- Một ngày sau thời điểm thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia, nhiều trường THPT trên cả nước vẫn chưa có thí sinh đăng ký. Hiệu trưởng một số trường THPT đề xuất, với những môn học không thi nên cho kết thúc sớm.

Theo lãnh đạo một số trường THPT tại Hà Nội, phải sau ngày 4/4, Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai tập phần mềm quản lí kỳ thi THPT quốc gia và các hướng dẫn cụ thể về kỳ thi thì học sinh mới nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia.

Ít thí sinh chọn thi sử

Kế hoạch thăm dò, khảo sát sự lựa chọn của học sinh đã được các trường THPT thực hiện khá sớm.

Ông Tạ Duy Hiển, phó Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội) cho biết, đợt khảo sát gần nhất, cả trường chỉ có duy nhất một học sinh đăng ký dự thi môn Sử kỳ thi THPT quốc gia.

  {keywords}

Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội năm 2014 chỉ có một thí sinh dự thi môn Lịch sử. (Ảnh: Văn Chung).

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Khảo sát từ trong tháng 3 của trường này cho thấy trường 656/648 học sinh của trường thi với mục đích vào ĐH, chỉ có 8 thí sinh thi với mục đích tốt nghiệp. 452 thí sinh chọn thi thêm môn Vật lý, 234 môn Hóa học, 175-Địa lý, 49- Sinh học và chỉ có 22 thí sinh chọn thi môn Lịch sử.

Tại TP.HCM, tình trạng ít học sinh đăng ký thi thêm các môn Lịch sử, Địa lý cũng phổ biến.

Trường THPT Thành Nhân cho biết, năm nay trường không có học sinh nào chọn thi môn Sử và Địa lý.

Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 9 năm học này có 340 học sinh lớp 12, trong đó có 60% học sinh chọn môn Hóa, 40% chọn thi môn Địa và Vật lý còn lại chỉ khoảng 10% học sinh chọn môn Sử, 8% chọn môn Sinh để dự thi.

Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) có 450 học sinh lớp 12 đăng ký môn tự chọn môn thi chỉ có khoảng 5% học sinh chọn môn thi Sử, còn lại là các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, Địa lý.

Tại Thái Bình, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Nguyễn Văn Đầm cho biết qua khảo sát của các trường THPT, có trường không có học sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử.

Khá hơn, tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cho biết đợt khảo sát gần đây nhất trường có 193/358 học sinh đăng ký thi thêm môn Vật lý, Hóa học: 71, Sinh học: 7, Lịch sử: 52, Địa lý: 146.

Ngoài việc phát hồ sơ để học sinh nghiên cứu, sắp tới một số trường THPT tại Hà Nội sẽ tổ chức họp phụ huynh để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn phụ huynh và học sinh đăng ký thủ tục dự thi, hạn chế các sai sót, nhầm lẫn…

Môn không thi cho trường kết thúc sớm?

Dù ít học sinh đăng ký các môn Lịch sử, Địa lí nhưng hiệu phó Tạ Duy Hiển cho biết, nhà trường vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của học sinh, sẽ bố trí ôn tập đầy đủ để học sinh có kết quả thi tốt nhất.

Trong khi đó, để ôn tập cho học sinh, Trường THPT Việt Đức buộc phải đan xen nội dung ôn tập vào tiết học chính khóa. Nhưng có những môn thi ít học sinh/lớp đăng ký thi nên tiết học của môn đó rất khó bố trí để vừa dạy chương trình bình thường, vừa bổ sung nội dung ôn tập.

Ông Nguyễn Tôn Vinh, hiệu trưởng trường THPT Đống Đa cho biết, trước yêu cầu đổi mới của kỳ thi năm nay, giáo viên bắt buộc phải đáp ứng chuyên môn cao hơn khi vừa phải đảm bảo học sinh đỗ tốt nghiệp, vừa phải đủ điều kiện trúng tuyển đại học.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường THPT Mari Curi Hà Nội có cùng băn khoăn, có những lớp 40 học trò những chỉ có 2 em thi môn Sinh học, còn lại 38 em không thi. Như vậy môn này sẽ được dạy như thế nào, vấn đề này Bộ Giáo dục và sở nên tháo gỡ. Theo quan điểm của thầy Khang, hãy tôn trọng thực tế, nếu những môn không thi thì cho kết thúc sớm và cho học sinh chia nhóm ôn thi.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà Thanh, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội) băn khoăn, mặc dù nhà trường đã phổ biến quy chế thi tới tận giáo viên, học sinh, kể cả học sinh lớp 11 và kèm theo đó là phối hợp làm tư vấn tuyển sinh, nhưng vẫn lo lắng về kỳ thi. Cô Thanh cho biết, lo nhất là hướng dẫn cho học sinh đăng ký dự thi, hướng dẫn để các em làm làm sao cho chuẩn xác nhất.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là kỳ thi có nhiều đổi mới, từ phương thức, cách thức và thời gian thi. Do đó, các thầy cô cần nắm vững những điểm mới của kỳ thi, cương quyết không cử các thầy, cô không nắm vững quy chế tham gia công tác thi.

"Quá trình ôn tập sắp tới đề nghị các trường không được cắt xén chương trình, nội dung ôn tập cho học sinh và phụ đạo cho học sinh yếu kém là trách nhiệm của nhà trường" - ông Độ nhấn mạnh.

Văn Chung