- Sau sự việc có nhiều cách hiểu khác nhau về chi tiết "Thánh Gióng tắm Hồ Tây" trong tài liệu học tập của học sinh lớp 5, VietNamNet nhận được bài viết của độc giả Nguyễn Việt Hùng, đang công tác tại Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Dưới đây là nội dung bài viết.


Thêm một văn bản trong SGK được/bị xã hội đặt câu hỏi về tính xác thực, nguồn gốc, giá trị tư tưởng thẩm mĩ cuả nó. Xã hội, trong đó có học sinh, phụ huynh, các trí thức hay bất kì một người dân bình thường nào cũng có quyền chính đáng được tường minh các thông tin. Liên quan đến văn bản ở SGK Tiếng Việt lớp 5, người dân quan tâm đến 2 vấn đề:

1. Nguồn gốc xuất xứ của văn bản?

2. Tính giá trị, thẩm mĩ của văn bản đó? Liệu văn bản đó có phải là sự xuyên tạc hay làm lệch lạc suy nghĩ, tình cảm, ấn tượng của người học về hình tượng Thánh Gióng hay không?

{keywords}

Tiếc là tác giả SGK và NXB mới chỉ trả lời câu hỏi thứ nhất, thành ra đám đông cộng đồng, vốn đã có sẵn nhiều định kiến về sách và người làm sách, về giáo dục và người làm giáo dục càng chỉ trích mạnh mẽ. Chung quy lại, cũng bởi người Việt có một thói quen không tốt: đại khái-học hành đại khái, hiểu biết đại khái, đọc đại khái, kiến giải đại khái… Trên tinh thần đại khái đó, cá nhân tôi có vài ý kiến như sau:

1. Văn bản SGK TV5: nguồn gốc xuất xứ

Truyện Thánh Gióng được ghi chép trong nhiều công trình như Lĩnh Nam chích quái [tên là Truyện Đổng Thiên Vương] của Vũ Quỳnh- Kiều Phú (thế kỉ thứ XV), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi… Đặc biệt, có nhiều truyện dân gian vùng trung châu Bắc Bộ kể về Gióng và các nhân vật liên quan đến Gióng (chương Đất nước vùng trung châu kể chuyện ông Dóng, trong sách Người anh hùng làng Dóng, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội, 1969). Như vậy, Gióng là hình tượng trung tâm, nổi bật trong hệ thống truyền thuyết anh hùng đánh giặc Ân và câu chuyện về cậu bé làng Phù Đổng cũng được truyền miệng và văn bản hóa sớm.

Văn bản tạo nên tranh luận của SGK Tiếng Việt lớp 5 nằm trong bài viết của Nguyễn Đình Thi“Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, viết năm 1944. Sau bản Đề cương văn hóa của Trường Chinh (1943), văn nghệ sĩ đương thời tiếp nhận phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng, lấy văn hóa văn nghệ làm vũ khí đấu tranh, góp phần giải phóng dân tộc: Ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười (Đặng Thai Mai) Ý nghĩa tục ngữ, ca dao (Hoa Bằng), Văn chương bình dân là kho tài liệu quý giá (Dương Quảng Hàm)… Với phương châm đó, bài của Nguyễn Đình Thi cũng với mong muốn tìm trong vốn cổ những giá trị, những biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi để tạo nên sức sống, sức chiến đấu cho cách mạng, giải phóng dân tộc.

Về mặt xuất xứ văn bản của Nguyễn Đình Thi, ở thời điểm 1944, bản Lĩnh Nam chích quái chưa được dịch ra quốc ngữ, cũng chưa có bản kể của Nguyễn Đổng Chi mà chúng ta rất quen thuộc hiện nay (Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam) vì thế tôi cho rằng một “người Hà Nội” như Nguyễn Đình Thi đã được nghe kể từ trong dân gian những dị bản về truyện Thánh Gióng và ông đã ghi lại cảm nhận của mình theo những tư liệu dân gian đó.

Không biết có phải từ gợi ý/từ bài viết của ông không mà nhà nghiên cứu lỗi lạc Cao Huy Đỉnh với khát vọng đi tìm sử thi người Việt (Kinh) đã tìm đến với người anh hùng làng Gióng (hay Dóng như cách viết của CHĐ).

Tuy không tìm được bản anh hùng ca người Việt, nhưng kết quả của những chuyến điền dã thực địa, bằng một phương pháp làm việc khoa học, tận dụng các tư liệu phong phú của dân gian, Cao Huy Đỉnh đã phác họa thành công “Đất nước trung châu kể chuyện ông Dóng”.

Nhờ những trang viết của CHĐ, người đọc không chỉ biết đến Thánh Gióng qua bản kể phổ biến của Nguyễn Đổng Chi (dựa trên Lĩnh Nam chích quái) mà còn biết đến hàng chục dị bản về Gióng; rằng không chỉ có Gióng đánh giặc Ân mà còn hàng trăm anh hùng vùng trung châu yêu nước, đứng lên đánh giặc (Lí Tiến, hai anh em ở Hà Lỗ - Hà Phong, Đông Anh; ông Trấn Quốc ở Phù Đổng; hai anh em sinh đôi ở Võ Giàng – Quế Võ…) [CHĐ, tr204-206, tr215].

Truyện về ông Gióng phổ biến cả cùng tam giác trung châu Sóc Sơn – Núi Trâu – Phù Đổng, dọc theo 3 con sông (Hồng – Đuống – Cầu). Chiến công hành trạng của Gióng không chỉ đánh giặc Ân, cởi bỏ giáp bay về trời mà Gióng còn qua nhiều làng quê khác, để lại dấu chân ngựa, nơi xuất quân (Phù Đổng), dấu ấn trận địa (Núi Trâu, làng Cháy), nơi buộc ngựa (làng Cựu Tự), nơi Gióng xuống uống nước (Bồ Đề), nơi ông dừng chân nghỉ, ăn cơm nắm, tắm và quên khúc roi sắt (làng Cáo)…

Sau này Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán (Hà Nội nghìn xưa, 1975), Bùi Văn Nguyên – Vũ Tuấn Sán – Chu Hà (Truyền thuyết ven Hồ Tây, 1975, tr24) cũng đều nhắc đến truyện Gióng ở làng Xuân Tảo (Cáo Đỉnh, nay là Xuân Đỉnh). Phong phú hơn, Phan Huy Đông còn tìm thấy truyện ở làng núi Y Sơn, nơi chôn áo của Thánh Gióng (Bốn con sông đất Việt – sự tích và giai thoại, 2001)…

Như vậy, xét về mặt tư liệu, ông Nguyễn Đình Thi không có gì sai trong việc viết như vậy về Gióng.Việc có những văn bản (dị bản, bản kể) truyền miệng trong dân gian như vậy là đúng với quy luật hình thành và tồn tại của văn học/bằng phương thức truyền miệng (oral literature).

Tương tự như Gióng, những truyện về Sơn Tinh ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũng hết sức đa dạng, bên cạnh một bản Sơn Tinh – Thủy Tinh quen thuộc với chúng ta: Sơn Tinh dạy dân tìm ra lửa, dạy dân cấy lúa, đánh cá, ăn gỏi, bẫy thú, ca hát…

Ở đây, chúng ta mắc phải một số định kiến: định kiến về việc tác phẩm ra đời là sự nhất thành bất biến. Đó là lối tư duy về văn học viết, tư duy về sáng tác của trí thức, của bác học. Một sáng tác dân gian không có tính cố định, nó luôn vận động trong không gian và thời gian, chịu sự tác động của tập thể nhân dân với những nhu cầu thẩm mĩ, nhu cầu sáng tạo. Văn bản này cũng không phải sáng tạo văn học của Nguyễn Đình Thi, mà là nhà văn đã ghi chép, thuật lại từ những tư liệu dân gian.

Từ đó có thể thấy việc tác giả SGK Tiếng Việt 5 lựa chọn ngữ liệu từ bài viết của Nguyễn Đình Thi không có gì sai. Tuy nhiên, người làm sách có một chút thiếu sót: Cần phải chú thích, vài dòng đơn giản thôi (Giả dụ như này: Trích từ bài viết “…” của NĐT, ông dựa trên các dị bản truyền miệng về Thánh Gióng để cảm nhận như vậy)

2. Giá trị nội dung, tư tưởng của dị bản về Thánh Gióng

Như trên đã cung cấp, bạn đọc có thể tìm công trình của Cao Huy Đỉnh để thấy sự diễn hóa của hình tượng/biểu tượng Gióng trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà: từ dân gian đến bác học, từ thần thoại – truyền thuyết đến diễn ca lịch sử; từ văn bản đến diễn xướng…

{keywords}

Vấn đề chúng tôi quan tâm và đưa ra kiến giải là: Tại sao lại có nhiều dị bản như thế? Vai trò của các dị bản đó như thế nào?Nhận định, thẩm định của nhà nghiên cứu/bạn đọc ra sao?

Văn học dân gian có đặc trưng cơ bản nhất là tính truyền miệng.Truyền miệng tạo ra dị bản. Thể loại truyền thuyết lại có tính địa phương (xem Kiều Thu Hoạch – Tổng tập VHDG người Việt, tập 4, 2004), với tâm lí “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, người dân có nhu cầu tôn vinh, thờ phụng các vị anh hùng để bảo trợ cho cuộc sống của cộng đồng – tín ngưỡng thành hoàng. Nhưng không phải làng nào cũng có thể sinh ra các vị anh hùng, vì vậy cư dân tại làng này dễ dàng tạo ra “cái cớ” để thờ phụng các vị anh hùng bằng việc sáng tạo các sự tích liên quan đến các nhân vật đó. Nhân vật càng thiêng liêng, có vị trí cao trong thần điện (pateon) thì càng có sức lan tỏa và quá trình địa phương hóa càng diễn ra mạnh mẽ (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh – Tứ bất tử được thờ phụng phổ biến nhất ở các làng Bắc Bộ).

Bên cạnh đó, việc sáng tạo hình tượng người anh hùng với nhiều chiến công, sự tích đã đáp ứng nhu cầu của cộng đồng về một người anh hùng đại diện cho tất cả các phương diện đời sống, thỏa mãn đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cộng đồng.

Vì thế người dân vùng tam giác trung châu gắn người anh hùng làng Gióng tham gia sự sáng tạo, để lại dấu ấn ở tất cả sự vật, hiện tượng xung quanh. Bất kì địa danh, đồi núi, sông ngòi… gắn với người anh hùng cũng là cách để cộng đồng tôn vinh địa phương, nâng tầm địa phương với chiến công, kì tích của nhân vật đó.

Xét về loại hình học dân gian, người anh hùng sau khi đánh giặc xong xuống sông tắm, đi ra sông, đi xuống hồ nước rồi hóa thân… là một mô-típ phổ biến.

Gần như toàn bộ truyên thuyết thời Hùng Vương đều có mô-típ này (xem Tổng tập, tập 4). Mô-típ hóa thân của nhân vật nằm trong mối tương quan với mô-típ sinh ra kì lạ: nhân vật sinh ra từ đâu sẽ trở về đó, đến từ thế giới kì ảo sẽ hóa thân trở về thế giới kì ảo sau khi đã hoàn thành sứ mệnh. Hơn nữa những chi tiết như Gióng ngồi ăn cơm nắm, uống nước múc từ lá sen, trò chuyện với đám trẻ chăn trâu… không làm nghèo đi hình tượng Gióng. Trái lại, hình tượng người anh hùng càng trở nên thân quen, gần gũi, đời thường, là người anh hùng trong mong ước, trong tâm tưởng, trong hình dung của cộng đồng.

3. Sách – Giáo dục và ứng xử của xã hội

Một chi tiết rất nhỏ nhưng xã hội và truyền thông của xã hội đã đẩy lên đến mức ồn ào không cần thiết.

Chúng tôi mạo muội có mấy đề nghị như sau:

(1) Với Nxb và người làm sách: Cần chọn lọc văn bản kĩ lưỡng, cẩn trọng. Cần chú thích nguồn, giải thích rõ ràng vì SGK không chỉ cho con trẻ, nó còn là công trình khoa học mà các thế hệ trí thức, cộng đồng soi vào. Nếu chú thích quá dài, tăng dung lượng thì có thể thêm các bản chỉ dẫn (index) đính kèm, hoặc đưa lên mạng giúp người đọc tra cứu.

(2) Với cộng đồng/bạn đọc

Trước hết hãy lắng nghe, đừng vội phán xét. Lấy tinh thần xây dựng, vì giá trị tốt đẹp của sách/của giáo dục đem lại cho chúng ta và con em chúng ta.

Trong khi chúng ta đang muốn bỏ thói quen tô vẽ, đọc chép, làm theo khuôn mẫu, chúng ta đang nỗ lực từng bước để tạo ra thế hệ mới có tính tự chủ, biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình, biết bước đi những con đường mới, để có chăng khác với nhiều thứ chúng ta đang dùng, đang làm.

Vậy mà qua sự việc này thì tôi lại thấy: chúng ta quá quen với lối mòn, quá quen với định kiến. So với Nguyễn Đình Thi hơn nửa thế kỉ trước, và xa hơn là tổ tiên mấy nghìn năm trước đã biết đến sự sáng tạo và tiếp nhận (dĩ nhiên rồi) những cái mới và sự đa dạng.

Tôi lại chợt nhớ lại bài học mà con trẻ đang học được qua một truyện dịch “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn” (Truyện con mèo dạy hải âu bay”)

Khó chấp nhận một cái khác, trong khi cái khác biệt đó chưa biết đúng/sai, tốt/xấu ra sao thì không thể thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Cứ như vậy, đến bao giờ những ĐỨA TRẺ hóa thân thành PHÙ ĐỔNG?

  • Nguyễn Việt Hùng (Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Huy Đỉnh (2003); Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb KHXH, H

2. Phan Huy Đông (2001), Bốn con sông đất Việt, sự tích và giai thoại, Nxb Văn hóa thông tin, H

3. Kiều Thu Hoạch (2004), Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nxb KHXH, H

4. Trần Gia Linh (2014), Nghiên cứu tư liệu lí luận văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, H

5. Bùi Văn Nguyên – Vũ Tuấn Sán – Chu Hà (1975), Truyền thuyết ven Hồ Tây, 1975, tr24

6. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin, H

7. Trần Lê Sáng (cb,1994), Tổng tập văn học Việt Nam, 3b, Nxb KHXH, H

8. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán (1975): Hà Nội nghìn xưa, Sở VHTT HN