- Một nghiên cứu về tình trạng bạo lực trong các trường học ở châu Á cho thấy 7/10 học sinh từng trải nghiệm bạo lực học đường.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan International) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) từ năm 2013 đến năm 2014. Đối tượng nghiên cứu là học sinh tại 5 quốc gia: Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal.
Báo cáo cho thấy quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia (84%) và thấp nhất là Pakistan (43%), tuy nhiên đây vẫn là một con số cao đáng báo động.
Trong số 5 quốc gia, Việt Nam cũng thuộc tốp có tỷ lệ cao ở cả nhóm bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác và bạo lực tình dục. Tỷ lệ học sinh Việt Nam trải qua bạo lực ở bất cứ hình thức nào là 71%.
66% học sinh Việt Nam được khảo sát từng trải qua bạo lực tinh thần, chỉ xếp sau Indonesia – 69%. Với 31% học sinh từng hứng chịu bạo lực thể xác, Việt Nam đứng thứ 3, sau Nepal (47%) và Indonesia (40%). Tỷ lệ bạo lực tình dục ở nước ta là 11% - cao hơn Campuchia (2%), Nepal (9%) và Pakistan (4%).
Kết quả nghiên cứu cho thấy bạo lực tinh thần chiếm tỷ lệ cao ở cả 5 nước và học sinh nhận thấy đây là một yếu tố nổi bật khiến cho trường học trở thành một nơi không an toàn. Bạo lực thể chất là hình thức phổ biến thứ hai mà những học sinh tham gia nghiên cứu đã trải qua. Trong tất cả các nước được khảo sát, tỷ lệ các nam sinh thừa nhận phải đối mặt với bạo lực thể chất ở trường cao hơn đáng kể so với các nữ sinh.
Nhìn chung, tỷ lệ xâm hại và quấy rối tình dục là thấp ở một số nước đặc biệt là Campuchia và Pakistan. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý ở đây là những trải nghiệm này có thể không được báo cáo hết do lo sợ hậu quả. Không có sự khác biệt đáng kể nào giữa tỷ lệ nam và nữ báo cáo về việc bị xâm hại tình dục ở các nước trên.
Đáng báo động là 43% học sinh được khảo sát cho biết đã không làm gì khi chứng kiến hành vi bạo lực tại trường học.
Theo bà Nandita Bhatla, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ: “Báo cáo này quan trọng bởi nó ghi nhận mọi hình thức và phạm vi liên quan đến bạo lực mà trẻ em phải gánh chịu ở các nước thực hiện khảo sát. Ngoài các hình thức bạo lực dễ nhận ra như bạo lực thân thể, trẻ em đã chia sẻ các hình thức kỳ thị, ngôn ngữ xúc phạm và các hình thức bạo lực tâm lý khiến cho trường học trở thành nơi không an toàn với trẻ. Và nghiêm trọng hơn, trẻ em đã không tin tưởng vào những người lớn xung quanh các em.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người lớn có vai trò quan trọng với trẻ thường không được trẻ chia sẻ các trải nghiệm bạo lực; hoặc họ là chính là những người gây ra bạo lực. Việc này gây tác động lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ”.
- Nguyễn Thảo