Sáng 22/4, sau buổi thi cuối học kỳ II môn ngữ văn lớp 9, nhiều học sinh và giáo viên tại TP.HCM băn khoăn với đề thi được cho là thiếu rõ ràng.


{keywords}

Trong đề thi chính thức kiểm tra học kỳ II, môn ngữ văn lớp 9, ở phần I, câu 1 như sau:

“Nguyễn Du viết:

                                            Cỏ non xanh tận chân trời

                                        Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

nào phải để cho chúng ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy.”

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Nêu tên tác giả tác phẩm

b) Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du).

Giáo viên một trường THCS tại TP.HCM bày tỏ: “Tôi không biết cả câu a và câu b của đề thi đang hỏi gì nhưng đoạn trích trong đề thi thuộc tác phẩm “Tiếng nói Văn nghệ” của nhà văn Nguyễn Đình Thi”.

Giáo viên này cho biết: Phải đọc kỹ thì mới biết đây là trích đoạn bài viết của Nguyễn Đình Thi vì nếu không để ý dấu ngoặc kép, học sinh sẽ trả lời ngay đây là tác phẩm 'Truyện Kiều" của Nguyễn Du.

Đây cũng là đề thi sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THCS.

Độc giả Nguyễn Văn Chí phân tích: "Đề sai ở chỗ gom cả 2 câu thơ của Nguyễn Du và đoạn văn của Nguyễn Đình Thi vào cùng một ngoặc kép. Vì bài văn của Nguyễn Đình Thi cũng trích lại 2 câu của Nguyễn Du nên dễ gây nhầm lẫn. Nói chung là người ra đề làm tối sự trong sáng của tiếng Việt".

Trong khi đó, độc giả DuyDC đánh giá đề thi này không chỉ hợp lý mà còn  là một đề hay: "Đề chỉ khó nếu trong chương trình học không có tác phẩm "Tiếng nói văn nghệ" của Nguyễn Đình Thi. Học  sinh học văn đến lớp 9 là phải biết đâu là đoạn thơ, đâu là đoạn phê bình văn học. Các thầy cô lo lắng là không có cơ sở. Dạy cho các em cái tư duy văn học chứ không phải cái khuôn mẫu đã định hình".

Theo Đ.Trinh (Người lao động)