- Đây là học kỳ đầy u ám và khủng khiếp với riêng trường đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc. Đợt thi cuối kỳ đã bắt đầu hôm 23/5, nhưng cả trường còn đang như quay cuồng sau những vụ tự sát mới đây của bốn sinh viên và một giáo sư khả kính.

CÁC TIN BÀI KHÁC


Các sinh viên làm lễ cầu nguyện cho những người ra đi

Trận cuồng phong màu tím

Áp lực học hành "kinh niên" có lẽ quá khủng khiếp tại Học viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, hay còn được gọi là trường Kaist. Các nhà tâm lý học của trường đang gấp rút tăng cường dịch vụ tư vấn cho sinh viên.

Hội sinh viên trường Kaist đã ra một tuyên bố quyết liệt nói rằng, “trận cuồng phong màu tím” đang thổi qua khu học xá.

Trong tuyên bố có đoạn: “Ngày qua ngày chúng tôi bị dồn vào một cuộc cạnh tranh thành tích khốc liệt khiến chúng tôi kiệt sức và ngạt thở. Chúng tôi không thể dành ra nổi 30 phút để giúp các bạn cùng lớp gặp khó khăn vì tất cả đống bài tập phải làm”.

Năm thứ ba liên tiếp, Hàn Quốc đứng đầu trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về áp lực học tập. Bộ trưởng Giáo dục tại Seoul cho biết, năm ngoái tại Hàn Quốc có 146 học sinh và sinh viên đã tự sát, trong đó có 53 ở bậc trung học và 3 ở tiểu học.

Rất ít sinh viên tìm đến tư vấn trong những ngày gần đây bởi thời gian thi cử quá gấp rút. Trong giai đoạn cao điểm, chỉ một số ít các trường hợp được giúp đỡ, hầu hết để giảm hồi hộp khi thi cử.

Chỉ khoảng 10% sinh viên Kaist đến trung tâm xin hỗ trợ. “Hãy nhớ rằng sinh viên ở đây còn quá trẻ và họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong những tình huống không thể dự đoán trước. Để đối phó với vấn đề này họ có xu hướng tự trói buộc mình vào trạng thái suy nghĩ sâu” - Kim Mi-hee, trung tâm tư vấn tâm lý của Kaist cho biết.

Tham vọng và Tuyệt vọng của lớp thanh niên ưu tú


Mục tiêu cuối cùng của đa số học sinh là thi đỗ vào một trong những trường trong nhóm SKY – gồm ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Hàn Quốc hay ĐH Yonsei. Trong xã hội trọng địa vị của Hàn Quốc, tấm bằng từ một trường trong nhóm SKY là gần như đã đảm bảo được một sự nghiệp lớn và cuộc sống sung túc cả đời. Với người Hàn Quốc, kiến thức làm nên mọi thứ.

Nhưng Kaist thì khác. Sinh viên không quan tâm tới kỳ thi quốc gia kia và thay vào đó tuyển gần như toàn bộ sinh viên từ những học sinh quý tộc cuối cấp tại các trường có định hướng khoa học đặc biệt. Kaist nhận chỉ khoảng 1.000 học viên mới mỗi năm.

Một khi đỗ vào vào Kaist, sinh viên trở thành báu vật quốc gia. Kết quả là, nhiều người cảm thấy một gánh nặng lớn phải đáp ứng sự trông đợi của cả nước.


Sinh viên trường không chỉ có năng khiếu học hành mà còn được coi là thế hệ lãnh đạo tương lai của nền kinh tế trọng công nghệ của Hàn Quốc. Một khi đỗ vào vào Kaist, sinh viên trở thành báu vật quốc gia. Kết quả là, nhiều người cảm thấy một gánh nặng lớn phải đáp ứng sự trông đợi của cả nước. Tuyên bố của những người đứng đầu hội sinh viên thậm chí còn đánh giá sinh viên Kaist là “trụ cột tương lai của nền khoa học Hàn Quốc”.

Áp lực có thể trở nên quá lớn với một số sinh viên, đặc biệt với những ai luôn là những siêu sao học tập nhưng bỗng dưng phải cạnh tranh gay gắt hơn. “Các em luôn là số một ở trường trung học, nhưng khi đến Kaist, có lẽ các em chỉ là số 40 hay 400, và nhận thấy khó theo kịp được các bạn khác”, Oh Kyung-ja, một giáo sư từng được đào tại tại Harvard về tâm lý lâm sàng tại ĐH Yonsei, nói. “Cạnh tranh cũng có cái tàn nhẫn của nó”.

Hiệu trưởng Suh Nam-pyo của Kaist muốn tiến hành một loạt các thay đổi nhằm phát triển Kaist theo mô hình MIT và các học viện khoa học và nghiên cứu đẳng cấp thế giới khác.

Ông đã quy định tất cả các khóa học sẽ được dạy bằng tiếng Anh. Động thái này gây hoang mang trong toàn trường bởi không phải tất cả các sinh viên và giảng viên đều hoàn toàn thông thạo tiếng Anh.

Ông Suh còn đặt ra một cơ chế quy định sinh viên phải trả thêm học phí đỗi với mỗi phần trăm điểm bình quân thấp hơn mức 3.0 (trên tổng điểm là 4,3). Theo các nhà quản lý của Kaist, tất cả sinh viên đều phải trả học phí mỗi kỳ trên danh nghĩa, nhưng nếu học tốt, sẽ được chính phủ tài trợ hoàn toàn.

Theo cái gọi là chương trình học phí răn đe, một kỳ học kém có thể tiêu tốn của gia đình sinh viên hàng nghìn USD.

Theo cái gọi là chương trình học phí răn đe, một kỳ học kém có thể tiêu tốn của gia đình sinh viên hàng nghìn USD.

Chương trình ngay sau đó đã trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi đối với nhiều sinh viên. Những người không theo kịp “bỗng dưng” cảm thấy mình trở thành kẻ thua cuộc. Một số nhà phê bình cho rằng chính sách này quá khắt khe, thậm chí còn coi đây là nguyên nhân gây ra những vụ tự sát gần đây.

Phần lớn kế hoạch học phí này đã bị hủy, một số khoa sẽ được dạy bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn.

Bế tắc trong cách thoát bế tắc

Hàn Quốc là nước xếp cao nhất trong các nước OECD và liên tục đứng hàng đầu trong các nước phát triển về số vụ tự sát. Nhà ga tàu điện ngầm ở Seoul dựng cả hàng rào để ngăn người nhảy xuống lúc tàu đi đến, và 8 cây cầu trong thành phố đều đã lắp đặt hệ thống camera để phát hiện những người có ý định leo lên tự tử.

Các vụ tự tử của ca sĩ, người mẫu, diễn viên, vận động viên thể thao, con của triệu phú và các nhân vật có tiếng khác đã trở thành chuyện thường ngày tại Hàn Quốc. Năm 2009, cựu tổng thống Roh Moo-hyun nhảy xuống hẻm núi tự tử, sau khi báo chí đưa tin về việc vợ ông nhận hối lộ.

Nhưng vụ tự tử của vị giáo sư và bốn sinh viên trường Kaist – ba nhảy lầu và một (19 tuổi) uống thuốc quá liều – khiến cả nước vừa choáng váng vừa chua xót.

Cuộc cạnh tranh vào một trường đại học hàng đầu bắt đầu vào khoảng giữa các năm trung học. Hơn 80% thanh niên Hàn học đại học hoặc cao đẳng. Phụ huynh ở đây chi tiền vào các lớp học thêm và gia sư cho con – bao gồm cả các lò luyện thi kiểu quân đội – nhiều hơn bất cứ quốc gia OECD nào khác.

Một số bà mẹ thường lên chùa hoặc đền cầu nguyện trong suốt ngày con mình đi thi. Không quân Hàn Quốc thậm chí còn phải điều chỉnh lịch bay để không làm ảnh hưởng tới các thí sinh.


  •  Đình Ngân (theo New York Times)