- Ở một số trường ĐH công lập lớn, lộ trình tăng học phí với mức tăng 30% hàng năm đã được xác định. Việc này có làm hẹp cơ hội học ĐH có chất lượng của người nghèo?

"Ảnh hưởng tới người nghèo nhưng không lớn"

Cùng "thế hệ" các trường công lập được giao thí điểm tự chủ tài chính, đến nay, Trường ĐH Ngoại thương đang xếp hàng để chờ Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Nếu đề án được phê duyệt, nhà trường sẽ áp dụng thu mức học phí mới từ năm học 2015-2016. Theo đó, mức dự kiến sẽ 14,5 triệu đồng/ năm/ sinh viên; trong các năm tiếp theo sẽ tăng lên 16 triệu rồi 17,5 triệu đồng.

Đây là mức "nhỉnh" nhất trong nhóm các trường thí điểm.

{keywords}
Thí sinh dự thi ĐH năm 2014. Ảnh: Văn Chung

Cùng với mốc "2 năm tới", học phí của Trường Kinh tế quốc dân sẽ là 13,5 triệu đồng, Trường ĐH Hà Nội là 14 triệu đồng và Trường ĐH Tài chính - Maketting là 16,5 triệu đồng. Còn hiện tại, các trường này đang thu học phí theo tín chỉ, mức dao động từ 6,5 - 9,5 triệu mỗi năm.

Những thay đổi này đặt ra nhiều lo lắng đặt ra về cơ hội hẹp của sinh viên nghèo.

TS Từ Hữu Huy Nhựt, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết, mặc dù  thực hiện theo cơ chế tự chủ nhưng có một số ngành học phí chỉ thu bằng 50% so với mức bình quân tức khoảng 6,5 triệu đồng.  Đó là những ngành nhu cầu học có thể không cao nhưng thiết yếu cho nền kinh tế như Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế chính trị, Kinh tế phát triển...Khóa tuyển sinh 2015, nhà trường đã có 522 suất học bổng cho sinh viên xuất sắc, học bổng toàn phần, bán phần và học bổng khó khăn cho sinh viên.

Còn ông Hoàng Minh Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhìn nhận "có ảnh hưởng nhưng không lớn vì các trường sẽ có chính sách hỗ trợ".

Như dự kiến của trường ông, với sinh viên giỏi, sẽ cấp học bổng 100% phần học phí chênh lệch giữa mức quy định của nhà nước và quy định của trường. Như vậy, sinh viên diện này chỉ phải đóng 6-7 triệu đồng/ năm. Số sinh viên được hưởng chính sách này được nhà trường tính toán là 1% so với tổng chỉ tiêu tuyển mới (mỗi năm dự kiến tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu).

Để tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng đã tính toán hỗ trợ 100% học phí phần chênh lệch tăng lên (có nghĩa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại trường chỉ phải đóng 6-7 triệu đồng/ năm). Con số này dự kiến cũng chỉ khoảng 1% (35 em).

Riêng chính sách học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên giỏi vẫn được thực hiện theo quy định của nhà nước.

Đề án của Trường Ngoại thương còn cam kết đảm bảo chất lượng khi thu học phí cao, cụ thể: ban hành chuẩn đầu ra. Song song với tăng cường có sở vật chất sẽ giảm sĩ số lớp học từ 140 sinh viên hiện nay xuồng còn 100 hoặc 80 sinh viên/ lớp.

Tháng 7/2014, tại buổi "Đối thoại giáo dục" diễn ra ở TP.HCM, TS. Nguyễn Trường Giang đến từ Bộ Tài chính đã trình bày tham luận Đổi mới Chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính đối với giáo dục đại học ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả.

Theo phân tích của ông Giang, chính sách "học phí thấp" có hạn chế như mang tính bình quân, không khác biệt nhiều giữa các ngành đào tạo. Học sinh thuộc gia đình có thu nhập cao và học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp cùng đóng một mức học phí thấp như nhau, trong khi đó học sinh thuộc các gia đình có thu nhập cao chiếm tỷ trọng cao trong các cơ sở đào tạo công lập, dẫn đến việc nhà nước đang trợ cấp ngược cho người có thu nhập cao.

Việc sửa đổi chính sách học phí theo hướng chuyển chính sách học phí sang cơ chế giá dịch vụ, học phí tính đủ chi phí đào tạo cần thiết theo chuẩn đầu ra.

Băn khoăn về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Đón nhận thông tin các trường đại học lớn tăng học phí, nhiều người trong giới giáo dục vừa quan tâm, vừa nghi ngại.

Một giảng viên ĐH từng nghiên cứu về quản trị nguồn nhân lực nhiều năm so sánh "tăng học phí kiểu này giống như tăng giá điện. Điều đầu tiên phải đổi mới, tái cấu trúc chứ không phải tìm nguồn khác để nuôi bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu suất và lãng phí".

Một nhà phân tích giáo dục nhìn nhận: Tăng học phí là hệ quả trực tiếp của việc trở thành tự chủ. Vấn đề quan trọng là làm sao đảm bảo chất lượng dịch vụ tuân thủ cam kết với xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của các trường này với người học vã xã hội. Với thực tế hiện nay, người học ở vị thế yếu và thiếu năng lực giám sát và đòi hỏi thực thi, thì cơ chế nào để đảm bảo "trách nhiệm giải trình" của các trường?

 "Tự chủ không phải là ăn chia, bỏ túi...", là đơn vị đang thực hiện thí điểm, ông Đặng Minh Nhựt khẳng định.

Ông Nhựt cho hay, khi thực hiện tự chủ, để hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đề xuất được sử dụng toàn bộ học phí gửi ngân hàng thay vì nộp về kho bạc như quy định hiện nay. Tiền lãi gửi từ ngân hàng sẽ được trường dùng vào việc xây dựng quỹ khuyến học dành cho sinh viên.

Ông Nhựt quan niệm, phải thoát suy nghĩ tự chủ là nhiều tiền, ăn chia, bỏ túi và loại bỏ tâm lý tăng học phí – người học có được gì không.

"Trong đề án trình chính phủ, chúng tôi phải cam kết mục tiêu là hướng đến người học, tạo nhiều điều kiện cho sinh viên học tốt" - ông Nhựt nói.

Dù thực hiện tự chủ nhưng hằng năm, trường luôn có ba tổ chức thực hiện kiểm toán thu chi gồm kiểm toán nhà nước, kiểm toán của cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT) và bản thân trong trường tự kiểm toán nội bộ lẫn nhau. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Dù đã được Chính phủ đồng ý, các trường khác vẫn thận trọng khi trao đổi thông tin. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, sẽ tổ chức phổ biến sự thay đổi này tới toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà trường trong thời gian tới.

  • Nguyễn Hiền - Lê Huyền