chứng chỉ như bằng B1, B2… và chỉ công nhận bằng do một số chương trình quốc tế cấp.
Bởi theo ông Điền, nếu cho điểm 10 tất thì bằng B1, B2 được công nhận tương đương như thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ hay sao? Chắc chắn nhiều trường sẽ xem xét lại quy định mới này…
75% con số thiếu thực tế?
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nêu rõ những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Quy định này thể hiện sự thiếu khoa học, không thực tế, thậm chí vi phạm quyền tự chủ về tuyển sinh của các cơ sở đào tạo?
Có ý kiến cho rằng, con số 75% trên thực tế không dựa trên một căn cứ khoa học nào để nói rằng như thế là công bằng. Bởi, nếu một ngành tuyển sinh theo 4 tổ hợp môn thi, trong đó có 3 tổ hợp theo khối thi truyền thống và một tổ hợp mới thì con số này có thể bảo đảm sự công bằng tương đối. Nói là "tương đối" là vì, tỷ lệ này mới chỉ tính đến số tổ hợp môn thi, chưa nói đến số lượng thí sinh đăng ký dự thi theo từng tổ hợp.
Việc Bộ quy định tỷ lệ "cứng" này khiến các trường không thực hiện được đầy đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình. Nhiều trường xây dựng tổ hợp môn thi mới cho phù hợp với ngành đào tạo, cuối cùng với quy định này của Bộ, cũng sẽ chỉ tuyển được một phần nhỏ thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề.
Lẽ ra, Bộ chỉ nên quy định rằng, các trường ĐH phải dành tỷ lệ thích hợp cho tổ hợp môn thi theo khối thi truyền thống, còn thế nào là thích hợp thì phải để các trường tự quyết, căn cứ trên nhu cầu đào tạo, số tổ hợp môn thi, thậm chí là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng tổ hợp.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, nếu không quy định cụ thể về nhiều tổ hợp sẽ xảy ra khiếu nại, gây mất công bằng - trường muốn cho ai đỗ hoàn toàn có thể cho đỗ được do không có quy định chặt chẽ.
Thực tế, mùa tuyển sinh năm 2014 đã có kiện cáo về việc một học sinh đứng đầu danh sách xét tuyển theo khối thi nhưng vẫn trượt. Với lý do đó đã có đề xuất yêu cầu các trường phải công bố công khai chỉ tiêu cho từng tổ hợp.
Dự thảo quy định đưa ra các trường cho rằng, công khai chỉ tiêu cho từng tổ hợp sẽ gò bó cho trường nên trên cơ sở tiếp thu các ý kến, Bộ chốt phương án khá lỏng là không ít hơn 75% để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thi theo khối truyền thống.
Đăng Duy – N.Hiền