- Chiều 10/3, tại Bắc Ninh, Bộ GD-ĐT tổ chức bế mạc và công bố giải thưởng cho các dự án tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật cho học sinh phổ thông (khu vực phía Bắc).
Trong số 205 dự án dự thi có 43 dự án được vào vòng 2, đó là những dự án có chất lượng cao thuộc cả 7 nhóm lĩnh vực nghiên cứu.
Có nhiều dạng đề tài dự thi, nhưng Ban giám khảo rất mong các cơ sở đào tạo khuyến khích các em xây dựng các đề tài nghiên cứu xuất phát từ chính suy nghĩ của các em, sẽ đem lại nhiều điều lý thú. Như vậy sẽ đạt được mục đích là các em sẽ năng động hơn, tích cực và sáng tạo hơn.
Các học sinh đoạt giải Nhất toàn cuộc |
Trong số 205 dự án tham dự thi, có 118 dự án được trao giải lĩnh vực, trong đó có 16 giải Nhất, 27 giải Nhì, 37 giải Ba và 38 giải Khuyến khích.
Ở vòng thi toàn cuộc, Ban giám khảo đã chấm và chọn 3 giải Nhất, 19 giải Nhì, 21 giải Ba.
3 giải Nhất thuộc về các dự án: “Quy trình xanh chuyển hóa phế phụ phẩm nông nghiệp thành nhựa sinh học” của nhóm học sinh Đinh Bảo Ngọc, Lê Minh Hiếu đến từ Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội;
Đề tài “Thiết bị đưa nước lên cao dùng sức nước” của nhóm học sinh Nguyễn Tuấn Hùng, Trần Ngọc Vũ đến từ Trường THPT Hoàng Văn Thụ;
Và đề tài “Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm” của nhóm học sinh Nguyễn Minh Quang, Trần Văn Anh đến từ Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Học sinh Nguyễn Văn Hoan với sản phẩm “Rô bốt cứu hộ đa năng” được giải Nhì toàn cuộc.
Với các dự án đoạt giải Nhất, Nhì, Ba toàn cuộc thi ngoài nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT còn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC trao tặng bằng khen và giấy khen.
Nhiều đề tài có ý nghĩa thực tiễn
PGS.TS Mai Sĩ Tuấn, đại diện Ban giám khảo cho biết: Điều minh chứng thêm cho sự nhiệt tình và tự tin của các em học sinh là cuộc thi năm nay có nhiều đề tài dự thi của học THCS và nhiều đề tài đã có giải.
Có 55 dự án của học sinh THCS so với 150 dự án của THPT, chiếm 1/3 số lượng đề tài. Các em lớp 9 còn nhỏ tuổi và chưa được học nhiều kiến thức như các anh chị lớp 11 và lớp 12 nhưng đã “thách thức” các anh chị bằng sự sáng tạo của chính mình và nhiều em thành công.
Ban giám khảo cũng đã chấm đề tài của các em THCS cũng giống với các đề tài một cách công bằng và đánh giá rất cao tính sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn của các đề tài này.
Các đề tài của học sinh THCS thường bằng nguồn từ yêu cầu thực tiễn của cuộc sống hàng ngày như Thiết bị cảnh báo gặp nạn trong nhà tắm, nhà vệ sinh…
Đề tài “Giấy nháp đa năng” giấy nháp nhưng lại có thể xóa, không phải mua mà có thể tự làm lại có thể gấp vào trong sách và không bị quên ở nhà, nếu cần có thể dùng để bọc lại sách - đó là đề tài của học sinh người H’mông (Trường THCS ở vùng rất xa xôi – Mù Cang Chải)….
Một số hình ảnh ghi tại cuộc thi:
Mô hình rô bốt cứu hộ đa năng chạy được trên địa hình đồi núi, sống suối của học sinh THPT Bắc Giang. |
Cuộc thi năm nay còn có sự tham gia đặc biệt của hai chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm khoa học Ucraine. Trong ảnh: chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm khoa học Ucraine ấn tượng với dự án đa dạng hóa các sản phẩm dinh dưỡng từ đậu nàng và nha đam. |
Mô hình dự án chế tạo kính thiên văn điều khiển qua mạng Internet và thiết kế website hỗ trợ hoạt động ngoại khóa về thiên văn học. |
Sản phẩm khai thác năng lượng mặt trời bằng động cơ đốt ngoài của học sinh THCS Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An. |
Đề tài nghiên cứu chế tạo hệ thống thông báo biển hiệu giao thông của học sinh Trường THPT Việt Yên 1, Bắc Giang. |
|
Các gian trưng bày dự án luôn có rất đông người đến tham dự. |
Văn Chung