Trong nhiều sự kiện xã hội gần đây như tranh cướp bia, hôi của, cướp hoa... và gần đây nhất là chen lấn vượt rào để vào công viên nước Hồ Tây, nhiều người lại nhắc tới khái niệm "tâm lý đám đông", trích dẫn phân tích của nhà tâm lý học Gustave Le Bon để phân tích hiện tượng này.

Chúng tôi đã tìm gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người dịch cuốn sách "Tâm lý học đám đông" của Gustave Le Bon (Nguyễn Xuân Khánh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức, 2006).

Một cách ngắn gọn nhất, trên những kiến thức mà ông tiếp nhận và truyền bá đi, ông lý giải các hiện tượng nói trên như thế nào?

- Cứ khi nào đám đông tập hợp lại thì vô thức của đám đông xuất hiện. Khi đã vào đám đông, con người mất hết bản sắc riêng rồi. Lúc bấy giờ, đám đông hướng dẫn, chỉ đạo mình.

Cũng không thể điều đó nói là sai hay đúng được. Khi định nghĩa sai - đúng là qua chính trị rồi, là hai bên đối kháng nhau. Còn những hiện tượng nêu trên không điển hình cho tâm lý đám đông như những sự kiện liên quan tới chính trị, có ý tưởng, có chuẩn bị.

Những sự kiện vừa rồi chỉ là dùng đông người để đỡ sợ, tìm sự đồng lõa, chứ không hẳn là tâm lý đám đông. Chỉ là dùng đám đông để tự tin hơn, chứ không phải cả đám đông đi ăn cướp, làm bậy.

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Vậy thì, hiện tượng nói trên cho thấy người dân đang thiếu hụt những điều gì, thưa ông?

- Theo như tôi được biết, thì cuốn sách "Tâm lý đám đông" đã được tái bản tới lần thứ 6.  

Những kiến thức về đám đông rất quan trọng đối với con người hiện đại. Mình phải có ý thức, đừng để trở thành một phần tử của đám đông cuồng nhiệt, biến mình thành vô thức. Người trí thức là phải lặng lẽ, suy nghĩ cẩn thận, và như thế thì phải “ở riêng” thôi.

Đã có đầy những dẫn chứng về việc ngay những nhà bác học, học giả lỗi lạc khi đã đi vào đám đông sẽ không còn suy nghĩ được cá nhân nữa, mất cả cá tính. Đối với trí thức thế là hỏng, sẽ bị tầng lớp khác, người khác lợi dụng, chỉ đạo.

Còn với “thường dân” thì sao? Trước những hiện tượng "lệch chuẩn" của xã hội, trước những hành vi lệch lạc của người lớn hiện nay, thì theo ông, các bạn trẻ hay mỗi ông bố bà mẹ nên đọc thêm những cuốn sách nào?

- Các nhà xuất bản cũng thấy được phần này rồi.

Đám đông có mặt tiêu cực, nhưng có mặt tích cực. Con người hiện đại không thể chỉ làm việc một mình được. Tuổi trẻ bây giờ làm việc theo nhóm, theo cụm, bổ trợ cho nhau rất nhiều, chứ không phải cứ đám đông là làm những việc lệch lạc.

"Tuổi trẻ rất dễ bị đám đông kích động, cách tốt nhất là tránh ra thì hơn. Bởi khi đã tham gia không thể nói giỏi được, mà sẽ bị cuốn theo"

Người nước ngoài thường đánh giá người Việt Nam có kỹ năng làm việc nhóm kém. Người trẻ Việt thiếu hụt những phần này rất nhiều. Sách tâm lý học hiện đại có hẳn những lý thuyết riêng về vấn đề này như cuốn “Trí khôn của tập thể”.

Đám đông có lúc đưa ra những ý kiến rất hay. Làm việc nhóm phải có kỹ thuật riêng, có thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến của người khác… Nếu chỉ biết đám đông như thế kia mà lo sợ là không được. Phải học cách cùng làm việc với đám đông. Những lý thuyết đó phải đọc. 

Còn những hành động lệch lạc, thì như tôi đã nói, dùng tâm lý đám đông chỉ giải thích được một phần. Đó là sự lây nhiễm hành vi xấu. Những hành động đấy chủ yếu nói lên văn hóa của cả xã hội đang xuống cấp.

Nhìn nhận về hiện tượng này, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ lập luận: "Trong số những người hôm nay, tôi nghĩ có nhiều người đã từng xếp hàng rất ngay ngắn hàng giờ để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khóc. Vậy thì có đáng lên án họ không, khi ở hoàn cảnh này, họ có những hành động rất bản năng, nhưng ở hoàn cảnh khác họ lại rất văn hóa và đáng trân trọng". Nhưng lại có phản biện: "Văn hóa là cái vỏ bọc, bản năng là cái ruột. Khi cái vỏ văn hóa có giá trị làm chủ, bảo vệ, điều chỉnh cái ruột bản năng, bắt cái ruột bản năng phải phục tùng trong mọi hoàn cảnh, đó là văn hóa thật. Còn cái vỏ văn hóa không làm chủ được điều đó, ở hoàn cảnh này nó che giấu mọi thứ để tỏ ra thanh lịch, hào hoa, ở hoàn cảnh khác nó lại thả cửa cho sự tham lam, bần tiện, thì đó là cái vỏ văn hóa giả".

Theo ông lập luận nào thuyết phục hơn?

- Khi đã vào đám đông là bản năng trỗi dậy, văn hóa không thể làm chủ được. Chỉ có những người tạo lập được phông văn hóa rất cao sẽ tránh được những chuyện này thôi.

Nhưng cũng không thể bảo những người còn lại là có vỏ văn hóa giả. Chỉ là, vỏ văn hóa của họ không vững chắc thôi. Đã để bị lôi cuốn tức là không vững chắc rồi, chứ họ không giả tạo.

Muốn đề kháng được những thứ lệch lạc của hoàn cảnh, chỉ có cách là có phông văn hóa vững chắc. Đây là việc thuộc nhà trường, thuộc đoàn thanh niên, mà quan trọng nhất là phụ thuộc vào gia đình. Nhà trường là phần cực kỳ quan trọng, nhưng cha mẹ mới là quan trọng nhất.

Vậy thì, ông có cảm thấy buồn trước hiện tượng trên?

- Buồn rồi sẽ qua thôi.

Bởi vì xã hội mình bây giờ nhiều cái thất vọng quá nên bản năng thức dậy. Mà trong con người mình đầy bản năng xấu, nào là tham sân si. Bản năng là một trong những cái vô thức, chi phối mình ghê gớm lắm. Gặp hoàn cảnh, bản năng thức dậy ngay, đừng ai nói trước điều gì.

Còn vì sao tôi nói “sẽ qua”, bởi vì rồi xã hội sẽ vẫn giải quyết được thôi.

Trong bản năng con người có bản năng chếtbản năng sống. Nói như nhà tâm lý học nổi tiếng Freud, bản năng chết là bản năng dẫn tới chiến tranh, bạo lực, còn bản năng sống là bản năng yêu đương, sinh tồn.

Nếu một dân tộc nào lao xuống dốc, kể cả khi dường như không còn con đường nào khác, thì thông thường bản năng sống trong dân tộc đấy vẫn thức dậy được. Sẽ vẫn có những ngọn lửa, có con người kích thích bản năng sống thức dậy. Và hết giai đoạn ấy là sẽ hồi phục lại.

Dân tộc nào cũng có những lúc rất bi quan trong vấn đề tư tưởng, nhưng không phải là hết. Nếu dân tộc ấy còn sống được, tức là nó sẽ còn sức sống để tái sinh trở lại.

Không bi đát đâu, tôi nghĩ thế.

Hai bản năng luôn tồn tại trong chúng ta, trong cộng đồng cũng như trong mỗi cá nhân. Mình biết cách trau dồi, nuôi nấng phần đẹp, lúc nào đó bản năng tốt sẽ trỗi dậy trở lại. Chứ bây giờ ta muốn đi tìm một xã hội hoàn toàn tốt lành là không thể có được.

Chấp nhận cái lệch lạc nhưng phải nuôi dưỡng cái đẹp. Mà việc đó không phải chỉ một vài người làm được...

Xin cảm ơn ông.

  • Chi Mai – Hạ Anh thực hiện