Tờ The Washington Post mới đây vừa đưa ra những biểu đồ giúp bạn hiểu hơn về tính đa dạng của các ngôn ngữ trên thế giới.
1. Một số châu lục có nhiều ngôn ngữ hơn hẳn châu lục khác
Không phải tất cả các châu lục đều có số lượng các ngôn ngữ đồng đều nhau. Theo các số liệu được thống kê cho biết, châu Á là châu lục đang dẫn đầu về sự đa dạng ngôn ngữ với 2301 các ngôn ngữ khác nhau. Châu Phi theo sát với 2138 thứ tiếng đang được sử dụng.
Có khoảng 1300 các ngôn ngữ ở Thái Bình Dương và ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, con số này là 1064 ngôn ngữ. Mặc dù châu Âu có nhiều các quốc gia khác nhau nhưng lại xếp cuối bảng với chỉ 286 thứ tiếng khác nhau.
2. Thứ tiếng được nhiều người bản ngữ sử dụng nhất
Tiếng Trung là thứ tiếng được nhiều người bản ngữ sử dụng nhất trên thế giới, tiếp theo đó là tiếng Hin-ddi và Urdu với nguồn gốc ngôn ngữ đều cùng xuất phát từ miền bắc của Ấn Độ.
Xếp sau đó mới là tiếng Anh, được 527 triệu người bản ngữ sử dụng. Tiếng Ả Rập được sử dụng bởi gần 100 triệu người bản xứ, nhiều hơn cả tiếng Tây Ban Nha.
Những con số này phản ánh một thực tế rằng hai phần ba dân số thế giới chỉ sử dụng 12 ngôn ngữ bản địa. Được biết, những số liệu này được đưa ra dựa vào một nghiên cứu kéo dài 15 năm liền của trường đại học Ulrich Ammon Dusseldorf.
Kết quả của cuộc nghiên cứu này rất đáng ngạc nhiên khi so với những số liệu của CIA – Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ. Theo số liệu của CIA, Tây Ban Nha lại là thứ tiếng được sử dụng bởi số người bản địa chiếm 4,85% dân số thế giới. Nó thậm chí còn được sử dụng rộng rãi hơn cả tiếng Anh, khi chỉ có 4,83% dân số thế giới sử dụng.
3. Sự đa dạng ngôn ngữ của các quốc gia
Với nhận định của tờ The Washington Post, chỉ số đa dạng của Greenberg cho thấy Hoa Kỳ không phải là quốc gia có sự đa dạng về ngôn ngữ như nhiều các quốc gia khác.
Giả dụ rằng nếu bạn chọn 2 người ngẫu nhiên ở Cameroon thì 97% là họ sẽ có 2 thứ tiếng mẹ đẻ khác nhau. Thế nhưng, ở Hoa Kỳ, khả năng này chỉ là 33%. Bạn cũng có thể nhìn vào bản đồ để so sánh sự đa dạng ngôn ngữ của Hoa Kỳ với các quốc gia khác.
4. Những ngôn ngữ được sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau.
Tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là những thứ tiếng phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Nguyên nhân là bởi đây là những ngôn ngữ mẹ đẻ của các Đế quốc trong quá khứ. Cùng với việc đánh chiếm những thuộc địa trên thế giới, họ đã vô tình mang thứ tiếng mẹ đẻ của mình tới những vùng đất này.
5. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi như một ngôn ngữ chính thức
Thế nhưng, cho dù một quốc gia coi tiếng anh là ngôn ngữ chính thức thì những người dân của quốc gia ấy cũng rất ít khi sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với nhau hằng ngày. Đa số họ đều sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.
6. Một nửa các thứ tiếng đang có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ 21
Theo kết quả nghiên cứu, hiện nay, khoảng 3% dân số thế giới lại đang sử dụng 96% các loại ngôn ngữ. Trong tất cả các thứ tiếng trên thế giới thì có 2000 thứ tiếng đang được dưới 1000 người bản ngữ sử dụng.
Do đó, theo ước tính của UNESCO, khoảng một nửa các thứ tiếng trên thế giới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này. Sự tuyệt chủng của các ngôn ngữ sẽ khiến nhiều quốc gia và khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Tại Mỹ, các thứ tiếng đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn chủ yếu nằm dọc theo bờ biển phía Tây cũng như vùng đất dành riêng cho người dân vùng Trung Tây.
Trên thế giới, các khu rừng Amazon, vùng châu Phi cận sa mạc Sahara, Châu Đại Dương, Úc và Đông Nam Á là các khu vực có nguy cơ sắp mất đi hầu hết các ngôn ngữ.
7. Ngôn ngữ được nhiều người học nhất
Trong khi tiếng Anh tụt hậu về số lượng người bản xứ sử dụng thì nó lại là ngôn ngữ được nhiều người học nhất trên thế giới, với hơn 1,5 tỉ người đang theo học.
Xếp sau là tiếng Pháp với 82 triệu người, tiếng Trung với 30 triệu người, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức với 14,5 triệu người, tiếng Ý với tiếng Nhật lần lượt là 8 triệu và 3 triệu người.
Nhìn chung, trên thế giới, số người học tiếng Anh còn nhiều hơn số người học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Trung gộp lại.
- Thu Phương (Theo The Washington Post)